Cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử

19-10-2023 19:20|Lê Mỹ

Để phát triển thanh toán điện tử trong khu vực công thời gian tới, cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cấp hạ tầng cho hoạt động thanh toán điện tử.

Đây là một trong những giải pháp được ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy dịch vụ công và Thanh toán không dùng tiền mặt”, trong khuôn khổ sự kiện “Tuần lễ chuyển đổi số TP.HCM năm 2023” với chủ đề “Khai phá dữ liệu số, thành công chuyển đổi số”, được tổ chức ngày 17-18/10.

anhtuantb.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước trình bày tại hội thảo. Ảnh: Lê Mỹ

Theo ông Phạm Anh Tuấn, thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công nói riêng là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ từ trước đến nay. Cụ thể hóa chủ trương này, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Về hành lang pháp lý hiện nay các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy thanh toán điện tử dịch vụ công. Trong đó, Bộ Công an đang tiến hành kết nối chia sẻ, khai thác thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định dữ liệu trong thanh toán không dùng tiền mặt đối với thu học phí; Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành y tế; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi trả an sinh xã hội bằng thanh toán không dùng tiền mặt; Bảo hiểm xã hội tiến hành triển khai nhiều giải pháp chi trả bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt; Nhiều UBND tỉnh, thành phố cũng đã ban hành kế hoạch thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt trên địa bàn.

Hiện các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý, hiện có 51 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và 3 tổ chức cung cấp dịch vụ Mobile Money, tạo điều kiện cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, thuận lợi trong việc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đối với công tác phối hợp thu ngân sách Nhà nước, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng thương mại tiếp tục được chú trọng và tăng cường. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đã được kết nối với toàn bộ 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; 20 ngân hàng kết nối, thanh toán sản phẩm điện tử; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 99,8/% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng.

Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng đã tích hợp chức năng thanh toán trực tuyến, cho phép người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các khoản như phí, lệ phí, thanh toán viện phí, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thanh toán tiền điện, nộp thuế, thuế và phí trước bạ đất đai, tài sản, nộp phạt vi phạm hành chính…

Nhiều kết quả về thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công đã đạt được như: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có 100.000 người nhận trợ cấp bằng thanh toán không dùng tiền mặt, 63/63 tỉnh chỉ đạo chi trả an sinh xã hội qua hình thức này. Hầu hết cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông sẵn sàng phục vụ và 100% cơ sở đại học chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. 63% cơ sở khám chữa bệnh địa phương, 88% bệnh viện thuộc Bộ y tế chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt, 61% người hưởng lương nhận bằng thanh toán không dùng tiền mặt…

Theo ông Phạm Anh Tuấn, vẫn còn một số tồn tại như: Hành lang pháp lý vẫn cần phải tiếp tục bổ sung hoàn thiện; Thanh toán dịch vụ y tế giáo dục ở một số tỉnh miền núi còn thấp; Vẫn còn nhiều người cao tuổi không muốn sử dụng thanh toán qua ngân hàng vì sợ rủi ro.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, để phát triển thanh toán điện tử trong khu vực công vào thời gian tới, cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cấp hạ tầng cho hoạt động thanh toán điện tử; Đẩy mạnh cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới trên thiết bị di động; Triển khai hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; Tăng cường phối hợp với các cơ quan để thực hiện thu ngân sách Nhà nước, lĩnh vực y tế, giáo dục; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục tài chính về thanh toán không dùng tiền mặt.

Chuyển đổi số ngân hàng gắn với bảo vệ quyền lợi hợp pháp khách hàng

Yêu cầu thanh tra thị trường vàng; kiến nghị không dùng tiền mặt mua, bán vàng

Viettel Money trao thưởng ô tô cho 2 khách hàng may mắn

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/can-som-hoan-thien-khuon-kho-phap-ly-cho-hoat-dong-thanh-toan-dien-tu-2204265.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử
POWERED BY ONECMS & INTECH