Quý III/2021, các biện pháp giãn cách thắt chặt, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam đã gây ra sự gián đoạn trong hoạt động cung ứng và phân phối thuốc của nhiều doanh nghiệp dược phẩm. Điều này cũng tác động lớn đến kết quả kinh doanh của nhóm này trong quý.
Theo SSI Research, các công ty dược khu vực phía Nam như Imexpharm (HOSE: IMP), Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) hay Dược phẩm OPC (HOSE: OPC) phải cắt giảm sản lượng 20 - 30% nhằm thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội và hoạt động “3 tại chỗ”.
Nhiều bệnh viện ở miền Nam được chuyển đổi thành trung tâm điều trị COVID-19 cũng khiến doanh thu dược phẩm giảm đáng kể, do kênh bệnh viện (ETC) chiếm hơn 60% nhu cầu của ngành.
Chứng khoán Phú Hưng đánh giá, sự phục hồi của kênh ETC sẽ phụ thuộc lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Song đợt bùng phát vừa qua khiến hoạt động khám chữa bệnh bị ảnh hưởng, người dân hạn chế đến khám. Điều này lại góp phần giúp kênh bán lẻ tại các nhà thuốc (OTC) phát triển. Giá thuốc kênh OTC không bị ràng buộc về Luật Đấu thầu nên đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp dược cạnh tranh, cải tiến R&D và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.
Giá hoạt chất đầu vào dược phẩm toàn cầu (API) đã hạ nhiệt nhanh chóng khi Ấn Độ - nhà cung cấp quan trọng cho Việt Nam đã hoạt động trở lại vào tháng 5 và bắt đầu hạ giá API xuất khẩu. Sau khi Ấn Độ hạ giá, Trung Quốc cũng bắt đầu giảm giá API từ tháng 8. SSI Research nhận định rằng giá API nhập khẩu về Việt Nam tiếp tục giảm trong vài tháng cuối năm nay.
Cùng với đó, quy trình phê duyệt thuốc cũng đang diễn ra nhanh hơn kể từ nửa cuối năm nay, sau thời gian dài trì hoãn do một số vướng mắc về quy định của Cục Quản lý Dược Việt Nam.
Hai yếu tố trên là dấu hiệu đáng mừng vì nhiều công ty dược phẩm trong nước đang cần triển khai các sản phẩm mới, đặc biệt là đối với các công ty gần đây đã chọn không xây dựng các nhà máy sản xuất mới do đang chờ giấy phép thuốc mới như Imexpharm, Dược-Trang thiết bị Y tế Bình Định (HOSE: DBD), Pymepharco (HOSE: PME), và Dược Hậu Giang.
Kết thúc quý III vừa qua, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dược phẩm có sự phân hóa rõ rệt. "Ông lớn" Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) ghi nhận doanh thu thuần tăng 9% lên 944 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 200 tỷ đồng - tăng 21% so với cùng kỳ. Lũy kể 9 tháng, lãi sau thuế tăng 15% đạt 605 tỷ đồng - tương đương 82% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Các danh mục sản phẩm chính của hãng bao gồm thuốc kháng sinh uống, thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt. Theo IQVIA, năm ngoái, công ty đứng thứ 2 về thị phần, chiếm khoảng 9% trong mảng kháng sinh uống. Theo số liệu từ Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Dược Hậu Giang sở hữu 30.000 khách hàng nhà thuốc, nhiều nhất các hãng dược vào năm 2020. Kênh OTC chiếm 86% tổng doanh thu năm ngoái.
Từ đầu năm 2019, Dược Hậu Giang chính thức trở thành công ty con của Taisho - công ty dược phẩm Nhật Bản với tỷ lệ nắm giữ 51% cổ phần. Taisho đã góp phần cải thiện hoạt động kinh doanh của đơn vị thành viên trên nhiều khía cạnh. Riêng về công nghệ sản xuất, Taisho giúp nâng cấp hai dây chuyền sản xuất lên tiêu chuẩn GMP Nhật Bản (một tiêu chuẩn hàng đầu). Công ty cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh mới theo tiêu chuẩn GMP Nhật Bản. Về phát triển sản phẩm, Taisho đang trong quá trình chuyển giao các loại thuốc điều trị các bệnh như thuốc thần kinh, tim mạch và tiêu hóa…
Về Traphaco (HOSE: TRA), báo cáo tài chính hợp nhất quý III ghi nhận doanh thu 568 tỷ đồng - tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 71 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Sau 9 tháng, doanh thu thuần đạt 1.590 tỷ đồng - tăng 22%; lợi nhuận sau thuế ở mức 196 tỷ đồng - tăng 38%..
Traphaco là đơn vị số 1 trong mảng thuốc đông dược. Kênh OTC là kênh phân phối chính, đứng thứ hai sau Dược Hậu Giang về số lượng khách hàng nhà thuốc đang hoạt động (27.000 nhà thuốc).
Trái chiều với kết quả khởi sắc của các doanh nghiệp kể trên, Vimedimex (HOSE: VMD) - nhà nhập khẩu và phân phối dược phẩm lớn Việt Nam, ghi nhận doanh thu giảm 50% về 2.176 tỷ đồng. Với đặc thù của ngành phân phối dược phẩm là biên lợi nhuận mỏng, hãng báo lãi sau thuế vỏn vẹn 9 tỷ, giảm 10% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu giảm mạnh từ 12.800 tỷ xuống còn 9.800 tỷ đồng. Tuy vậy lãi trước thuế chỉ giảm nhẹ từ 40 tỷ xuống 38 tỷ đồng.
Cuối tháng 9, Vimedimex đã ký hợp đồng vay vốn với tổng hạn mức tín dụng là 98,25 triệu USD để thanh toán các chi phí nhập khẩu vaccine Hayat – Vax và Spunik – V phòng COVID-19. Thông tin nhập vaccine cũng là một trong nguyên nhân dẫn đến đà tăng mạnh về giá cổ phiếu VMD trong tháng 8.
Ngày 9/11 vừa qua, Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị khởi tố và bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" xảy ra trên địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội. Sau thông tin này, cổ phiếu VMD đã giảm sàn 3 phiên liên tiếp còn 40.050 đồng/cp.
Sự kiện đáng chú ý khác trong ngành dược thời gian qua là Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã quyết định hủy niêm yết cổ phiếu PME theo nguyên vọng của Pymepharco (HOSE: PME). Giá trị hủy niêm yết đạt trên 750 tỷ đồng. Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu PME là ngày 3/12 và hủy niêm yết có hiệu lực vào 6/12.
Chi tiết xem thêm tại đây…
6.204 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong tháng 11
Cải cách hành chính y tế: Không thể giải quyết 'một sớm một chiều'?