Cần giải phẫu “cục máu đông” mang tên 1 triệu tỉ đồng

05-06-2023 10:57|SÔNG HÀN

Đây là một vấn đề nhức nhối, là nghịch lý “tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được”.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội mới đây, nhiều Đại biểu bày tỏ sốt ruột với tình trạng lãng phí đang diễn ra trong nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Trong đó có khoản 1 triệu tỉ đồng ngân sách Nhà nước đang bị “nhốt” trong ngân hàng “chờ các dự án đủ thủ tục”.

ong-phoc.jpeg
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin về khoản tiền 1 triệu tỉ đồng ngân quỹ còn tồn gửi ngân hàng - Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó không lâu, vào ngày 25/5, tại phiên thảo luận ở tổ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho biết tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng ở mức khá cao, tới giữa tháng 5 này đã vượt 1 triệu tỉ đồng.

Giai đoạn năm 2021-2022, khi quyết toán và báo cáo thì số chuyển nguồn lên tới 700.000 đến 800.000 tỉ đồng, chưa đưa vào nền kinh tế. Cộng với các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản chậm giải ngân. Vốn có, tiền có nhưng không phân bổ được hoặc phân bổ rồi lại không giải ngân được.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) nói, không hiểu được lý do tại sao doanh nghiệp, các dự án đầu tư công đang thiếu tiền lại để tồn dư cả triệu tỉ trong ngân hàng để hưởng lãi suất 0,8%/năm, trong khi vẫn phải đi vay. Từ đó ông đặt vấn đề: Nguồn tiền này có thể dùng hay không thể dùng? Nếu không thể phải tìm cách cho nó có thể dùng. Chúng ta cứ bằng chuyên môn thuần túy để giữ tiền này là không được.

Thực tế, nhiều dự án đầu tư công của chúng ta đang ì ạch chỉ vì thiếu vốn. Tức là, tình trạng có tiền không tiêu được đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì đầu tư công, nhưng tại vì đầu tư công được xác định vai trò dẫn dắt nền kinh tế nên 1 triệu tỉ đồng “chết đông” trong ngân hàng kia được “nhắc lại” âu cũng là lẽ đương nhiên.

Nhưng thẳng thắn mà nói, đó là sự lãng phí lớn. Như Đại biểu Trần Văn Lâm xót xa: “Ai cũng xót xa khi ngân quỹ tồn số tiền lớn đến như vậy. 1 triệu tỉ đồng không được phát huy nguồn lực, trong khi chúng ta vẫn phải đi vay, chịu lãi vay hơn 3 triệu tỉ đồng. Mỗi năm bội chi làm chúng ta cũng phải vay 200.000 đến 300.000 tỉ đồng, trong khi tiền có trong két mà không tiêu được. Đấy là sự lãng phí”.

dautucong.jpeg
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Ảnh minh hoạ.

Nguyên nhân có rất nhiều, tuy nhiên việc các “cục máu đông” hình thành không hẳn do chính sách vướng, mà chủ yếu do thực thi dẫn tới tiền chậm đưa vào nền kinh tế. Theo Luật Đầu tư công, có dự án mới được bố trí tiền, nhưng khâu chuẩn bị dự án “tắc” sẽ dẫn tới các khâu tiếp theo, như giải ngân vốn không thực hiện được.

Muốn vậy, phải sửa luật, có thể dùng một luật sửa nhiều luật, trong đó cần sửa Luật Đầu tư công mới có thể khắc phục tình trạng này. “Chúng ta phải đơn giản hóa thủ tục, quy trình để rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ, chuẩn bị dự án đầu tư, thanh quyết toán. Mỗi bước rút bớt thủ tục thì thời gian sẽ được đẩy nhanh lên, đơn giản đi”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán 2023, FiinGroup, nhà cung cấp dịch vụ tích hợp hàng đầu của Việt Nam, cũng cho rằng giải ngân đầu tư công là một trong những yếu tố cần theo dõi. Các chuyên gia tại đây nhấn mạnh kỳ vọng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công giúp tháo gỡ “nút thắt” về vốn trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, tăng đầu tư công là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt trong bối cảnh dư địa điều chỉnh chính sách tiền tệ không còn nhiều, tài khóa quốc gia ở mức tốt, tỷ lệ nợ công và bội chi thấp thì vai trò của đầu tư công trong việc điều hành tổng thể nền kinh tế càng quan trọng hơn.

Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực này, vốn đầu tư công phải chảy đúng hướng, đúng lĩnh vực và đảm bảo tiến độ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực. Không thể để tình trạng có tiền mà không tiêu được, làm bỏ lỡ thời cơ của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp và người dân chờ đợi từng giờ từng phút.

Cuối cùng, xin được dẫn lại lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Nếu để có tiền mà không giải ngân được là có lỗi với nhân dân”, và để làm được điều đó thì cần phải quyết liệt, “làm hết việc, không hết giờ”.

Nhìn Bitcoin tăng giá hơn 1.000% giúp ‘cá mập’ lãi lớn, cổ đông đòi Microsoft và Amazon 'nhảy' vào thị trường Bitcoin

Nhận tiền bồi thường 30m2 đất mặt đường, phải bù thêm 500 triệu đồng mới đủ mua căn chung cư 60m2

Bài thuộc chủ đề "Rã đông" 1 triệu tỷ
Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/can-giai-phau-cuc-mau-dong-mang-ten-1-trieu-ti-dong-245175.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cần giải phẫu “cục máu đông” mang tên 1 triệu tỉ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH