Đông Nam Á có đại diện trong Top 3 quốc gia giàu nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ bao nhiêu?
The Economist vừa công bố bảng xếp hạng thường niên, so sánh mức độ "giàu có" của các quốc gia theo ba tiêu chí, trong đó một đại diện Đông Nam Á lọt Top 3 thế giới.
Mới đây, The Economist công bố bảng xếp hạng 178 quốc gia theo ba tiêu chí phản ánh mức độ “giàu có” toàn diện: GDP bình quân đầu người theo tỷ giá thị trường; thu nhập điều chỉnh theo sức mua (PPP); và thu nhập quy đổi theo số giờ làm việc. Những cách tiếp cận này cho thấy, giàu không chỉ là kiếm được nhiều tiền, mà còn là sống thoải mái hơn nhờ chi phí rẻ hoặc ít phải lao động hơn.
Top 3 quốc gia giàu nhất thế giới năm nay gọi tên Thụy Sĩ, Singapore và Na Uy. Nếu xét theo thu nhập tính bằng USD, Thụy Sĩ vẫn dẫn đầu với hơn 100.000 USD/người/năm, tiếp theo là Singapore (90.700 USD) và Na Uy (86.800 USD). Tuy nhiên, khi điều chỉnh theo giá cả địa phương, Singapore vượt lên vị trí số 1; còn nếu tính thu nhập trên mỗi giờ làm việc, yếu tố phản ánh hiệu suất lao động và thời gian nghỉ ngơi, Na Uy vươn lên dẫn đầu, kế tiếp là Qatar và Đan Mạch.
![]() |
The Economist xếp hạng các quốc gia theo 3 tiêu chí. Nguồn: The Economist |
Trong khi đó, Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới theo GDP, lần lượt đứng thứ 4, thứ 7 và thứ 6 theo ba tiêu chí kể trên. Anh, một nền kinh tế phát triển lâu đời, đứng thứ 19, 27 và 25 tương ứng. Những thay đổi vị trí này phản ánh sâu sắc các đặc điểm xã hội và cấu trúc lao động tại mỗi quốc gia: từ tỷ lệ nữ tham gia lao động đến quy mô dân số trong độ tuổi làm việc.
Dù không được nêu rõ trong bảng xếp hạng của The Economist, dựa theo những chỉ tiêu đánh giá, có thể thấy Việt Nam đang từng bước đi lên, dự kiến xếp hạng quanh mức 100/178 quốc gia. Theo IMF (World Economic Outlook, 4/2025), GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 4.810 USD, xếp khoảng thứ 118 thế giới, phản ánh vị trí thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, khi tính theo sức mua tương đương (PPP), mức thu nhập vọt lên 17.484 USD, đưa Việt Nam lên khoảng thứ 89 toàn cầu, vượt qua nhiều nước cùng khu vực, cho thấy sức mua nội địa và chất lượng sống đã được cải thiện rõ rệt.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có số giờ làm việc thuộc hàng cao nhất toàn cầu. Theo dữ liệu từ OECD (2017), người lao động Việt Nam làm việc trung bình 2.169,6 giờ/năm; còn theo dữ liệu FRED (University of Groningen & UC Davis), con số năm 2019 là 2.132 giờ/năm, cao hơn cả Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi vốn nổi tiếng về cường độ lao động.
![]() |
(Ảnh minh họa) |
Việt Nam vẫn được đánh giá là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và đang cải thiện chất lượng sống đều đặn. Những nỗ lực trong cải cách tiền lương, giảm thời gian làm việc và nâng cao năng suất sẽ là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam cải thiện vị thế trong những bảng xếp hạng “giàu có” toàn cầu những năm tới.
Tiêu dùng ‘gánh’ 84% tăng trưởng GDP, TS. Cấn Văn Lực đề xuất lập đề án riêng để kích cầu
TS. Cấn Văn Lực: Muốn tăng trưởng 9-10%, đầu tư toàn xã hội không nhất thiết phải bằng 40% GDP