Vĩ mô

Tiêu dùng ‘gánh’ 84% tăng trưởng GDP, TS. Cấn Văn Lực đề xuất lập đề án riêng để kích cầu

Nguyên Mộc 24/07/2025 12:16

Nửa đầu năm, tiêu dùng cuối cùng đóng góp tới 84,2% vào mức tăng trưởng GDP của Việt Nam. Theo TS. Lực, Chính phủ cần sớm xây dựng một đề án riêng về kích cầu trụ cột này.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế cuối tuần qua, Chính phủ đưa ra con số cụ thể là cả nước cần đạt mức tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 8,3 - 8,5%, tạo đà để đạt mức hai chữ số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm nay, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhận định, Việt Nam cần đồng bộ triển khai 4 trụ cột chính xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và ổn định vĩ mô. Trong đó, tiêu dùng nội địa đang là lực đẩy tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Ông Lực nhấn mạnh: “Chính phủ cần sớm xây dựng một đề án riêng về kích cầu tiêu dùng trong nước.”

Ông đề xuất một số biện pháp có thể triển khai ngay như: đẩy nhanh thanh toán các khoản trợ cấp cho người nghỉ hưu sớm hoặc chuyển công tác; thúc đẩy du lịch nội địa và quốc tế; có chính sách khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước. Những giải pháp này không chỉ cải thiện tổng cầu mà còn giúp cộng đồng doanh nghiệp trong nước vượt qua giai đoạn xuất khẩu đang chịu nhiều sức ép từ thị trường quốc tế.

Thực tế cho thấy vai trò then chốt của tiêu dùng trong tăng trưởng hiện nay. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,95% so với cùng kỳ 2024, đóng góp tới 84,2% vào mức tăng trưởng GDP chung. Trong khi đó, tích lũy tài sản tăng 7,98%, đóng góp 40,18%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,17%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,01%.

Về xuất khẩu hàng hóa, cần duy trì mức tăng tối thiểu 10%, trong khi xuất khẩu dịch vụ cần được thúc đẩy mạnh hơn nhằm bù đắp nhập siêu dịch vụ. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đối mặt với bất định, chiến tranh thương mại, và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Với trụ cột đầu tư, TS. Lực nhấn mạnh ngoài yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công, điều quan trọng là đảm bảo phân bổ đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương và nâng cao chất lượng dự án. Đầu tư không chỉ là dòng vốn mà còn phải là động lực lan tỏa tăng trưởng dài hạn.

>> TS. Cấn Văn Lực: Muốn tăng trưởng 9-10%, đầu tư toàn xã hội không nhất thiết phải bằng 40% GDP

Đặc biệt, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát vẫn là yêu cầu then chốt. Mục tiêu giữ lạm phát trong ngưỡng 4–4,5% đòi hỏi Chính phủ phải mạnh tay với các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực công. Ông Lực lưu ý: “Phòng chống lãng phí không chỉ là giải pháp tài khóa mà là một nguồn lực tăng trưởng nếu được khai thác đúng cách.”

Tiêu dùng ‘gánh’ 84% tăng trưởng GDP, TS. Cấn Văn Lực đề xuất lập đề án riêng để kích cầu
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Cùng góc nhìn, TS. Adeel Ahmed, Giảng viên Kinh tế tại Đại học RMIT Việt Nam cho rằng tăng trưởng 8% chỉ khả thi nếu Việt Nam theo đuổi cải cách cơ cấu sâu rộng và có các can thiệp chính sách đúng thời điểm. Theo ông, một trong những bước đi cấp thiết là sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, qua đó tăng thu nhập khả dụng, thúc đẩy tiết kiệm và chi tiêu hộ gia đình, yếu tố cốt lõi của tiêu dùng nội địa.

Tổng kết, bốn trụ cột gồm tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư và ổn định vĩ mô chính là “bệ đỡ” cho mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đó, tiêu dùng nội địa dù đang đóng vai trò đầu tàu vẫn còn dư địa rất lớn để phát huy nếu có chính sách kịp thời và đúng hướng.

Với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, cùng sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 không chỉ khả thi mà còn có thể tạo bước đệm vững chắc để Việt Nam bứt phá, hướng tới mức tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 2026–2030.

>> ADB: Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm tới

TS. Cấn Văn Lực dự báo tỷ giá USD/VND sẽ biến động ra sao giữa ‘lực kéo’ và ‘lực đẩy’ của kinh tế toàn cầu?

TS. Cấn Văn Lực tiết lộ bí quyết giúp GDP Việt Nam 2025 bứt tốc mạnh mẽ, vượt xa dự báo quốc tế

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tieu-dung-ganh-84-tang-truong-gdp-ts-can-van-luc-de-xuat-lap-de-an-rieng-de-kich-cau-297400.html
Bài liên quan
  • TS Cấn Văn Lực: 'Tư duy chính sách không chỉ nuôi lớn doanh nghiệp tư nhân, mà phải nâng họ thành doanh nghiệp dân tộc'
    Theo TS Cấn Văn Lực, tư duy chính sách cần vượt ra ngoài mục tiêu hỗ trợ về quy mô, vốn hay ưu đãi đơn thuần. Thay vào đó, Nhà nước cần định hình rõ một lộ trình nâng đỡ những doanh nghiệp tư nhân có năng lực vượt trội, tâm huyết với quốc gia và có đóng góp thực chất cho nền kinh tế.
  • Chính sách tài khóa đang kích cầu cho nền kinh tế như thế nào?
    Chính sách tài khóa không còn là cứu cánh tạm thời mà đã trở thành động lực dài hạn cho tiêu dùng, đầu tư và cải cách thể chế, trong bối cảnh tiền tệ gặp giới hạn và doanh nghiệp cần “đòn bẩy” để phục hồi.
  • Kinh tế Việt Nam 2025: Cần chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước
    Bình luận về động lực tăng trưởng kinh tế 2025, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng tiêu dùng sẽ là động lực cho tăng trưởng trong năm 2025. Vì thế, chuyên gia này nhấn mạnh cần có chính sách để kích thích tiêu dùng trong nước.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tiêu dùng ‘gánh’ 84% tăng trưởng GDP, TS. Cấn Văn Lực đề xuất lập đề án riêng để kích cầu
    POWERED BY ONECMS & INTECH