Cao tốc Bắc - Nam: Cách nào để các trạm dừng nghỉ kịp tiến độ?
Theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, chỉ còn khoảng 7 tháng nữa, toàn bộ 21 dự án trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ phải hoàn thành. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có trạm nào được chính thức khởi công xây dựng, việc về đích đúng tiến độ đang là vấn đề rất “nóng”.
Vẫn vướng khâu giải phóng mặt bằng, giấy phép môi trường
Đến nay, dù Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã lựa chọn được nhà thầu cho 18/21 trạm dừng nghỉ thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhưng vẫn chưa có trạm nào chính thức được khởi công xây dựng. Có những dự án trạm dừng nghỉ hiện vẫn chỉ là bãi đất trống, dù đã bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư như tuyến cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn.
Những tuyến cao tốc khác mới chỉ xây trạm dừng nghỉ tạm như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt… Những trạm tạm này thường xuyên bị ùn tắc, quá tải lúc cao điểm giao thông do không gian hẹp, thiếu chỗ đỗ xe, đặc biệt trong dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua. Nhiều tài xế cùng gia đình phải xuống dừng nghỉ ở đường ra vào trạm, làm giao thông thêm ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, vẫn còn 3 trạm ở các tuyến Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau chưa tìm được nhà đầu tư. Với tiến độ như hiện nay, nguy cơ 21 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam không về đích đúng tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng (trước ngày 30/12/2025) đang dần hiện rõ.
Ông Nguyễn Quang Giang, Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Bùi Quang Thái đã giao nhiệm vụ quản lý, đôn đốc việc thi công xây dựng các trạm dừng nghỉ cho các Cục phó theo dõi địa bàn. Nhiều lãnh đạo của Cục Đường bộ Việt Nam đã có mặt tại hiện trường để đốc thúc tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công, đặc biệt ở khu vực Nam Trung bộ.
Một trong những lý do chính khiến các trạm dừng nghỉ chậm khởi công là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các BQL dự án phải hoàn thành GPMB cho 21 trạm dừng nghỉ trong tháng 2/2025, nhưng hiện chỉ có 8 trạm đã bàn giao hoàn toàn mặt bằng. 10 trạm còn lại, có 5 trạm đã bàn giao được một phần mặt bằng và 5 trạm chưa bàn giao.
Ông Phùng Đức Dũng, Trưởng phòng quản lý đầu tư công tư (Cục ĐBVN) cho biết, hiện nhiều địa phương vẫn chưa bàn giao mặt bằng đúng thời hạn, hoặc bàn giao chưa đủ “sạch” để khởi công xây dựng.
Theo ông Nguyễn Quang Giang, Cục phó Cục ĐBVN, Cục đã yêu cầu các nhà đầu tư hoàn thành sớm nhất có thể các thủ tục về phê duyệt dự án, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), thiết kế cơ sở… Nhưng phía nhà đầu tư đang gặp vướng mắc về trình tự thủ tục cấp giấy phép môi trường có một số thay đổi.
Cần tư duy mới để thu hút nhà đầu tư
Với 3 trạm dừng nghỉ chưa tìm được nhà đầu tư, theo ông Giang, các trạm ở 2 tuyến Quy Nhơn - Chí Thạnh và Hậu Giang - Cà Mau hiện chưa có nhà đầu tư nào trúng thầu. Trạm trên tuyến Cần Thơ - Hậu Giang thậm chí không có nhà đầu tư tham gia đấu thầu, dù BQL dự án Mỹ Thuận (đơn vị mời thầu) đã hai lần gia hạn với tổng thời gian 45 ngày.
![]() |
Do không còn chỗ trong trạm dừng nghỉ, một số tài xế và gia đình phải xuống dừng nghỉ ở đường ra vào trạm |
Cục ĐBVN đang tái lựa chọn nhà đầu tư cho trạm dừng nghỉ Quy Nhơn - Chí Thạnh, dự kiến mở thầu lại trong tháng 5. 2 trạm trên tuyến Cần Thơ-Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau đang điều chỉnh thông tin dự án.
Ông Giang giải thích, nguyên nhân chính khiến trạm dừng nghỉ tuyến Cần Thơ - Hậu Giang chưa thu hút được nhà đầu tư do mức đầu tư lớn - khoảng 540 tỷ đồng, cao hơn 60% so với các trạm dừng nghỉ khác trên cao tốc Bắc - Nam. Chi phí dành cho vật liệu, nhân công, xử lý nền đất yếu và bồi thường, hỗ trợ tái định cư của trạm này đều cao hơn mặt bằng chung. Không chỉ vậy, vị trí của trạm nằm ở cuối tuyến cao tốc Bắc - Nam, khiến lưu lượng xe ra, vào không bằng những trạm khác. Do đó, các nhà đầu tư không “mặn mà” với hiệu quả khai thác của trạm dừng nghỉ này.
Theo ông Giang, Cục ĐBVN đã đề xuất Bộ Xây dựng cho phép thực hiện tổ chức mời thầu theo phương án phân kỳ đầu tư với trạm dừng nghỉ Cần Thơ - Hậu Giang. Trạm này có quy mô tổng thể 5 héc-ta. Theo phương án của Cục ĐBVN, trong giai đoạn đầu, nhà đầu tư sẽ khai thác trước 3 héc-ta của dự án. Với 2 héc-ta còn lại, nhà đầu tư phải mở rộng theo đúng quy hoạch trong vòng 5 năm. Tổng thời gian khai thác cho cả hai giai đoạn là 25 năm.
Ông Giang khẳng định, việc phân kỳ đầu tư trong quá trình triển khai dự án là hoàn toàn hợp pháp theo quy định hiện hành. Đây là phương án phù hợp để vừa thu hút nhà đầu tư, vừa đảm bảo tiến độ triển khai khi nhu cầu giao thông ở một số khu vực chưa thật sự cao và nguồn lực tài chính còn hạn chế.
“Chúng tôi muốn tạo điều kiện cho nhà đầu tư có nguồn thu trong những năm đầu tiên, để dần dần tiến tới tái đầu tư, mở rộng phần còn lại. Phải có phương án giảm chi phí đầu tư ban đầu thì may ra mới huy động được nhà đầu tư tham gia”, ông Giang nói.
Cao tốc muốn thu phí phải có trạm dừng nghỉ
10 trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc – Nam cần biết khi di chuyển dịp lễ 30/4 và 1/5