'Cha đẻ' Bugatti: Thiên tài xe sang sống cuộc đời lập dị vì một nỗi ám ảnh
Ettore Bugatti, nhà sáng lập Bugatti, không chỉ tạo ra những chiếc xe huyền thoại mà còn để lại một di sản thiết kế và sáng chế vượt xa khỏi lĩnh vực ô tô.
Ettore Arco Isidoro Bugatti sinh năm 1881 tại Milan, Ý, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha ông, Carlo Bugatti, là một nhà thiết kế nội thất và nghệ nhân nổi tiếng, trong khi chú ông, Giovanni Bugatti, là một nhà điêu khắc danh tiếng. Thừa hưởng tư duy sáng tạo từ gia đình, Ettore không đi theo con đường nghệ thuật truyền thống mà rẽ hướng sang ngành cơ khí. Ở đó, ông có thể kết hợp sự chính xác kỹ thuật với tinh thần nghệ thuật bẩm sinh.
Sau khi hoàn thành chương trình học tại Học viện Mỹ thuật Brera, Ettore bắt đầu sự nghiệp tại công ty xe De Dietrich trước khi thành lập Bugatti Automobiles vào năm 1909 tại Molsheim, khi đó thuộc Đức (nay thuộc Pháp). Ngay từ những ngày đầu, Bugatti đã cho thấy tầm nhìn vượt trội với những mẫu xe mạnh mẽ và thiết kế tinh xảo, tinh tế.
Ettore Bugatti có một triết lý rõ ràng: “Một sản phẩm kỹ thuật không thể hoàn hảo trừ khi mặt thẩm mỹ cũng hoàn hảo”. Chính tư tưởng này đã định hình tất cả các thiết kế của ông, từ ô tô cho đến những vật dụng thường ngày.
Ettore Arco Isidoro Bugatti bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo. Ảnh: Internet |
>>Chi tiết siêu xe Bugatti Bolide hơn 6 triệu USD của đại gia Mỹ
Là người cầu toàn đến mức cực đoan, Ettore Bugatti thậm chí không hài lòng với việc phải mua trứng để làm món mì Ý yêu thích. Khi thấy giá trứng tăng cao, ông quyết định tự nuôi gà và thiết kế một chuồng gà di động gắn bánh xe để đảm bảo chất lượng trứng luôn đạt tiêu chuẩn cao nhất.
Khi đầu bếp riêng của ông than phiền về máy làm mì Ý bị hỏng, Ettore không chấp nhận việc chờ đợi mà lập tức huy động đội ngũ kỹ sư Bugatti để chế tạo một cỗ máy làm mì mới. Cỗ máy hoạt động hiệu quả hơn và mang đậm dấu ấn ô tô khi sử dụng vô lăng của mẫu xe Bugatti Type 46 để điều khiển.
Không dừng lại ở thực phẩm, Ettore còn tự thiết kế một nhà kính để trồng loại húng quế mà ông yêu thích nhưng không tìm thấy ở vùng Molsheim. Ông cũng tự chế tạo một bộ dao nĩa riêng, có thiết kế công thái học hoàn hảo và đi kèm một bộ quy tắc sắp đặt bàn ăn mà tất cả khách mời đều phải tuân theo. Có giai thoại kể rằng Ettore từng từ chối bán xe cho một thành viên hoàng gia chỉ vì người này không biết sử dụng dao nĩa đúng cách.
Sự cầu toàn của Ettore Bugatti thể hiện rõ rệt nhất trong những chiếc xe do ông chế tạo. Một trong những mẫu xe nổi bật nhất là Bugatti Type 35 – biểu tượng trong thế giới đua xe với hơn 2.000 chiến thắng, trở thành mẫu xe đua thành công nhất trong lịch sử. Ngoài động cơ mạnh mẽ, thiết kế của Type 35 còn chú trọng tuyệt đối vào chi tiết thẩm mỹ, từ đường nét mềm mại đến cách bố trí từng con ốc vít.
Sự cầu toàn cực đoan của ông thể hiện trên những chiếc xe Bugatti và trong cuộc sống thường ngày. Ảnh: Internet |
Một ví dụ khác về sự tỉ mỉ của Ettore là chiếc Royale Type 41 – mẫu xe xa xỉ bậc nhất thời kỳ đó. Với chiều dài lên tới 6,4 mét và động cơ 12,7L, Royale vừa là một cỗ máy quyền lực, vừa là một tác phẩm nghệ thuật trên bánh xe, với nội thất được chế tác tinh xảo từ những vật liệu cao cấp nhất.
Dù Ettore Bugatti qua đời năm 1947, triết lý của ông vẫn tiếp tục định hình thương hiệu Bugatti đến ngày nay. Mỗi chiếc xe Bugatti hiện đại, từ Veyron đến Chiron, đều mang trong mình tinh thần của Ettore: tốc độ, sức mạnh và sự hoàn mỹ không thể thỏa hiệp.
Nhưng có lẽ, di sản của Ettore Bugatti không chỉ nằm ở những chiếc xe, mà còn ở cách ông nhìn nhận thế giới. Với Ettore, sự hoàn mỹ không chỉ là một mục tiêu mà là một lối sống. Từ cách ông chế tạo ô tô, nấu ăn, trồng cây cho đến việc chọn giày dép, tất cả đều phản ánh một tâm hồn nghệ sĩ, một kỹ sư thiên tài và một người đàn ông không bao giờ chấp nhận sự tầm thường.