Số doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đạt 100.000 tỷ đồng doanh thu năm 2022 không nhiều, danh sách thành viên câu lạc bộ danh giá này khá ngắn.
Đến thời điểm hiện tại, theo thống kê, phần lớn các doanh nghiệp đã cập nhật báo cáo tài chính quý 4 và kết quả kinh doanh năm 2022.
Có 7 doanh nghiệp ghi danh vào Câu lạc bộ 100.000 tỷ doanh thu
Sự chờ đợi của các nhà đầu tư mỗi mùa báo cáo tài chính không chỉ là kết quả kinh doanh riêng lẻ của từng doanh nghiệp, mà có thêm những sự chờ đợi từ các nhóm đột phá. Ví dụ, Câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng lợi nhuận vừa đón thêm làn gió mới HDBank với rất nhiều tiêu chí sáng giá. Hay Câu lạc bộ doanh nghiệp vốn hóa trăm nghìn tỷ cũng đã đón thêm nhiều thành viên.
Câu lạc bộ doanh nghiệp đạt doanh thu 100.000 tỷ cũng là một trong những câu lạc bộ HOT trên thương trường, ghi danh những doanh nghiệp đạt mức doanh thu trăm nghìn tỷ mỗi năm. Thực tế cho thấy, thành viên của câu lạc bộ này không nhiều.
Hiện tại, năm 2022 mới ghi nhận 7 doanh nghiệp đủ điều kiện ghi danh, là Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), Tổng công ty Dầu Việt Nam (OIL), Tập đoàn Vingroup (VIC), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Thế giới di động (MWG) và Tổng Công ty khí Việt Nam (GAS).
Petrolimex đang là quán quân về doanh thu
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – mã chứng khoán PLX) đang giữ danh hiệu quán quân về doanh thu. Petrolimex cũng là doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng về doanh thu lớn thứ 2 so với năm 2021 trong nhóm các thành viên câu lạc bộ này.
Báo cáo ghi nhận doanh thu năm 2022 của Petrolimex đạt 304.080 tỷ đồng, mức kỷ lục từ trước tới nay, và đạt mức tăng trưởng 79,9% so với năm 2021. Tuy vậy lợi nhuận sau thuế lại giảm 38,8% về mức 1.913 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới doanh thu tăng đột biến nhưng lợi nhuận giảm là do chi phí giá vốn tăng cao, chi phí tài chính gấp đôi, chi phí bán hàng tăng gần 1.500 tỷ đồng. Bù lại có phần doanh thu tài chính tăng 1.00 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên 1.931 tỷ đồng chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá.
Quán quân về tăng trưởng doanh thu thuộc về PV Oil
Quán quân về doanh thu thuộc về Petrolimex. Tuy vậy quán quân về tăng trưởng doanh thu so với năm 2021 lại thuộc về Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil – mã chứng khoán OIL). Năm 2022 doanh thu PV Oil đạt 104.279 tỷ đồng, tăng trưởng 80,3% so với mức doanh thu 57.836 tỷ đồng đạt được năm 2021. Đây cũng là mức doanh thu kỷ lục công ty đạt được. PV Oil cũng là doanh nghiệp đạt tỷ lệ tăng trưởng về doanh thu lớn nhất so với năm 2021 trong nhóm các doanh nghiệp thuộc câu lạc bộ trăm nghìn tỷ doanh thu.
Doanh thu tăng mạnh, nhưng lợi nhuận cả năm lại giảm hơn 6% về mức 726 tỷ đồng. Tuy vậy số lãi hai năm liên tiếp này vẫn chưa đủ xóa lỗ lũy kế. Đến 31/12/2022 PV Oil vẫn còn số lỗ lũy kế chưa phân phối 436 tỷ đồng.
Quán quân về tăng trưởng lợi nhuận thuộc về Lọc hóa dầu Bình Sơn
Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) cũng là một trong những doanh nghiệp tạo điểm nhấn lớn trong năm 2022 khi đều ghi danh vào nhiều câu lạc bộ danh giá, như câu lạc bộ 10.000 tỷ đồng lợi nhuận và câu lạc bộ trăm nghìn tỷ đồng doanh thu. Không chỉ vậy, Lọc hóa dầu Bình Sơn còn là doanh nghiệp được xem là có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất.
