Cây cầu mang công nghệ tiên tiến bỗng nhiên trở thành…“cây cầu vô dụng nhất thế giới” theo cách thật cay đắng, may mắn vẫn có cái kết có hậu
Nhiều người gọi cây cầu với cái tên “cây cầu vô dụng nhất thế giới” bởi nó nằm trơ trọi cạnh một con sông, không có đường lên hay lối xuống.
Khi bắt đầu kế hoạch xây dựng cầu vào năm 1996, chính quyền Honduras đã quyết định xây dựng một cây cầu có khả năng chống lại các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong khu vực này. Một công ty Nhật Bản, Tập đoàn Hazama Ando, được chọn để thiết kế cầu này với khả năng đương đầu với những tình huống khắc nghiệt do thiên nhiên gây ra.
Cầu Choluteca (tên gốc là Puente Sol Naciente - Cầu Mặt Trời Mọc) là một kiệt tác của thiết kế và công nghệ hiện đại. Nó chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 1998 với chiều dài 484 mét. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, Honduras phải đối mặt với siêu bão Mitchell - một siêu bão nhiệt đới mạnh cấp 5, mạnh nhất theo thang đo cấp độ bão phương Tây.
Với lượng mưa lên đến 1.905mm trong vòng 4 ngày và đêm, siêu bão Mitchell đã gây ra thảm họa, khiến 5.657 người thiệt mạng, 8.058 người mất tích và 12.000 người bị thương, cùng với gần 3 triệu người mất nhà cửa. Tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 6.500 tỷ USD. Hầu hết các cây cầu trên dòng sông đã bị phá hủy, nhưng như mong đợi của chính phủ và người dân Honduras, cây cầu mới đã đứng vững trước cơn bão dữ.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chỉ duy nhất cây cầu này đã xảy ra sự cố. Phần lối dẫn lên cầu đã bị lũ cuốn trôi. Chưa hết, ngay cả con sông cũng bị thay đổi dòng chảy do trận bão lớn, chảy sang bên cạnh. Và vì vậy, cây cầu kiên cường với những công nghệ hiện đại trở nên vô dụng.
Những sự kiện đau lòng này đã làm cho công trình nổi tiếng khắp thế giới với hình ảnh cầu cô lập giữa sa mạc rộng lớn. Người ta gọi nó là "cây cầu dẫn đến hư không." Tuy nhiên, với những người dân sống ở hai bên bờ sông, sự bất tiện đã đạt đến đỉnh điểm bởi họ phải đi ngược lên phía thượng nguồn gần 40km để có thể băng qua sông.
Chính phủ Honduras đã cố gắng tìm cách cứu cây cầu. Ban đầu, họ đã thử nắn chỉnh dòng sông trở về vị trí ban đầu, nhưng khối lượng công việc khổng lồ và tốn kém đã làm cho kế hoạch này thất bại. Đến đầu những năm 2000, khi tuyến đường cao tốc Liên Mỹ nối Choluteca với El Salvador hoàn thành, ý tưởng khôi phục lại cây cầu mới được nảy sinh. Sân bay Choluteca được xây dựng và người dân cũng bắt đầu tìm đến định cư càng khiến động lực khôi phục cầu lớn hơn.
Vào năm 2003, dự án tái xây dựng đã bắt đầu. Ngoài việc xây lại các đường dẫn hai bên của cầu gốc, họ đã xây dựng một cây cầu mới để nối với cầu cũ, cung cấp một tuyến đường bổ sung để băng qua dòng sông. Cầu Choluteca chính thức được hồi sinh và đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế trong vùng và trở thành một điểm đến nổi tiếng trong quốc gia Trung Mỹ.
Câu chuyện về cây cầu Choluteca nổi tiếng đến mức còn hình thành nên một thành ngữ mới. Trong tiếng Anh của người Mỹ có câu: "Don’t be the Choluteca Bridge. Be relevant with time" (Tạm dịch: Đừng biến mình thành cây cầu Choluteca. Hãy cố gắng thích nghi với hoàn cảnh).
Chủ tịch Hà Nội chốt thời gian khởi công 2 cây cầu nghìn tỷ bắc qua sông Hồng
Sau tai nạn khiến hai người thiệt mạng, Huế sẽ xây mới cầu Bình Thành