Vì sao Việt Nam cần GDP tăng trưởng hai con số?
Nhờ duy trì tăng trưởng GDP bình quân 6-7%/năm trong suốt 40 năm, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã cao gấp 12 lần, lên 4.490 USD – tiệm cận mức thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, để Việt Nam thực sự sánh vai cùng cường quốc năm châu, việc tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới là yêu cầu cấp thiết.
40 năm tăng trưởng 6–7%: Thành tựu lớn nhưng vẫn có thể đột phá hơn
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam (GNI/người) năm 2024 đạt 4.490 USD, chỉ còn cách 6 USD so với ngưỡng thu nhập trung bình cao. Con số này đánh dấu bước tiến rõ rệt so với thời kỳ đầu Đổi mới khi thu nhập bình quân đầu người của nước ta chỉ vỏn vẹn 370 USD vào năm 1999. Tuy vậy, mức GNI/người của Việt Nam vẫn cách khá xa so với các nước phát triển trong khu vực. Tính đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc là khoảng 36.000 USD, còn Singapore là gần 75.000 USD, gấp 8 đến 17 lần Việt Nam hiện nay. Đồng thời, hai quốc gia trên cũng có thể đạt mức thu nhập như Việt Nam hiện tại vào khoảng 30 năm trước.
Nói cách khác, chúng ta đang đi sau các nước này và nếu tiếp tục duy trì đà tăng như hiện tại, khoảng cách sẽ không dễ được rút ngắn.
Từ sau Đổi mới (1986) đến nay, Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng GDP trung bình 6–7% mỗi năm, một trong những tốc độ ổn định và cao nhất thế giới trong cùng kỳ. Tuy nhiên, sau gần 40 năm, Việt Nam đã vươn lên sát ngưỡng thu nhập trung bình cao nhưng để “lên hạng” nhóm các nước phát triển hay thu nhập cao vẫn là một chặng đường dài.
![]() |
(Ảnh minh họa) Việt Nam đi sau các quốc gia phát triển hàng chục năm. |
Việc giữ vững tốc độ tăng trưởng hiện tại là cần thiết, nhưng nếu chỉ đi đều, trong khi các quốc gia phát triển vẫn tiến lên, thì về bản chất, chúng ta rất khó để theo kịp trong cuộc đua toàn cầu.
Tăng trưởng hai con số là đòi hỏi cấp thiết để vươn mình
Trong bối cảnh dân số Việt Nam đang tiến dần đến thời kỳ già hóa, cơ hội dân số vàng chỉ còn kéo dài thêm khoảng một thập kỷ, thì việc “đi nhanh” là một điều kiện sống còn. Mức tăng trưởng 10%/năm – nếu duy trì được trong 10–15 năm – có thể giúp thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, tạo cú hích để Việt Nam thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.
Tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm không phải điều chưa từng có trong lịch sử thế giới. Hàn Quốc từng tăng trưởng trên 10%/năm trong suốt thập niên 1960–1980, từ một nước nghèo hậu chiến vươn lên thành cường quốc công nghiệp hóa. Nhật Bản sau Thế chiến II cũng trải qua thời kỳ "tăng trưởng thần kỳ" kéo dài nhiều năm với GDP tăng 10–12% mỗi năm. Hồng Kông và Đài Loan cũng có những giai đoạn tăng trưởng hai con số trong quá trình cất cánh kinh tế.
Trung Quốc là ví dụ gần nhất và điển hình: từ thập niên 1980 đến đầu những năm 2010, nước này duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10% suốt ba thập kỷ. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng vọt, giúp Trung Quốc vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chuyển sang nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao.
![]() |
Tăng trưởng GDP của một số nước châu Á. Nguồn: WB. |
“Nếu giữ mức tăng trưởng GDP 6%, Việt Nam sẽ chỉ đạt 15.000 USD thu nhập bình quân đầu người; nếu duy trì 7% sẽ tiệm cận ngưỡng dưới của nhóm nước có thu nhập cao; chỉ với mức 10% mới giúp Việt Nam chạm tới đích phát triển thu nhập bình quân đầu người 33.000 USD và gia nhập nhóm quốc gia phát triển”, TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, từng chia sẻ.
Như vậy, tăng trưởng hai con số không phải là khẩu hiệu, mà cần được xem là mục tiêu phát triển quốc gia trong trung hạn. Nó đòi hỏi chính sách cải cách sâu rộng về thể chế, hạ tầng, năng suất lao động, và năng lực đổi mới sáng tạo.
Với nền tảng vững chắc từ việc tăng trưởng bình quân 6-7%/năm trong 4 thập kỷ, Việt Nam không chỉ “thoát nghèo” mà còn đang trên hành trình vươn mình. Hơn thế, muốn “sánh vai cùng các cường quốc”, chúng ta phải có bước nhảy thực sự – bằng tăng trưởng 2 con số, có chất lượng, có chiều sâu và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 7,67%, cao nhất trong gần 20 năm
Sau hơn 30 năm, GNI/người của Việt Nam tăng 19 lần, cần bao nhiêu để trở thành thu nhập cao?