CEO chuỗi 700 cửa hàng Con Cưng: Cứ 17h30 - 18h nên đứng lên đi về, tan làm đúng giờ mới là chuyên nghiệp
Theo CEO này, "Nếu có gia đình hãy chăm sóc gia đình, nếu chưa có gia đình hãy đi yêu đương, đi trải nghiệm cuộc sống".
Ông Lưu Anh Tiến, CEO chuỗi gần 700 cửa hàng Con Cưng, nhấn mạnh về văn hóa làm việc tại công ty với từ khóa "chuyên nghiệp".
Ông Tiến chia sẻ rằng sự chuyên nghiệp không chỉ nằm ở phục vụ khách hàng mà còn ở thái độ làm việc và giờ giấc làm việc. Tại Con Cưng, nhân viên được khuyến khích đến công ty đúng 8h30 và ra về lúc 17h30 - 18h.
Theo ông Tiến, việc nhân viên về đúng giờ không chỉ giúp họ cân bằng cuộc sống cá nhân mà còn làm tăng hiệu suất làm việc. "Nếu có gia đình hãy chăm sóc gia đình, nếu chưa có gia đình hãy đi yêu đương, đi trải nghiệm cuộc sống", ông nói. Những trải nghiệm này giúp nhân viên trở nên giỏi hơn, cân bằng hơn, và từ đó thúc đẩy công ty phát triển.
Đáng chú ý, Con Cưng là chuỗi cửa hàng mẹ và bé duy nhất lập “hat-trick” giải thưởng nhân sự khu vực châu Á. Cụ thể, trong 3 năm liền từ 2021 đến 2023, Con Cưng được vinh danh ở hạng mục "Nơi làm việc tốt nhất châu Á" từ HR Asia.
Quan điểm của ông Tiến được chia sẻ trong buổi đối thoại với Shark Thái Vân Linh từ Shark Tank Việt Nam. Trái ngược với ông Tiến, Shark Linh từng khuyến khích giới trẻ làm việc sau giờ hành chính để nâng cao kỹ năng và kiến thức, bà cho rằng "Các bạn không nên về trước 7h, giờ đó là quá sớm rồi. Các bạn có thể ở lại làm thêm công việc khác, trả lời email, nghiên cứu thêm, tới khi về rồi cũng có thể nghiên cứu thêm nữa”, “Chỉ có như vậy các bạn mới có đủ sự chuẩn bị để nắm lấy cơ hội”, Shark Thái Vân Linh kết luận.
Shark Thái Vân Linh và CEO Lưu Anh Tiến |
>> Hai doanh nghiệp Nhà nước chuẩn bị hợp nhất: Lãi đã vượt xa kế hoạch năm, bất ngờ 'gặp khó'
Tại buổi trò chuyện, ông Tiến cũng chia sẻ tiêu chí tuyển dụng nhân sự của chuỗi này. Con Cưng hạn chế việc tuyển ngang nhân sự từ bên ngoài. Thay vào đó, công ty tập trung tìm kiếm và đào tạo những tài năng trẻ mới ra trường trong 2-5 năm. Phương châm này giúp nhân sự phát triển từ dưới lên và tiếp tục đồng hành lâu dài với công ty.
Những quyết định trên được vị CEO này đúc rút ra từ kinh nghiệm của bản thân: "Khoảng gần 20 năm trước khi Tiến ra trường, dù mình học cũng giỏi và có nhiều thành tựu, nhưng khi mình muốn tìm cơ hội thì lại không có nhiều. Từ câu chuyện của mình, tôi thấy công ty cùng mỗi nhân viên phải kiên trì với nhau để cùng tăng trưởng. Bất kỳ nhân viên nào vào Con Cưng, dù bạn đó là ai, bạn phải đi bán hàng tối thiểu 2 tuần. Tôi nhận thấy, nếu sau 2 tuần bạn vẫn thấy thích thú với ngành hàng và công việc, thì chắc chắn bạn sẽ rất yêu Con Cưng và gắn bó lâu dài".
Có thể thấy, quan điểm về giờ giấc làm việc của CEO Con Cưng không chỉ thể hiện sự quan tâm đến đời sống cá nhân của nhân viên mà còn hướng tới xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả.
Con Cưng - Hệ thống bán lẻ mẹ và bé phủ khắp Việt Nam
Công ty cổ phần Đầu tư Con Cưng được thành lập vào tháng 9/2015 bởi ông Nguyễn Quốc Minh và ông Lưu Anh Tiến. Hệ sinh thái này gồm ba pháp nhân chính là CTCP Con Cưng, CTCP Thương mại Liam và CTCP Tập đoàn Sakura.
Nổi bật nhất trong đó là Chuỗi Con Cưng với 699 siêu thị (tính đến ngày 23/1/2024). Một trong những sự kiện đáng ý của hệ thống là việc quỹ đầu tư tư nhân châu Á Quadria Capital quyết định rót 90 triệu USD vào Con Cưng từ năm 2022 . Nguồn vốn này dự kiến sử dụng để mở rộng quy mô và mạng lưới cửa hàng, đặt mục tiêu khai trương 2.000 siêu thị mẹ và bé vào năm 2025, trong đó khoảng 300 Super Center.
Ông Lưu Anh Tiến trong buổi ra mắt Super Center đầu tiên của Con Cưng |
Cũng trong năm 2022, Con Cưng ra mắt Super Center đầu tiên tại 'đất vàng' Ngã 6 Phù Đổng, TP HCM rộng 2.000m2, bán 10.000 sản phẩm, có cả quán cà phê. Trung tâm có 6 tầnglà nơi giới thiệu và phân phối khoảng 10.000 sản phẩm)cho mẹ và bé từ trung tới cao cấp; bao gồm sản phẩm dinh dưỡng, vitamin, đồ dùng chăm sóc bé, nôi cũi, xe đẩy, các loại xe vận động, thời trang, nhà sách, đồ chơi … dành cho bé từ 0 – 6 tuổi.
Thời điểm hiện tại, chuỗi Con Cưng đang cho thấy định hướng tập trung vào mảng vào hàng tiêu dùng Nhật Bản. Đầu năm 2024, Con Cưng đã hợp tác với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Văn phòng TP.HCM và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử MoMo giới thiệu sản phẩm dành cho trẻ em của Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.
Theo Euromonitor, doanh thu của thị trường đồ dùng mẹ và bé tại Việt Nam đạt khoảng 50.100 tỷ đồng năm 2021 và dự kiến tăng trưởng khoảng 7,3% mỗi năm ở giai đoạn 2021-2025. Báo cáo của Nielsen cũng cho biết doanh thu của thị trường này có thể đạt quy mô 7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng tới 30-40%. Tuy nhiên hiện nay, đến 80% thị phần thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ.