Cổ phiếu của doanh nghiệp được TPBank cho vay nghìn tỷ bất ngờ tăng 90% sau một tuần
Số tiền doanh nghiệp này đang vay TPBank (TPB) cao gấp 24 lần vốn chủ sở hữu. Kể từ thời điểm khoản vay xuất hiện, công ty chuyển lỗ 6 quý liên tiếp.
Kết phiên 3/12, cổ phiếu VHD của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (UPCoM) tăng kịch trần lên 11.800 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh đột biến hơn 16.200 đơn vị, gấp nhiều lần mức trung bình chỉ vài trăm cổ phiếu mỗi phiên. Đây đã là phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp của VHD kể từ ngày 27/11, ghi nhận mức tăng tổng cộng 90%.
Diễn biến giá cổ phiếu VHD |
Dù vậy, cổ phiếu VHD từng rơi mạnh gần 60% trong tháng 11, xuống mức 6.200 đồng/cp. Hiện giá cổ phiếu vẫn cao gấp gần 3 lần giá trị sổ sách chỉ hơn 2.200 đồng/cp.
Trong bối cảnh này, ông Trương Quang Minh - Chủ tịch HĐQT Vinahud - đã đăng ký mua vào 7,686 triệu cổ phiếu VHD, tương đương 20,22% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 2/12 đến 31/12/2024 qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu hoàn tất, ông Minh sẽ nâng sở hữu từ 4,51% lên 24,74%, trở thành cổ đông lớn nhất công ty.
Vinahud đang đối mặt với áp lực tài chính nghiêm trọng. Quý III/2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 52,5 tỷ đồng nhưng lỗ ròng 51,2 tỷ đồng, đánh dấu quý thua lỗ thứ 6 liên tiếp. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 172 tỷ đồng, giảm hơn 50 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, trong khi lỗ sau thuế tăng 32,5% lên 161,5 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Vinahud tính đến cuối quý III/2024 đạt 5.100 tỷ đồng nhưng phần lớn đến từ nợ vay, với hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức đáng báo động 60 lần. Vốn chủ sở hữu giảm còn 84,5 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế chạm mốc 300 tỷ đồng.
TPBank hiện là chủ nợ lớn nhất của Vinahud, với khoản vay khoảng 2.000 tỷ đồng, gấp 23,5 lần vốn chủ sở hữu. Khoản vay này được sử dụng để thâu tóm dự án làng hoa Tiền Phong (Hà Nội) và góp vốn vào dự án Grand Mercure Hội An. Tuy nhiên, từ khi khoản vay này xuất hiện, tình hình kinh doanh của Vinahud liên tục lao dốc, trung bình lỗ hơn 50 tỷ đồng mỗi quý.
Dù khó khăn, việc ông Trương Quang Minh, đồng thời là nhà sáng lập CTCP Tập đoàn R&H, quyết định gia tăng sở hữu khiến thị trường kỳ vọng vào khả năng thay đổi chiến lược nhằm cải thiện tình hình tài chính của Vinahud. Động thái này cũng mở ra cơ hội phục hồi cho doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó, nếu tận dụng được tiềm năng từ các dự án và đối tác chiến lược.
>> Vinahud (VHD) xây tài sản bằng núi nợ: Trồng cây ngọt nhưng ăn quả đắng
VNG (VNZ): Cổ phiếu tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp sau thông tin về sếp Lê Hồng Minh
Đại gia Vinahud và mối quan hệ 3 bên lòng vòng luân chuyển khối nợ nghìn tỷ?