Cần đẩy mạnh xử lý các ngân hàng yếu kém, báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 9
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xử lý các ngân hàng yếu kém, mua bắt buộc theo chủ trương được cấp có thẩm quyền đồng ý.
Ngày 9/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn, cuộc họp tham vấn ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thấp. Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo đó trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng; khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định, điều kiện, thủ tục cho vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp vào các lĩnh vực ưu tiên.
Thủ tướng nêu rõ ngân hàng và doanh nghiệp cần chia sẻ và thấu hiểu, đặt mình vào địa vị người khác, "trong tôi có anh, trong anh có tôi" để xử lý công việc. Lưu ý phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư để cho vay tín chấp với giá trị phù hợp, góp phần giảm tín dụng đen. Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.
Thực hiện hiệu quả các gói tín dụng (trong đó có 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 15.000 tỷ đồng cho ngành hàng đồ gỗ, thuỷ sản…).
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh xử lý các ngân hàng yếu kém, mua bắt buộc theo chủ trương được cấp có thẩm quyền đồng ý, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023.
Nguồn: VGP |
Thực tế, theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn đang tồn tại một số vấn đề đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020.
Tuy có dấu hiệu tăng chậm lại trong năm 2022 nhưng vẫn trong xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỉ đồng), lãi suất cho vay có xu hướng giảm.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Thủ tướng: Quản lý doanh nghiệp, không can thiệp sâu vào F3, F4