Trên thực tế, nếu nói về doanh nghiệp tăng trưởng lớn nhất phải thuộc về Tập đoàn Vingroup do năm 2021 doanh nghiệp báo lỗ và năm 2022 doanh nghiệp lãi gần 2.000 tỷ đồng. Tuy vậy nếu chỉ tính những doanh nghiệp lãi năm 2021 và 2022 đều dương thì Lọc Hóa dầu Bình Sơn đang là quán quân về tăng trưởng lợi nhuận.
Số liệu trên BCTC quý 4/2022 ghi nhận doanh thu cả năm của Lọc Hóa dầu Bình Sơn đạt 167.123 tỷ đồng, tăng 65,3% so với năm 2021. Đây cũng là mức doanh thu kỷ lục công ty từng đạt được và là năm thứ 3 Lọc Hóa Dầu Bình Sơn đạt mức doanh thu trên trăm nghìn tỷ.
Không chỉ doanh thu tăng mạnh, Lọc Hóa dầu Bình Sơn cũng đã ghi danh vào câu lạc bộ 10.00 tỷ lợi nhuận với số lãi sau thuế cả năm đạt 14.394 tỷ đồng – tăng 115,4% so với số lãi gần 6.700 tỷ đồng đạt được năm 2021. Với tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận hơn gấp đôi cùng kỳ này, Lọc hóa dầu Bình Sơn chiếm vị trí quán quân về tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận trong CLB.
Không chỉ là quán quân về tăng trưởng lợi nhuận, Lọc Hóa dầu Bình Sơn cũng đang là một trong những doanh nghiệp giàu tiền trên sàn chứng khoán. Tính đến 31/12/2022 Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt hơn có 22.600 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng. Ngoài ra công ty còn 2.172 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng dưới 12 tháng. Đây là “nguồn” để công ty nhận về hơn 900 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm vừa qua.
Hòa Phát: Doanh nghiệp có lợi nhuận sụt giảm lớn nhất
Trong số 7 thành viên của câu lạc bộ trăm nghìn tỷ đồng lợi nhuận, Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) và PV Oil, Petrolimex và Thế giới di động là những doanh nghiệp báo lãi năm 2022 sụt giảm so với năm 2021. Trong đó Hòa Phát nổi lên là doanh nghiệp có lãi sụt giảm lớn nhất, đến 75,5%. Hòa Phát cũng là doanh nghiệp có cả doanh thu và lợi nhuận giảm sút so với cùng kỳ.
Số liệu cụ thể, doanh thu năm 2022 của Hòa Phát đạt 141.409 tỷ đồng, giảm 5,5% so với năm 2021. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Hòa Phát ghi danh vào câu lạc bộ trăm nghìn tỷ đồng doanh thu.
Lợi nhuận sau thuế giảm 75,5% so với cùng kỳ, còn 8.444 tỷ đồng. Hòa Phát cho biết việc giá nguyên liệu tăng cao, chi phí vận chuyển tăng, trong khi sản lượng hàng bán giảm, lãi suất ngân hàng tăng là những ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của Tập đoàn.
Tổng chi phí tài chính cả năm 2022 lên đến hơn 7.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3.300 tỷ đồng so với cùng kỳ , trong đó chi phí lãi vay 3.083 tỷ đồng (tăng 560 tỷ đồng so với cùng kỳ). Nguyên nhân chính là do gánh nặng lãi vay. Đến 31/12/2022 Hòa Phát còn dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 46.700 tỷ đồng (tăng 3.000 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 11.151 tỷ đồng (giảm 2.310 tỷ đồng so với đầu năm). Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn lên đến hơn 57.800 tỷ đồng.
Vingroup: Năm thứ 5 liên tiếp đạt doanh thu trăm nghìn tỷ
Năm 2022 Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán VIC) đạt 101.523 tỷ đồng doanh thu, giảm 19,2% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 2.000 tỷ đồng, nếu so với số lỗ năm 2021 thì năm 2022 được xem là lợi nhuận tăng trưởng đột biến.
Đối với Vingroup, đây là doanh nghiệp duy nhất đã 5 năm liên tiếp ghi danh vào câu lạc bộ trăm nghìn tỷ lợi nhuận - một điều khó doanh nghiệp nào làm được. Ngoài ra, ngoại trừ năm 2021, thì Vingroup cũng đã có chục năm liền báo lãi trên nghìn tỷ - con số mơ ước của nhiều doanh nghiệp. Trong đó năm 2019 lãi lớn nhất trên 7.700 tỷ đồng.
Thế giới di động cũng 4 lần ghi danh vào câu lạc bộ
Thế giới di động (mã chứng khoán MWG) cũng không kém cạnh khi đã năm thứ 4 liên tiếp ghi danh vào câu lạc bộ danh giá này. Năm 2022 doanh thu đạt mức tăng trưởng 8,5% lên 133.405 tỷ đồng - mức doanh thu kỷ lục.
Tuy vậy lợi nhuận sau thuế lại giảm 16,3% so với năm 2021, còn hơn 4.100 tỷ đồng – năm thứ 5 liên tiếp báo lãi trên nghìn tỷ. Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận năm 2022 giảm là do gánh nặng chi phí lãi vay. Tổng chi phí tài chính cả năm hơn 1.300 tỷ đồng - chủ yếu là chi phí lãi vay. Tính đến 31/12/2022 Thế giới di động còn dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 10.700 tỷ đồng (giảm 13.000 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 5.900 tỷ đồng - đầu năm bằng 0.
Đều là các doanh nghiệp giàu tiền
Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng đang tăng cao, một điểm chung tích cực của các doanh nghiệp này đều giàu tiền mặt, nhận về khoản doanh thu tài chính là thu lãi tiền gửi cao.
Tiền và các khoản tương đương tiền của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt hơn 22.853 tỷ đồng (tăng hơn 6.500 tỷ đồng so với đầu năm), trong đó có 22.600 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 3 tháng. Ngoài ra công ty còn 2.172 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng dưới 12 tháng, (giảm 2.000 tỷ đồng so với đầu năm). Đây là nguồn để công ty nhận về hơn 900 tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm vừa qua.
Nhưng con số của Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng còn thua xa Tập đoàn Hòa Phát. Dù còn đi vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn hơn 57.800 tỷ đồng nhưng bù lại Hòa Phát cũng ghi nhận số tiền còn “ôm” rất lớn. Tiền và tương đương tiền cuối năm còn hơn 8.300 tỷ đồng (giảm hơn 14.100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm). Ngoài ra công ty còn 26.286 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn (tăng gần 8.000 tỷ đồng so với đầu năm).
Trong khi đó Vingroup còn đến 26.200 tỷ đồng tiền và tương đương tiền (tăng 7.857 tỷ đồng so với đầu năm). Ngoài ra công ty còn hơn 2.000 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn tại ngân hàng.
Thế giới di động cũng góp mặt trong danh sách các doanh nghiệp giàu tiền khi tiền và tương đương tiền đến 31/12/2022 đạt hơn 5.061 tỷ đồng (tăng 920 tỷ đồng so với đầu năm). Ngoài ra công ty còn 10.059 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn trên 1 năm (giảm gần 4.200 tỷ đồng so với đầu năm). Đây là “nguồn” giúp công ty nhận về 8 – 9 trăm tỷ đồng tiền lãi mỗi năm.
Tiền và tương đương tiền của Petrolimex đến 31/12/2022 đạt hơn 5.500 tỷ đồng, tăng 2.500 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó chủ yếu có hơn 4.865 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng. Ngoài ra Petrolimex còn 6.087 tỷ đồng tiền gửi cò kỳ hạn dưới 12 tháng tại ngân hàng. Công ty còn nắm giữ số trái phiếu ngắn hạn 1.000 tỷ đồng và số trái phiếu dài hạn 3.200 tỷ đồng. Tổng số trái phiếu đang đầu tư 4.200 tỷ đồng.
PV Oil cũng nắm giữ khoản tiền lớn giúp công ty nhận về hàng trăm tỷ đồng doanh thu tài chính mỗi năm. Tiền và tương đương tiền đến cuối năm đạt gần 4.100 tỷ đồng, tăng 1.100 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó chủ yếu là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn (2.574 tỷ đồng) và tiền gửi dưới 3 tháng (1.443 tỷ đồng). Ngoài ra PV Oil còn khoản tiền gửi kỳ hạn không quá 12 tháng trị giá 7.666 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm.