Xã hội

Cần 19.000 tỷ đồng xây mới hầm đường sắt khu vực ‘thiên hạ đệ nhất hùng quan’, di dời nhà ga khỏi trung tâm TP đáng sống bậc nhất thế giới

Thùy Dung 18/09/2024 16:26

Nếu dự án làm hầm mới này được thực hiện sẽ nâng năng lực thông qua khu vực đèo Hải Vân lên 25 đôi tàu/ 1 ngày đêm.

Giải quyết điểm nghẽn lớn nhất tuyến đường sắt Bắc - Nam

Hiện nay, đèo Hải Vân là điểm nghẽn lớn nhất trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, gây nhiều trở ngại cho hoạt động vận tải. Chia sẻ với Báo Giao Thông, Ông Huỳnh Thế Sơn, Phó trưởng phòng Kinh doanh của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đang rất bối rối khi phải sắp xếp các chuyến tàu kết nối di sản miền Trung giữa Huế và Đà Nẵng. Tàu hiện đang thu hút rất nhiều du khách, nhưng năng lực thông qua đèo Hải Vân đã đạt giới hạn". Ông cũng cho biết, tốc độ di chuyển của tàu qua đèo chỉ khoảng 30km/h và số lượng tàu có thể qua lại trong ngày/đêm là rất hạn chế.

Khu vực đèo Hải Vân có tổng cộng 6 hầm. Do hầm nằm trên đèo nên nếu xảy ra sự cố, phương tiện đường bộ không thể tiếp cận và xử lý nhanh chóng. Theo Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam, đèo Hải Vân dài hơn 25km với địa hình hiểm trở, núi cao. Trong 6 hầm, có 3 hầm đã được sửa chữa vào năm 2006 theo một dự án do Chính phủ Pháp tài trợ. Tuy nhiên, lần sửa chữa này chủ yếu là thay thế vỏ hầm cũ bị phong hóa và mở rộng kích thước hầm.

Đèo Hải Vân hiện là điểm nghẽn lớn nhất trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, gây nhiều trở ngại cho hoạt động vận tải. Ảnh; Internet

Đèo Hải Vân hiện là điểm nghẽn lớn nhất trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, gây nhiều trở ngại cho hoạt động vận tải. Ảnh; Internet

Ba hầm còn lại chưa được sửa chữa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Những hầm này cũng đã được đưa vào danh sách cần gia cố và cải tạo trên tuyến Bắc - Nam.

Một điểm nghẽn khác là chiều dài đoàn tàu khi qua đèo bị hạn chế. Trong khi toàn tuyến có thể cho phép đoàn tàu kéo đến 15-16 toa xe khách, ga Hải Vân Nam chỉ đủ chiều dài cho đoàn tàu kéo tối đa 14 toa. Điều này khiến việc nối thêm toa dù có nhu cầu khách tăng cao là không khả thi.

Ông Sơn cho biết thêm: "Vào dịp hè vừa qua, nhu cầu du lịch từ các tỉnh phía Bắc đến Đà Nẵng tăng đột biến. Chúng tôi muốn chạy thêm tàu nhưng không thể xếp thêm slot qua đèo Hải Vân. Các đoàn tàu từ phía Bắc vào Huế và từ phía Nam ra Đà Nẵng phải chờ nhau để qua đèo, khiến thời gian hành trình kéo dài thêm 3-4 giờ".

Trước tình trạng tắc nghẽn liên tục và kéo dài, mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề xuất dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Hải Vân và di dời ga Đà Nẵng, với tổng mức đầu tư dự kiến 19.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2031. Dự án này sẽ bao gồm xây dựng mới hầm Hải Vân và di dời toàn bộ đường sắt khu vực Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố theo quy hoạch.

Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý Dự án Đường sắt lập nghiên cứu tiền khả thi cho dự án cải tạo đường sắt đèo Hải Vân và chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, việc nghiên cứu này đã tạm dừng để đồng bộ với dự án đường sắt tốc độ cao, nhằm làm rõ phương án đi chung hay riêng giữa đường sắt hiện tại và đường sắt tốc độ cao.

Làm mới một hầm dài xuyên núi, di dời ga Đà Nẵng

Theo thông tin đăng tải trên Báo Giao Thông, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết đến nay tuyến đường sắt tốc độ cao đã được xác định hướng tuyến đi về phía Tây, song song với đường bộ cao tốc và không trùng lặp với tuyến đường sắt hiện tại cũng như không sử dụng chung hầm.

Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất nghiên cứu và đầu tư thêm vào dự án cải tạo đường sắt qua đèo bao gồm việc xây dựng hầm mới. Đây là bước đi cần thiết vì Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định sẽ tiếp tục khai thác tuyến đường sắt hiện có trên hành lang Bắc - Nam, bên cạnh việc phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao.

Theo nghiên cứu ban đầu, hầm mới sẽ nằm gần hầm đường bộ Hải Vân hiện nay. Điều này có nghĩa là thay vì phải duy trì tuyến đường sắt quanh lưng chừng đèo với nhiều hầm như hiện tại, chỉ cần một hầm duy nhất chạy dọc chân đèo, xuyên qua núi từ bờ Bắc đến bờ Nam với chiều dài khoảng 6km.

Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất nghiên cứu và đầu tư thêm vào dự án cải tạo đường sắt qua đèo bao gồm việc xây dựng hầm mới. Ảnh: Internet

Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất nghiên cứu và đầu tư thêm vào dự án cải tạo đường sắt qua đèo bao gồm việc xây dựng hầm mới. Ảnh: Internet

Trong hầm sẽ chỉ xây dựng tuyến đường sắt đơn, thay vì đường đôi, nhằm giảm thiểu chi phí xây dựng. Để đảm bảo an toàn khi khai thác tàu, hầm cũng sẽ được thiết kế với khu vực lánh nạn phòng trường hợp khẩn cấp.

Cùng với việc xây dựng hầm mới và cải tạo tuyến đường sắt qua đèo, ga Đà Nẵng dự kiến sẽ được di dời từ trung tâm thành phố về ga Kim Liên. Từ đây, tàu có thể chạy thẳng mà không cần phải rẽ nhánh vào nội đô như hiện nay. Tại khu vực ga Kim Liên, sẽ có các nhánh đường sắt kết nối ra cảng biển Liên Chiểu và phía Tây, nơi liên thông với tuyến đường sắt tốc độ cao.

Ông Trần Thiện Cảnh cho biết thêm, nếu dự án làm hầm mới này được thực hiện sẽ nâng năng lực thông qua khu vực đèo Hải Vân lên 25 đôi tàu/ 1 ngày đêm. Tuy số đôi tàu tăng lên không nhiều nhưng sẽ giải quyết được bài toán về thời gian. Thời gian tàu qua đèo hiện nay hơn một giờ, sau khi làm hầm sẽ chỉ vài chục phút. Tàu chạy giữa Huế - Đà Nẵng sẽ chỉ mất hơn một giờ, như hiện nay mất khoảng 2,5-3 giờ.

Đèo Hải Vân nằm trên dãy Trường Sơn nối liền hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng. Với độ cao hơn 500 mét so với mực nước biển và các khúc cua quanh co làm cho đèo vừa nguy hiểm vừa hùng vĩ. Đèo Hải Vân được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và vị trí địa lý đặc biệt của nó.
Đà Nẵng được mệnh danh là "thành phố đáng sống nhất Việt Nam" với những chương trình cụ thể, như "Thành phố năm không" (không có hộ nghèo theo chuẩn thành phố, không có học sinh bỏ học ở cấp tiểu học và THCS, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người để cướp của) và "Thành phố ba có" (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị)...
Đặc biệt, năm 2018, Tạp chí Du lịch Live and Invest Overseas vinh danh Đà Nẵng là 1 trong 10 địa chỉ "đáng sống nhất thế giới". Theo các chuyên gia, đây là nơi lý tưởng để tận hưởng, cống hiến, nghỉ ngơi, giải trí và làm việc.

>> Hầm đường bộ 11.000 tỷ đồng dài thứ 2 Việt Nam, là tuyến hầm đầu tiên do nước ta tự làm chủ công nghệ

Đào thủ công đường hầm xuyên núi, xây nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam nằm sâu trong thung lũng, nay là kỳ quan kỹ thuật hút khách trên cao nguyên

Đào đường hầm phòng không khổng lồ dưới lòng đất ở nước gần Việt Nam, mục tiêu trú ẩn khỏi xung đột hạt nhân, dự kiến sức chứa 'khủng' lên đến 6 triệu người

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/can-19000-ty-dong-xay-moi-ham-duong-sat-khu-vuc-thien-ha-de-nhat-hung-quan-di-doi-nha-ga-khoi-trung-tam-thanh-pho-dang-song-bac-nhat-the-gioi-cua-viet-nam-d133472.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cần 19.000 tỷ đồng xây mới hầm đường sắt khu vực ‘thiên hạ đệ nhất hùng quan’, di dời nhà ga khỏi trung tâm TP đáng sống bậc nhất thế giới
POWERED BY ONECMS & INTECH