Chân dung nữ tiến sĩ trẻ người Việt sở hữu nhiều bằng sáng chế quốc tế ngành nhãn khoa
Sở hữu 9 bằng sáng chế quốc tế trong lĩnh vực nhãn khoa cùng tấm bằng tiến sĩ danh giá tại Nga, bác sĩ Đinh Thị Hoàng Anh đã từ bỏ cơ hội làm việc tại nước ngoài để trở về cống hiến cho ngành nhãn khoa Việt Nam.
Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hoàng Anh, 30 tuổi, hiện là Trưởng khoa Mắt tại BVĐK Hồng Ngọc, không chỉ nổi bật trong thành tích phẫu thuật khúc xạ mà còn gây ấn tượng khi sở hữu 9 bằng sáng chế quốc tế trong lĩnh vực nhãn khoa. Với đam mê nghiên cứu không ngừng nghỉ, chị là đại diện tiêu biểu cho ngành nhãn khoa Việt Nam tại các hội thảo khoa học uy tín ở Nga, Áo, Pháp, Ý, Hoa Kỳ, Ấn Độ,... Theo Tiến sĩ Hoàng Anh, đây là cơ hội quý giá để chị khẳng định năng lực cũng như vị trí của nhãn khoa Việt Nam trước cộng đồng y khoa thế giới.
Tiến sĩ Hoàng Anh trình bày đề tài nghiên cứu tại Hội thảo SCHWINDAY - Level Up Your Vision trước các chuyên gia nhãn khoa hàng đầu trong nước và quốc tế |
Nhìn lại quá khứ, những thành tựu hiện tại có thể coi là quả ngọt cho vô số nỗ lực và định hướng đúng đắn của bác sĩ Hoàng Anh ngay từ thời điểm ngồi trên ghế nhà trường. Khi mới 16 tuổi, chị đã sang Nga du học (được đặc cách tốt nghiệp sớm 2 năm nhờ thành tích xuất sắc) với học bổng toàn phần theo Hiệp định giữa Việt Nam và Nga. Tại đây, chị tiếp tục chứng tỏ tài năng vượt trội với điểm số xuất sắc và được chọn cùng đoàn sinh viên Nga sang Hungary tham dự cuộc thi Nghiên cứu Khoa học cho sinh viên ngành Y – Dược toàn châu Âu. Không chỉ mang về giải Nhất danh giá, bác sĩ Hoàng Anh còn được Hiệu trưởng trường đại học và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga trao tặng bằng khen danh dự.
“Đối với tôi, mỗi đề tài nghiên cứu hay sáng chế trong lĩnh vực y khoa đều là một hành trình đầy cuốn hút. Đó không chỉ là cơ hội để tích lũy kiến thức, mà còn là cách giúp tôi áp dụng những gì đã học, từ đó đúc kết nhiều kiến thức là nền tảng quan trọng cho quá trình thực hành sau này" - bác sĩ Hoàng Anh chia sẻ.
Bác sĩ Hoàng Anh trong thời gian học tập và nghiên cứu tại Nga |
Sau khi tốt nghiệp rồi trở lại Việt Nam công tác tại Bệnh viện Mắt TW, một lần nữa cơ duyên với nước Nga lại tới khi bác sĩ Hoàng Anh được nhận Học bổng tiến sĩ Nhãn khoa toàn phần của Đại học Tổng hợp Quốc gia Y và Nha khoa Mátxcơva mang tên A.I. Evdokimov. Trong vai trò nghiên cứu sinh lần này, bác sĩ Hoàng Anh đã có cơ hội hợp tác với GS.TS Kalinnikov Yuri - một chuyên gia nhãn khoa hàng đầu nước Nga cũng như trên thế giới để cùng thực hiện đề tài “Tối ưu hóa kỹ thuật chuẩn bị và bảo quản mảnh ghép PDEK để giảm tổn thất giác mạc hiến và đơn giản hóa kỹ thuật mổ PDEK cho các bác sĩ nhãn khoa”. Đề tài nghiên cứu này đã trở thành tiền đề cho sự ra đời của hai thiết bị - kỹ thuật mới “Kalinnikov-Dinh” khiến ngành nhãn khoa thế giới ngạc nhiên về tính năng cũng như hiệu quả mà nó mang lại trong việc ghép giác mạc nội mô.
Bác sĩ Hoàng Anh cùng GS.TS Kalinnikov Yuri - người thầy đã cùng chị cho ra đời thiết bị Kalinnikov-Dinh |
Không dừng lại ở đó, cái tên “Kalinnikov-Dinh” đã trở thành dấu mốc biểu tượng cho sự hợp tác thành công giữa hai nền khoa học Việt – Nga, đồng thời là niềm tự hào của người Việt khi góp phần tạo ra một phát minh có giá trị đối với ngành nhãn khoa thế giới. Thành công ấy còn trọn vẹn hơn khi được bảo chứng bởi những những đơn đặt hàng từ rất nhiều bác sĩ quốc tế và đặc biệt là giải thưởng danh giá tại Hội thảo Khoa học Nhãn khoa toàn Liên bang Nga, rồi sau này là được Chính phủ Nga cấp bằng sáng chế.
Những bằng sáng chế liên tục được công nhận, ghi dấu đóng góp của một tiến sĩ người Việt cho nhãn khoa thế giới |
Với những thành tựu to lớn từ khi còn là sinh viên cho đến khi cầm trong tay tấm bằng tiến sĩ nhãn khoa cùng năng lực đã được công nhận, bác sĩ Hoàng Anh có rất nhiều cơ hội để định cư tại Nga và tiếp tục công việc giảng dạy, nghiên cứu. Nhưng sau tất cả, chị lại chọn trở về cống hiến cho quê hương. Bác sĩ Hoàng Anh chia sẻ: “Khi còn là sinh viên tại Nga, trong một lần tìm kiếm số liệu nghiên cứu, tôi giật mình bởi thống kê mỗi năm Việt Nam có tới 300.000 người chờ ghép giác mạc nhưng số ca thực tế được ghép lại chỉ là 300. Từ khoảnh khắc đó, tôi nhận ra rằng mọi nỗ lực nghiên cứu, sáng chế của một người Việt như tôi sẽ ý nghĩa hơn khi được dùng để giúp đỡ chính đồng bào mình. Và thực tâm, tôi rất mong muốn chia sẻ những kiến thức, tư duy mà mình đã được học với các đồng nghiệp tại Việt Nam."
Ở vị trí mới, trọng trách mới, Hoàng Anh vẫn luôn duy trì đam mê nghiên cứu |
Năm 2024, là một năm đặc biệt khi Hoàng Anh chính thức đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa Mắt tại BVĐK Hồng Ngọc – PTM. Ở cương vị mới, nữ tiến sĩ trẻ vẫn không ngừng trau dồi bản thân, duy trì niềm đam mê nghiên cứu để mang tới những đổi mới trong kỹ thuật can thiệp nhãn khoa tại Việt Nam. Minh chứng là Hoàng Anh vừa vinh dự nhận giải thưởng “Nghiên cứu và đổi mới phẫu thuật SmartSight trên bệnh nhân cận loạn cao” - giải thưởng được trao tặng bởi SCHWIND - Tập đoàn công nghệ nhãn khoa hàng đầu nước Đức. Tiến sĩ Hoàng Anh bày tỏ quan điểm: “Được tiếp xúc với nhiều nền nhãn khoa tiên tiến trên thế giới, tôi nhận ra các bác sĩ Việt Nam có tay nghề rất tốt, điều này cũng được cộng đồng nhãn khoa quốc tế công nhận. Chúng ta sở hữu đôi tay khéo léo, tư duy linh hoạt và sáng tạo, nhưng lại thiếu cơ hội để ghi dấu ấn trên bản đồ nhãn khoa thế giới bằng những nghiên cứu y khoa có tầm ảnh hưởng. Chính điều này đã thôi thúc tôi theo đuổi các đề tài nghiên cứu, sáng chế ngay từ khi còn du học ngành nhãn khoa tại Nga. Tôi tin rằng đây là con đường đúng và rất quan trọng để mở ra hướng phát triển toàn diện cho các thế hệ bác sĩ nhãn khoa Việt Nam trong tương lai. Khi ấy, chúng ta hoàn toàn tự tin đứng cùng hàng ngũ với những y bác sĩ tới từ các nền nhãn khoa hàng đầu thế giới”.
Tiến sĩ Hoàng Anh nhận giải “Nghiên cứu và đổi mới phẫu thuật SmartSight trên bệnh nhân cận loạn cao” |
Khát vọng cống hiến cho nền nhãn khoa Việt Nam của bác sĩ Hoàng Anh không chỉ thể hiện qua nỗ lực cải tiến “Kalinnikov-Dinh” để áp dụng rộng rãi tại Việt Nam với chi phí hợp lý và tỷ lệ thành công vượt trội so với nhiều thiết bị tương tự trên thế giới, mà còn được nuôi dưỡng bởi một ước mơ lớn hơn: Xây dựng thành công Ngân hàng giác mạc đầu tiên tại Việt Nam.
Với Bác sĩ Hoàng Anh, việc xây dựng Ngân hàng giác mạc không chỉ là bước đệm quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành nhãn khoa Việt Nam mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội cho hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh lý về mắt tìm lại ánh sáng. Một kho tàng giác mạc dồi dào cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và thí nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng điều trị, mở ra cơ hội nhìn thấy ánh sáng cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý về mắt tại Việt Nam.