Thế giới

Quốc gia Đông Nam Á đối mặt khủng hoảng giáo dục: 18 triệu người trẻ tốt nghiệp nhưng ‘mù chữ', cứ 5 học sinh thì 1 em không đủ kỹ năng đọc hiểu cơ bản

Thiên Kim 07/05/2025 12:05

Một khảo sát toàn quốc mới đây cho thấy cứ 5 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Philippines thì có 1 em không thể hiểu một câu chuyện đơn giản.

18 triệu học sinh tốt nghiệp trung học ở Philippines được phát hiện là "mù chữ chức năng" – thực trạng mà các nhà lập pháp và chuyên gia giáo dục cho rằng phản ánh những thất bại mang tính hệ thống trong nền giáo dục quốc gia.

Con số gây sốc trên được Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) công bố trong một phiên điều trần Thượng viện tuần trước, dựa trên kết quả khảo sát trình độ biết chữ, giáo dục và truyền thông đại chúng năm 2024.

Cuộc khảo sát đánh giá trình độ biết chữ cơ bản và chức năng, được thực hiện 5 năm/lần trên toàn quốc. Năm nay, PSA khảo sát hơn 572.000 người thuộc gần 178.000 hộ gia đình trên cả nước.

Thượng nghị sĩ Sherwin Gatchalian – Chủ tịch Ủy ban giáo dục cơ bản của Thượng viện – phát biểu: “Nếu nhìn vào dữ liệu năm 2024, có khoảng 18 triệu học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhưng PSA xác định họ không có khả năng biết chữ chức năng. Nghĩa là họ hoàn thành chương trình giáo dục cơ bản, nhưng không thể đọc hiểu một câu chuyện đơn giản”.

Quốc gia Đông Nam Á đối mặt khủng hoảng giáo dục: 18 triệu người trẻ tốt nghiệp nhưng ‘mù chữ', cứ 5 học sinh thì 1 em không đủ kỹ năng đọc hiểu cơ bản - ảnh 1
Khoảng 18 triệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tại Philippines bị đánh giá là không thể đọc hiểu một câu chuyện đơn giản. Ảnh: SCMP

Báo cáo năm 2019 từng ghi nhận khoảng 79 triệu người có khả năng biết chữ chức năng, dựa trên tiêu chí có thể đọc, viết và làm toán cơ bản. Tuy nhiên, định nghĩa này đã được cập nhật trong năm 2024 để bao gồm kỹ năng hiểu nội dung ở cấp độ cao hơn – khiến con số nói trên giảm xuống chỉ còn 60 triệu người.

“Có nghĩa là cứ năm người tốt nghiệp thì có một người không thể hiểu được một câu chuyện đơn giản. Đó là mức độ nghiêm trọng mà chúng ta đang đối mặt”, ông Gatchalian nói.

Dù ủng hộ tiêu chuẩn đánh giá chặt chẽ hơn vì phản ánh sát thực tế hơn, ông vẫn bày tỏ lo ngại rằng học sinh vẫn có thể tốt nghiệp mà thiếu những kỹ năng cơ bản cần thiết.

“Điều này không nên xảy ra. Không ai nên được tốt nghiệp nếu chưa đạt trình độ biết chữ chức năng”, ông cảnh báo, đồng thời kêu gọi Bộ Giáo dục có hành động quyết liệt hơn.

“Choáng váng nhưng không bất ngờ”

Dân biểu Mark Go – đại diện thành phố Baguio và đồng chủ tịch Ủy ban Giáo dục Quốc hội lần 2 (EDCOM 2) – cho rằng con số trên “choáng váng nhưng không hẳn bất ngờ”.

Ông nhấn mạnh, những vấn đề về khả năng biết chữ đã được phản ánh rõ trong các báo cáo của EDCOM 2 và các khảo sát quốc tế trước đó.

Ông dẫn chứng kết quả Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) do OECD công bố năm 2024, theo đó học sinh Philippines chỉ đạt trung bình 14 điểm về tư duy sáng tạo – thấp hơn rất xa mức trung bình toàn cầu là 33 điểm.

