Cận cảnh nơi an nghỉ của 3 vua triều Nguyễn sau 6 năm trùng tu với kinh phí 40 tỷ đồng
Sau 6 năm trùng tu, An Lăng đã được hoàn thiện và hiện vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm, đậm dấu ấn của thời gian.
Vào đầu tháng 8/2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chính thức mở cửa di tích An Lăng đón khách tham quan sau hơn 6 năm trùng tu. An Lăng là nơi an nghỉ của ba vị vua triều Nguyễn: Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân.
Di tích An Lăng có diện tích gần 6 ha và được vua Thành Thái xây dựng vào năm 1899 để thờ phụng cha mình, vua Dục Đức. Năm 1954, khi vua Thành Thái qua đời, ông được an táng tại An Lăng. Vua Duy Tân qua đời năm 1945, nhưng di hài của ông chỉ được đưa từ Pháp về an táng tại An Lăng vào năm 1987, cùng với cha (vua Thành Thái) và ông nội (vua Dục Đức).
Trải qua hàng trăm năm với nhiều biến cố lịch sử, sự tàn phá của thời gian và thiên tai, An Lăng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt dự án bảo tồn, phục hồi và tu bổ An Lăng với kinh phí hơn 40 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như khu tẩm điện và khu lăng mộ. Dự án được triển khai một năm sau đó.
Sau 6 năm trùng tu, An Lăng đã được hoàn thiện và hiện vẫn giữ được nét cổ kính, uy nghiêm, đậm dấu ấn của thời gian. Các chi tiết từ mái ngói, cột, cổng đều được phục hồi một cách tinh xảo, đậm kiến trúc hoàng cung.
Điện Long Ân, nơi thờ ba vị vua nhà Nguyễn, có diện tích 557 m². Trung tâm khu vực lăng tẩm là một công trình được xây dựng theo kiểu mẫu của các ngôi điện triều Nguyễn. Bên trong hiện có ba án thờ bài vị của ba vua. Điện đã được tu bổ nền móng, gia cố và bảo toàn tối đa hệ khung, hệ mái cùng các cấu kiện gỗ.
Nguồn ảnh: Thanh niên, VTC News, Vnexpress