CEO 9x của startup Việt vừa được 'rót' thêm 6 triệu USD: 'Chúng tôi không chạy theo thời trang nhanh'
Để tối ưu chi phí, thương hiệu này lựa chọn làm việc trực tiếp với các nhà máy trong nước thay vì mở cửa hàng vật lý.
Coolmate, thương hiệu thời trang nam trực tuyến Việt Nam, đang dần khẳng định vị thế trên thị trường Đông Nam Á đầy cạnh tranh. Thành lập từ năm 2019, công ty đã gây chú ý khi gọi vốn thành công 6 triệu USD từ Vertex Ventures Đông Nam Á và Ấn Độ, ngay giữa bối cảnh khó khăn của ngành công nghệ.
Tờ Tech in Asia phân tích, mục tiêu trở thành kỳ lân vào năm 2030 của Coolmate là đầy tham vọng. Câu hỏi đặt ra là: "Startup này lấy đâu tự tin để trụ vững trước các ‘ông lớn’ như Temu, Shein hay TikTok Shop?".
CEO Phạm Chí Nhu (sinh năm 1991) tiết lộ rằng Coolmate từng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Shopee. Tuy nhiên, chi phí nền tảng cao và khó giữ chân khách hàng đã buộc họ chuyển sang xây dựng nền tảng riêng. Công ty tập trung vào các sản phẩm thiết yếu dành cho nam giới như áo thun, đồ tập và đồ lót – những mặt hàng không chạy theo xu hướng thời trang nhanh.
“Chúng tôi không chạy theo thời trang nhanh mà hướng đến những khách hàng từ 18-34 tuổi, coi quần áo là nhu cầu thiết yếu và ưa chuộng thiết kế tối giản”, ông Nhu nhấn mạnh. Sản phẩm của Coolmate không chỉ ưu tiên tính tiện dụng mà còn tích hợp công nghệ độc quyền, phù hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm của Việt Nam, như khả năng khô nhanh.
![]() |
CEO Coolmate Phạm Chí Nhu |
Để tối ưu chi phí, Coolmate lựa chọn làm việc trực tiếp với các nhà máy trong nước thay vì mở cửa hàng vật lý. Tuy nhiên, CEO Phạm Chí Nhu thừa nhận rằng chuỗi cung ứng trong nước còn nhiều bất cập, đặc biệt ở khâu cung cấp nguyên liệu phụ như cúc áo hay dây kéo.
Coolmate áp dụng chính sách hoàn trả miễn phí trong 60 ngày và tận dụng marketing qua influencer (người có sức ảnh hưởng) để nâng cao lòng trung thành từ khách hàng. Hiện tại, doanh thu chính của công ty vẫn đến từ các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và TikTok Shop. “Các nền tảng này đầu tư mạnh vào việc giáo dục người tiêu dùng, nên việc hiện diện trên đó là điều bắt buộc”, ông Nhu giải thích.
Với khoản vốn mới huy động, Coolmate đặt mục tiêu ra mắt dòng sản phẩm đồ tập nữ vào năm 2025, đồng thời mở rộng sang thị trường Mỹ qua Amazon và thâm nhập thị trường Thái Lan thông qua các nhà phân phối địa phương.
Dù đạt nhiều thành tựu, Coolmate vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Các chuyên gia nhận định rằng thiết kế tối giản có thể khiến sản phẩm dễ bị sao chép, và khách hàng dễ chuyển sang lựa chọn thay thế nếu không có sự khác biệt rõ rệt. Ngoài ra, việc mở rộng sang kênh bán lẻ truyền thống thông qua các đối tác như Aeon, WinMart, Big C hoặc cửa hàng pop-up có thể làm tăng chi phí vận hành nếu không được quản lý chặt chẽ.
Theo Euromonitor International, thị trường thời trang và giày dép Việt Nam dự kiến đạt 4,6 tỷ USD vào cuối năm 2023. Ông Nhu cho rằng Coolmate có cơ hội phát triển lớn nếu tập trung vào chất lượng thay vì đối đầu trực tiếp với các đối thủ Trung Quốc.
Doanh thu của Coolmate năm 2023 đạt 14 triệu USD, tăng 23% so với năm trước. Dù tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với mức gấp đôi của năm 2022, công ty vẫn đạt lợi nhuận hoạt động 141.000 USD, gấp 5 lần năm trước. Coolmate đặt mục tiêu đạt doanh thu 45 triệu USD vào năm 2024 và 500 triệu USD vào năm 2030, với định giá 1 tỷ USD – cột mốc kỳ lân.
Tuy nhiên, cuối năm 2023, công ty chỉ còn 52.000 USD tiền mặt, thấp hơn đáng kể so với khoản 900.000 USD cần để duy trì hoạt động. Khoản vốn 6 triệu USD mới huy động được dự kiến giúp Coolmate kéo dài thời gian hoạt động thêm 7 năm, cung cấp nguồn lực cần thiết để đối đầu với các đối thủ lớn như Temu và Shein trong ngắn hạn.
Thành lập tháng 2/2019, website Coolmate.me cung cấp sản phẩm may mặc "sản xuất tại Việt Nam", được phân phối trực tiếp tới tay khách hàng qua các nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử. Hiện, danh mục sản phẩm của Coolmate tập trung vào nhóm cơ bản như áo thun, đồ lót và bít tất dành cho nam giới. Coolmate gây chú ý khi là startup mở màn Shark Tank mùa 4 vào tháng 5/2021 với màn chốt deal "nhanh như gió" của Shark Bình, quẹt thẻ đặt cọc ngay trong tập đầu tiên phát sóng của SharkTank mùa 4. Tập đoàn Nexttech cũng đã nhanh chóng hoàn tất thương vụ đầu tư 500.000 USD vào Coolmate.me vào tháng 7/2021, chỉ sau 2 tháng thẩm định (Due Diligence) và đàm phán các điều khoản đầu tư. "Đây có thể xem là màn thẩm định thành công và nhanh nhất trong lịch sử Shark Tank Việt Nam khi nhà đầu tư đã chính thức rót tiền cho startup trong khi chương trình vẫn còn đang phát sóng", bà Lê Hạnh - CEO TVHub, đơn vị sản xuất chương trình Shark Tank Việt Nam, nhận xét.
Trong năm 2022, Coolmate đã thành công trong ba đợt gọi vốn, huy động tổng cộng 5,4 triệu USD từ các quỹ lớn như GSR Ventures, Do Ventures, Access Ventures, CyberAgent Capital, DSG Consumer Partners…
Về chiến lược "Go global", Coolmate dự kiến mở rộng sang thị trường Đông Nam Á và Mỹ, với mục tiêu doanh thu chiếm 30% tổng doanh thu của công ty. Coolmate cũng lên kế hoạch mở rộng danh mục sản phẩm sang phân khúc dành cho phụ nữ và trẻ em, với kỳ vọng các phân khúc này sẽ đóng góp 50% vào doanh thu năm 2030.
Với chiến lược khác biệt và tầm nhìn dài hạn, Coolmate không chỉ đặt mục tiêu tồn tại mà còn vươn lên ghi tên mình vào danh sách kỳ lân Việt Nam. Liệu tham vọng này có thành hiện thực? Điều đó còn phụ thuộc vào khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng và tạo ra dấu ấn trên thị trường quốc tế của startup này.