Vĩ mô

Các tổ chức quốc tế nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam như thế nào so với khu vực?

Mẫn Nhi 25/07/2025 17:41

Chính phủ vừa cụ thể hóa mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 8,3-8,5%, cùng xem các tổ chức trên thế giới nhìn nhận như thế nào về kinh tế Việt Nam.

Tính đến cuối tháng 7, nhiều tổ chức quốc tế đã có những cập nhật mới nhất về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025. Những điều chỉnh này chủ yếu dựa trên diễn biến kinh tế thế giới, biến động thuế quan, cũng như số liệu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam qua 6 tháng đầu năm. Đây là những đánh giá quan trọng, phản ánh sự quan sát sát sao từ bên ngoài và cũng là cơ sở so sánh đáng giá với mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng mà Chính phủ đặt ra: 8,3–8,5% cho cả năm 2025.

Cụ thể, trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á – ADO tháng 7/2025, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6,3% trong năm 2025, cao hơn mức trung bình khu vực ASEAN (4,2%) và bỏ xa nhiều nền kinh tế lớn như Thái Lan (1,8%), Indonesia (5%) hay Malaysia (4,7%). Dự báo cho năm 2026 là 6,0%, tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng khu vực.

Các tổ chức quốc tế nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam như thế nào so với khu vực?
So sánh các mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam. Lưu ý: Mục tiêu của Chính Phủ lấy trung bình 8,4% (giữa mức 8,3-8,5%)

Đáng chú ý, Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) thậm chí nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 7%, từ mức 6,5% trước đó. Đây là lần điều chỉnh theo hướng tích cực hiếm hoi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn. Theo AMRO, Việt Nam sẽ là nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất ASEAN+3 năm nay, vượt Philippines (5,6%) và Campuchia (5,2%). Trước đó, vào đầu tháng 7, Ngân hàng UOB (Singapore) cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 6,0% lên 6,9%, dựa trên các chỉ số tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2025 do Cục Thống kê công bố.

>> ADB: Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm tới

Tuy nhiên, vẫn có những đánh giá thận trọng hơn. Ngân hàng Standard Chartered mới đây đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,7% xuống 6,1%, cho rằng đà tăng mạnh 7,5% trong nửa đầu năm có thể chững lại trong nửa cuối do ảnh hưởng từ xu hướng giảm tốc thương mại toàn cầu và chính sách tiền tệ thắt chặt ở các nền kinh tế lớn.

Cùng với đó, các tổ chức quốc tế khác đã công bố dự báo sớm hơn, với các con số cũng khá khả quan trong bối cảnh chung. Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 4/2025 dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 5,8%, vượt xa mức dự báo trung bình 4% cho cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngân hàng HSBC đặt kỳ vọng ở mức 5,2%.

Nhìn một cách tổng thể, tất cả các tổ chức lớn đều đặt kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam ở mức cao nhất Đông Nam Á, thậm chí thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang “vật lộn” để phục hồi, đây là tín hiệu thể hiện lòng tin của quốc tế với năng lực chống chịu và triển vọng phục hồi của Việt Nam.

Dù vậy, vẫn không thể bỏ qua thực tế là các mức tăng trưởng trên đều nằm dưới hoặc cách xa so với mục tiêu đầy tham vọng 8,3-8,5% mà Chính phủ đặt ra. Thực tế, mục tiêu cao của Chính phủ không chỉ là con số, mà còn là thông điệp khẳng định quyết tâm bứt phá sau giai đoạn đầy biến động của kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng cao sẽ là nền tảng để Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045.

Các tổ chức quốc tế nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam như thế nào so với khu vực?
Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045. (Ảnh minh họa)

Theo công bố từ Cục Thống kê, GDP Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52%, mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được thống kê. Theo kịch bản mà Bộ Tài chính xây dựng để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8,3–8,5%, quý III cần đạt 8,9–9,2%, còn quý IV cần đạt 9,1–9,5%. Trong kịch bản đó, quy mô GDP năm 2025 của Việt Nam ước đạt trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 5.020 USD. Dù là thách thức lớn, đây cũng là bước đệm để tiến gần hơn tới mục tiêu 100 năm đã định.

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế vẫn đang "vật lộn" để phục hồi, việc Việt Nam được xếp hạng cao về tăng trưởng GDP là một tín hiệu rất tích cực. Điều quan trọng lúc này là thực thi chính sách hiệu quả, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại và đẩy mạnh cải cách thể chế để chuyển "kỳ vọng tăng trưởng" thành hiện thực.

>> Đông Nam Á có đại diện trong Top 3 quốc gia giàu nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ bao nhiêu?

Tiêu dùng ‘gánh’ 84% tăng trưởng GDP, TS. Cấn Văn Lực đề xuất lập đề án riêng để kích cầu

TS. Cấn Văn Lực: Muốn tăng trưởng 9-10%, đầu tư toàn xã hội không nhất thiết phải bằng 40% GDP

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cac-to-chuc-quoc-te-nhan-dinh-tang-truong-gdp-cua-viet-nam-nhu-the-nao-so-voi-khu-vuc-297565.html
Bài liên quan
  • Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh… được giao trọng trách mới, góp phần đạt GDP 8,3–8,5% vào 2025
    Các đầu tàu kinh tế như: Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh, … được giao chỉ tiêu tăng trưởng mới trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu GDP 2025 tăng 8,3–8,5%.
  • Vì sao Việt Nam cần GDP tăng trưởng hai con số?
    Nhờ duy trì tăng trưởng GDP bình quân 6-7%/năm trong suốt 40 năm, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã cao gấp 12 lần, lên 4.490 USD – tiệm cận mức thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, để Việt Nam thực sự sánh vai cùng cường quốc năm châu, việc tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới là yêu cầu cấp thiết.
  • Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tăng trưởng GDP đạt tối thiểu 8% trong 6 tháng cuối năm
    Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đưa ra tại Hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV tại tỉnh Điện Biên diễn ra chiều 4/7.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Các tổ chức quốc tế nhận định tăng trưởng GDP của Việt Nam như thế nào so với khu vực?
    POWERED BY ONECMS & INTECH