Một báo cáo khác của Ngân hàng Thế giới năm 2022 về tình trạng “nghèo học tập” – tức trẻ em không thể đọc hiểu một đoạn văn đơn giản ở độ tuổi 10 – cho thấy tỷ lệ tại Philippines lên tới 91%, trong khi Singapore chỉ ở mức 3%.

Ông Go nhận định: “Các dữ liệu độc lập đều cho thấy chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng giáo dục, với khoảng cách lớn giữa chất lượng giáo dục của Philippines và nước láng giềng”. Ông bày tỏ lo ngại rằng tình hình hiện tại sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh lao động của Philippines trên thị trường quốc tế.

Quốc gia Đông Nam Á đối mặt khủng hoảng giáo dục: 18 triệu người trẻ tốt nghiệp nhưng ‘mù chữ', cứ 5 học sinh thì 1 em không đủ kỹ năng đọc hiểu cơ bản - ảnh 2
Học sinh Philippines bên ngoài một trường trung học ở Manila. Ảnh: SCMP

“Trẻ em nước ta đang tụt hậu nghiêm trọng trong việc xây dựng những kỹ năng nền tảng để cạnh tranh toàn cầu – đặc biệt là tư duy phản biện và giải quyết vấn đề – những điều cần được vun đắp ngay từ khi bắt đầu đi học”, ông lưu ý.

Theo ông Go, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình hình khi việc học tập bị gián đoạn và khả năng tiếp cận công nghệ học từ xa không đồng đều giữa các vùng miền.

Theo dữ liệu của PSA, tỷ lệ mù chữ chức năng cao nhất nằm tại khu vực Mindanao ở phía Nam đất nước, trong đó tỉnh Tawi-Tawi lên tới 67%, theo sau là Davao Occidental với 43%.

Ông kêu gọi chính quyền địa phương cần chủ động hơn, sử dụng ngân sách của mình hoặc đề xuất nguồn lực từ trung ương để can thiệp vấn đề mù chữ tại địa phương.

Trong khi đó, tổ chức Philippine Business for Education – đơn vị vận động cải cách giáo dục – kêu gọi các ứng viên trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới đưa giáo dục làm ưu tiên trong chương trình tranh cử.

Giám đốc điều hành Hanibal Camua nhấn mạnh: “Các ứng viên cần tăng đầu tư cho giáo dục cơ bản và đại học, bao gồm đào tạo và hỗ trợ giáo viên, cơ sở hạ tầng trường học, kết nối giáo dục – doanh nghiệp, và triển khai các cải cách dựa trên bằng chứng nhằm cải thiện chất lượng học tập và khả năng việc làm”.

Chúng tôi kêu gọi các ứng viên đưa ra kế hoạch cụ thể, giải pháp thực tế để giải quyết cuộc khủng hoảng học tập và chuẩn bị lực lượng lao động tương lai”, ông Camua nói thêm.

Theo SCMP

>> Một quốc gia Đông Nam Á bỏ cả trợ cấp giá trứng gà, thả nổi theo thị trường

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chi 44 tỷ USD cho giáo dục nhưng nhiều trường chỉ có đúng một nhà vệ sinh, Tổng thống chỉ đạo khẩn

Quốc gia Đông Nam Á sửa Luật Kinh doanh đã tồn tại 25 năm, 'mở toang cánh cửa' đón nhà đầu tư nước ngoài

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/quoc-gia-dong-nam-a-doi-mat-khung-hoang-giao-duc-18-trieu-nguoi-tre-tot-nghiep-nhung-mu-chu-cu-5-hoc-sinh-thi-1-em-khong-du-ky-nang-doc-hieu-co-ban-141726.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quốc gia Đông Nam Á đối mặt khủng hoảng giáo dục: 18 triệu người trẻ tốt nghiệp nhưng ‘mù chữ', cứ 5 học sinh thì 1 em không đủ kỹ năng đọc hiểu cơ bản
    POWERED BY ONECMS & INTECH