Các quỹ phòng hộ đã kiếm được khoản lợi nhuận hơn 7 tỷ USD bằng giao dịch bán khống cổ phiếu ngân hàng trong cuộc khủng hoảng vừa qua.
Khoản lợi nhuận lớn này đến trong một tháng rúng động đối với các ngân hàng, từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) tới thương vụ bán mình khẩn cấp của Credit Suisse. Trong bối cảnh giá cổ phiếu lao dốc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng buộc phải lên tiếng để gạt bỏ những lo ngại về sức khỏe của Deutsche Bank và First Republic của Mỹ đã được các đối thủ lớn hơn cứu trợ.
Theo hãng dữ liệu Ortex, các nhà bán khống đã kiếm được khoản lợi nhuận ước tính tổng cộng khoảng 1,3 tỷ USD từ các vị thế bán với SVB. Khoản lãi hơn 848 triệu USD đến từ việc đặt cược vào First Republic Bank, khi cổ phiếu ngân hàng này giảm 89% trong tháng 3.
Các nhà đầu tư cũng kiếm được 684 triệu USD từ việc bán khống Credit Suisse, khi cổ phiếu ngân hàng Thuỵ Sĩ mất 71%. Lãi từ các vị thế bán khống với toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng Mỹ và châu Âu mà các quỹ này đặt cược đạt 7,2 tỷ USD.
Peter Hillerberg, nhà đồng sáng lập Ortex, cho biết: “Tháng 3 là tháng có lợi nhuận cao nhất đối với các nhà bán khống lĩnh vực ngân hàng kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008”. Ông nói thêm, dù cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh vào đầu năm 2020, nhưng ít quỹ đặt cược bán khống vào thời điểm đó.
Barry Norris, CIO tại Argonaut Capital, chia sẻ ông đã ghi nhận một tháng “thăng hoa” nhờ đặt cược vào các ngân hàng gồm Credit Suisse và First Republic. Quỹ Argonaut Absolute Return của ông ghi nhận tỷ suất sinh lời hơn 6%.
Trong khi đó, một trong những công ty quản lý quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới, Marshall Wace, cũng nằm trong số những bên bán khống 0,7% cổ phiếu của Deutsche Bank. Các quỹ của công ty này kiếm về 40 triệu USD từ các khoản đặt cược đó.
Nhiều quỹ phòng hộ đưa ra phản ứng trước những bất ổn bằng cách tăng vị thế bán khống. Ví dụ, tỷ lệ bán khống Credit Suisse chỉ ở khoảng 3,5% cổ phiếu lưu hành vào đầu tháng 3, nhưng đã tăng lên 14% vào ngày 20/3, khi UBS mua lại CS, theo S&P Global Market Intelligence. Còn tỷ lệ bán khống ở First Republic tăng vọt từ 1,3% vào đầu tháng 3 lên 38,5% vào ngày 30/3.
Các nhà quản lý quỹ khác được hưởng lợi từ thương vụ này bao gồm quỹ phòng hộ của Mỹ Azora Capital, song công ty này không đưa ra phản hồi.
Tuy nhiên, các khoản bán khống với Deutsche Bank lại không mang về lợi nhuận. Dù tỷ lệ bán khống tăng nhanh từ 1,4% vào đầu tháng lên 6,1% vào 28/3, song cổ phiếu ngân hàng Đức đã hồi phục và xoá bỏ lợi nhuận của các quỹ.
Các quỹ phòng hộ dường như đang dự đoán rằng các vấn đề tiếp theo sẽ xuất hiện trong ngành này. Tỷ lệ bán khống với First Republic chỉ thấp hơn 1 chút so với mức cao nhất của tháng 3 là 3,7%, trong khi các khoản đặt cược vào Deutsche Bank cũng chỉ giảm nhẹ.
Norris cho biết chương trình hỗ trợ thanh khoản của Fed được công bố vào tháng trước đã làm giảm nguy cơ sụp đổ của các ngân hàng khu vực tại Mỹ. Theo ông, cuộc khủng hoảng thanh khoản có lẽ đã kết thúc, nhưng khả năng vỡ nợ đang bắt đầu tăng lên.
Vì sao cổ phiếu ngân hàng lại là ‘miếng bánh ngon’ của các quỹ đầu tư?
Một cổ phiếu ngân hàng được dự báo tăng gần 50% sau loạt động thái mới của NHNN