Dù lỗ 7 tỷ USD, CEO Intel Patrick Gelsinger tuyên bố công ty đang ở bước ngoặt lịch sử để giành lại quyền lực tối cao của Mỹ trong sản xuất bán dẫn.
Đầu tuần này, Intel báo cáo khoản lỗ 7 tỷ USD năm 2023 đối với bộ phận kinh doanh sản xuất chip và dự báo sẽ lỗ kỷ lục trong năm 2024. Dù vậy, tại một sự kiện do Hội đồng quan hệ đối ngoại tổ chức, ông Patrick Gelsinger xem nhẹ con số và nhấn mạnh chỉ có một doanh nghiệp phương Tây trong số 3 công ty “trên hành tinh” có thể sản xuất bán dẫn tiên tiến. Ông tin rằng “tái xây dựng chuỗi cung ứng phương tây” sẽ đem lại lợi nhuận trong các năm tới.
"Chúng tôi kỳ vọng sẽ hòa vốn trong lĩnh vực kinh doanh bán dẫn trong khung thời gian đến năm 2027 và sau đó chuyển sang có lãi", ông nói về kế hoạch của công ty. CEO Intel cho biết, một phần của vấn đề là họ phải đầu tư số tiền đáng kể để cạnh tranh với các đối thủ châu Á.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Intel sẽ nhận được 19,5 tỷ USD trợ cấp để xây dựng và hiện đại hóa các nhà máy bán dẫn ở Arizona, New Mexico, Oregon và Ohio. Thỏa thuận mà ông Biden ca ngợi là "mang tương lai trở lại Mỹ", đánh dấu khoản đầu tư lớn nhất của Mỹ cho đến nay theo Đạo luật Chip và Khoa học. Đạo luật thông qua năm 2022 nhằm khôi phục sản xuất bộ vi xử lý trong nước cũng như tài trợ cho các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo.
Washington coi việc Mỹ phụ thuộc vào chip sản xuất ở nước ngoài và ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia. Sự hồi sinh của mảng kinh doanh sản xuất chip của Intel có liên quan đến việc duy trì vị trí dẫn đầu công nghệ toàn cầu của Mỹ.
Ông Gelsinger, người trước đây dành 30 năm tại Intel trong vai trò kỹ thuật và lãnh đạo, đã trở lại công ty với tư cách CEO vào năm 2021. Mục tiêu của ông là bắt kịp TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới. Ông nhận định, ba thập kỷ chính sách công nghệ của Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đại lục đã thu hút và củng cố ngành công nghiệp sản xuất chip tại châu Á.
Các ưu đãi tại các trung tâm chip châu Á bao gồm thuế, trợ cấp đất, tín dụng R&D, chương trình đại học và sự thúc đẩy của chính phủ đối với các công ty đầu tư vào TSMC.
Bình luận về trận động đất mạnh 7,4 độ làm rung chuyển Đài Loan hôm thứ Tư, ông Gelsinger cho rằng, thảm họa thiên nhiên nêu bật nhu cầu hồi phục của chuỗi cung ứng. Khi hơn một nửa số chip trên thế giới được sản xuất ở một khu vực "chỉ cách đất Trung Quốc 100km", điều đó "không bền vững".
Được thành lập vào cuối những năm 1960, Intel ban đầu là nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. Trong những năm 1990, gần 40% chất bán dẫn trên thế giới được sản xuất tại Mỹ. Quyền lực tối cao của Intel đã kết thúc vào giữa những năm 2010 do chi phí gia tăng và cạnh tranh nước ngoài khốc liệt.
Ngày nay, Mỹ sản xuất chưa đầy 10% chip của thế giới và không có chip tối tân nào. Khoảng 80% hoạt động sản xuất chip diễn ra ở châu Á và các chip tiên tiến nhất được sản xuất độc quyền bởi TSMC.
Ông Gelsinger chia sẻ, Intel đặt mục tiêu triển khai công nghệ sản xuất chip mới nhất của mình vào năm 2025 và nhờ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do chính phủ Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc, cường quốc châu Á này không thể sớm thu hẹp khoảng cách.
(Theo SCMP)