CEO Nvidia Jensen Huang: Nếu được quay về thời sinh viên, đây là việc tôi sẽ làm với AI mỗi ngày
Vị CEO khẳng định: nếu được quay trở lại thời sinh viên, ông sẽ ưu tiên học AI để dẫn đầu tương lai - bởi công nghệ này không chỉ là công cụ, mà là “siêu năng lực” trao quyền cho con người.
Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn trên Podcast, CEO Nvidia Jensen Huang cho biết nếu được quay trở về thời sinh viên, ông sẽ tập trung học và khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng sự nghiệp thành công.
“Điều đầu tiên tôi sẽ làm là học AI", ông Huang chia sẻ trong tập phát sóng tháng 1 của chương trình Huge Conversations cùng Cleo Abram, đồng thời đề cập đến các công cụ như ChatGPT, Gemini Pro và Grok.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng tương tác với AI: “Học cách làm việc với AI cũng giống như trở thành một người giỏi đặt câu hỏi. Việc gợi ý cho AI không thể làm tùy tiện. Để biến AI thành trợ lý hiệu quả, bạn cần có sự hiểu biết và nghệ thuật trong cách đặt vấn đề".
Nhận định của Ceo Huang được đưa ra trong bối cảnh hiện nay chỉ có một tỷ lệ nhỏ người trẻ tại Mỹ sử dụng AI một cách thường xuyên. Theo báo cáo năm 2024 do Trường Cao học Giáo dục Harvard, tổ chức Common Sense Media và Hopelab công bố, chỉ 11% người Mỹ trong độ tuổi từ 14 đến 22 cho biết họ sử dụng AI tạo sinh từ một đến hai lần mỗi tuần. Trong khi đó, báo cáo Thay đổi công việc năm 2025 của LinkedIn dự đoán rằng đến năm 2030, khoảng 70% kỹ năng được sử dụng trong phần lớn công việc hiện nay sẽ thay đổi do tác động của công nghệ.
Ông Huang nhận định rằng việc thành thạo kỹ năng đặt câu hỏi và tạo lời nhắc hiệu quả cho AI sẽ là một lợi thế lâu dài. Ông khuyến khích sinh viên đầu tư thời gian để rèn luyện năng lực này, bất kể họ theo đuổi ngành nghề nào.
“Nếu tôi là một sinh viên ngày nay, dù học toán, khoa học, hóa học hay sinh học — dù tôi định theo đuổi ngành nghề nào đi nữa — tôi sẽ luôn tự hỏi: ‘Làm thế nào để tôi có thể sử dụng AI để làm tốt hơn công việc của mình?’” ông chia sẻ.
CEO Nvidia Jensen Huang tin rằng người trẻ nên luôn có một “gia sư riêng” đồng hành — và theo ông, các nhà giáo dục sử dụng trí tuệ nhân tạo chính là hình ảnh của tương lai. Với khả năng hỗ trợ từ AI, Huang hình dung lực lượng lao động trong tương lai không phải là sự thay thế của robot, mà là những con người được trao quyền bởi công nghệ.
“Kiến thức trong gần như mọi lĩnh vực giờ đây đã dễ tiếp cận hơn bao giờ hết. Những rào cản trong việc tiếp cận tri thức đã được giảm thiểu đáng kể”, Huang chia sẻ trong cuộc phỏng vấn. “Tôi luôn có một gia sư riêng bên cạnh mình.”
Theo ông, trong một thế giới doanh nghiệp luôn chạy đua với sự thay đổi và công nghệ, việc tích hợp AI vào giáo dục là bước tiến tất yếu. Các thuật toán có khả năng cung cấp nội dung bài học một cách nhanh chóng và hiệu quả, từ tổng quát đến chi tiết, phù hợp với phong cách học tập cá nhân hóa cho từng người học.
Ở phần sau của cuộc trò chuyện, Huang phản bác quan điểm cho rằng AI sẽ thay thế con người và là “kẻ cướp việc”. Là người đứng đầu Nvidia và làm việc trực tiếp với những chuyên gia hàng đầu cùng các hệ thống AI tiên tiến, ông cho biết bản thân không hề lo sợ trước sự phát triển công nghệ.
“Tôi được bao quanh bởi những con người siêu phàm và trí tuệ siêu phàm — họ là những người giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực của mình, và họ làm việc tốt hơn tôi rất nhiều. Nhưng điều đó chưa bao giờ khiến tôi cảm thấy mình trở nên thừa thãi,” Huang nói.
Thay vì lo ngại, Huang cho rằng viễn cảnh con người được hỗ trợ bởi AI là một tầm nhìn đầy hứa hẹn. Với sự trợ lực từ công nghệ, ông tin rằng con người có thể học hỏi và đạt được nhiều điều hơn so với khi không có nó. Vị CEO của Nvidia ví AI như một “siêu năng lực” trao quyền cho người sử dụng.
“AI thực sự trao quyền cho tất cả mọi người và mang lại sự tự tin để theo đuổi những mục tiêu tham vọng hơn,” ông chia sẻ. “AI sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn, khiến bạn cảm thấy tự tin hơn. Hôm nay, tôi cảm thấy được tiếp thêm năng lượng và tự tin hơn để học điều gì đó mới".
Tuy nhiên, bất chấp tiềm năng của AI trong việc nâng cao hiệu quả làm việc và học tập, nhiều người vẫn bày tỏ lo ngại về việc công nghệ này có thể vượt quá vai trò của một công cụ hỗ trợ. Theo một cuộc khảo sát do Harris Poll thực hiện cho Fortune vào năm 2023, khoảng 40% lao động Mỹ quen thuộc với ChatGPT cho biết họ lo sợ chatbot này có thể thay thế công việc của mình.
Nỗi lo này đặc biệt rõ rệt trong nhóm lao động trẻ và am hiểu công nghệ. Theo báo cáo năm 2024 của tổ chức General Assembly, khoảng 62% người thuộc thế hệ Z tin rằng AI có thể thay thế họ trong vai trò hiện tại trong vòng một thập kỷ tới. Và khi các “tác nhân AI” (AI agents) ngày càng phát triển, diện mạo của lực lượng lao động trong tương lai vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Tham khảo CNBC, Fortune
Nvidia tung 'quái vật' AI thế hệ mới, siết chặt ngôi vương công nghệ chip
Quốc gia châu Á được Nvidia ‘chọn mặt gửi vàng’ thành lập trung tâm nghiên cứu chip mới