Hòa Phát ra khơi với siêu tàu 110.000 DWT: Ông Trần Đình Long mở 'mặt trận' mới, tiếp liệu thẳng vào lò cao Dung Quất
Trong cuộc chơi ngành thép, Chủ tịch Trần Đình Long giờ đây hoàn toàn có thể đến thăm các đại dự án của Hòa Phát từ hướng biển – nơi đang dần trở thành “sân chơi” lớn tiếp theo của tập đoàn công nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam.
![]() |
Tàu The Momentum trọng tải 110.000 DWT (Ảnh: HPG) |
Từ một tập đoàn khởi đầu trong ngành thép, Hòa Phát đang âm thầm vẽ lại bản đồ chuỗi cung ứng nội địa bằng một chiến lược đầy tham vọng: Phát triển logistics và vận tải biển thành mảnh ghép không thể thiếu trong hệ sinh thái sản xuất của mình.
Mới đây, CTCP Vận tải biển Hòa Phát – đơn vị thành viên do Tập đoàn Hòa Phát nắm 99,5% vốn – đã tiếp nhận tàu hàng rời “The Momentum” trọng tải 110.000 DWT. Đây là con tàu lớn nhất trong đội tàu hiện tại của Tập đoàn, lớn hơn tới 40% so với các tàu Kamsarmax (80.000 DWT) trước đó. Với kích thước này, tàu đặc biệt phù hợp để vận chuyển nguyên liệu số lượng lớn như quặng sắt, than từ các thị trường lớn như Úc và Brazil về cảng nước sâu Dung Quất – “đại bản doanh” sản xuất thép của Hòa Phát.
Chia sẻ về chiến lược vận tải biển, đại diện doanh nghiệp cho biết: “Các tàu lớn sẽ phụ trách nhập nguyên liệu, trong khi tàu nhỏ đảm nhiệm vận chuyển nội địa và phân phối tới đối tác”. Theo kế hoạch, Hòa Phát hướng tới sở hữu đội tàu 15–20 chiếc trong thời gian tới. Ban đầu sẽ phục vụ nội bộ, sau đó mở rộng cung cấp dịch vụ ra thị trường.
Dù mới gia nhập thị trường vận tải biển từ cuối năm 2019 với con tàu đầu tiên HPS-01 (24.500 tấn), nhưng chỉ sau 5 năm, Hòa Phát đã tạo dấu ấn rõ rệt. “The Momentum” không chỉ là bước tiến về công nghệ và quy mô mà còn thể hiện cam kết nghiêm túc với lĩnh vực này.
Chiến lược logistics của Hòa Phát không dừng lại ở đội tàu. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tập đoàn đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất vỏ container – một phần quan trọng của chuỗi cung ứng. Với công suất giai đoạn đầu đạt 200.000 TEU/năm và có thể mở rộng lên 500.000 TEU/năm, nhà máy này đã cung cấp sản phẩm cho nhiều tên tuổi lớn như Hapag-Lloyd, SeaCube, VIMC, Hải An, VINAFCO…
![]() |
Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2025 của Tập đoàn Hòa Phát |
Chủ tịch Trần Đình Long từng lý giải chiến lược này là để nắm bắt nhu cầu container toàn cầu – lĩnh vực mà Trung Quốc đang chiếm đến 90% thị phần. Với lợi thế sẵn có về thép, công nghệ, vị trí địa lý và mạng lưới đối tác, Hòa Phát hoàn toàn có thể chen chân vào sân chơi này. Tính đến cuối quý I/2025, chi phí xây dựng dở dang tại dự án container của tập đoàn đã lên tới gần 2.300 tỷ đồng – con số cho thấy mức độ đầu tư nghiêm túc.
Toàn bộ những bước đi này cho thấy một Hòa Phát đang từng bước khép kín chuỗi sản xuất – từ đầu vào (quặng, than), logistics (vận tải, container), cho đến tiêu thụ và xuất khẩu. Không dừng lại ở thép, tập đoàn đang mở rộng thế lực sang nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, bất động sản, điện máy gia dụng… với kỳ vọng mỗi mắt xích đều có sự kết nối, bổ trợ lẫn nhau.
Trong bối cảnh chi phí logistics toàn cầu leo thang và rủi ro chuỗi cung ứng trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, Hòa Phát đã chọn cách “tự mình làm chủ” thay vì phụ thuộc – một chiến lược có thể tốn kém ban đầu nhưng mang lại lợi thế lâu dài về giá thành, ổn định và năng lực cạnh tranh. Ở đó, biển cả sẽ là một phần không thể thiếu của cuộc chơi mới mà “vua thép” đang từng bước làm chủ.
>> Doanh nghiệp mua 350 vỏ container từ Hòa Phát: Cổ phiếu lập đỉnh, giá tăng gần 600%
Mỹ, EU tung 'cú đấm' thuế quan đánh thẳng vào thép Việt, đối trọng của Hòa Phát (HPG) gặp biến lớn
Hòa Phát (HPG) báo tin vui sau quyết định chặn đường tuồn thép giá rẻ Trung Quốc của Bộ Công Thương