Vĩ mô

Chánh án TAND Tối cao: Người đâu để thu thập chứng cứ cho 600.000 vụ án mỗi năm?

Trần Thường 22/11/2023 - 19:52

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, một năm tòa án giải quyết 600.000 vụ án, trong khi chỉ có 6.000 thẩm phán, nên gặp khó khăn trong thu thập chứng cứ.

Chiều 22/11, sau khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi), Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Tại phiên thảo luận, nội dung tòa án có nên thu thập chứng cứ, tài liệu được nhiều Đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận. Có đại biểu không đồng tình vì việc này sẽ gây khó khăn cho người dân, nhất là đương sự yếu thế, trong khi có đại biểu cho rằng, tòa án cần giữ quyền thu thập chứng cứ.

Giải trình nội dung này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, với những quy định mới, việc tranh luận là điều không thể tránh khỏi. Ông mong muốn Quốc hội cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo để có thể giải trình rõ hơn về các nội dung trong dự án luật.

Về việc thu thập chứng cứ của tòa án, dự thảo luật hướng tới bỏ quy định này. Chánh án TAND tối cao cho biết việc này nhằm mục đích đề cao trách nhiệm tự vệ của bên bị kiện và quyền thu thập chứng cứ của bên đi kiện, không phải cứ kiện xong là giao cho tòa án. Các quốc gia không có quy định giao việc này cho tòa án.

202311081317508150-z4856578719094-6571f3974de3bc041afe16307bc05ef7-1.jpg
Chánh án TAND Tối cao nêu: "Một năm chúng tôi giải quyết 600.000 vụ án, giờ chỉ có 6.000 thẩm phán, người đâu thu thập chứng cứ cho 600.000 vụ án.

Chánh án TAND tối cao cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt rất nhiều các vụ kiện quốc tế, nếu như ta không tự thu thập chứng cứ để bảo vệ mình thì tòa án quốc tế sẽ xử thua. Việc này đề cao trách nhiệm tự vệ của bên bị kiện và việc chứng minh quyền thắng kiện, chứng cứ thu thập là của bên đi kiện, "không phải đi kiện xong là giao cho tòa án cứ thế làm".

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, luật hiện hành quy định tòa án có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, nếu tòa thu thập có lợi cho bên nguyên đơn thì bên bị đơn sẽ kiện vì nghiêng về bên nguyên đơn. Ngược lại, nếu thu thập có lợi cho bên bị đơn thì bên nguyên đơn cũng sẽ kiện vì tòa ủng hộ bên bị đơn.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình khẳng định, người dân chờ đợi ở tòa án một phán quyết công tâm, khách quan, công bằng, chứ không phải chờ đợi ở việc thu thập chứng cứ rồi đánh giá không khách quan, xem nhẹ các chứng cứ không do mình thu thập.

Về lo ngại người yếu thế gặp khó, ông Nguyễn Hòa Bình nói, trường hợp đương sự không thể thu thập chứng cứ và có yêu cầu, tòa án sẽ hỗ trợ bằng việc gửi yêu cầu bằng văn bản tới các cơ quan lưu giữ chứng cứ có nghĩa vụ cung cấp cho đương sự. “Ai không chấp hành lệnh này, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành xong, tòa án sẽ xử phạt”, ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Chánh án TAND Tối cao cũng nêu thêm: "Tòa án thực tế có làm được không? một năm chúng tôi giải quyết 600.000 vụ án, bây giờ chỉ có 6.000 thẩm phán, người đâu để đi thu thập chứng cứ cho 600.000 vụ án. Cho nên có trường hợp người ta đưa đơn yêu cầu tòa đi thu thập chứng cứ, nếu thu thập chứng cứ để bảo vệ bị đơn thì nguyên đơn kiện, mà bảo vệ nguyên đơn thì bị đơn kiện, nên đây là vấn đề không khách quan".

Về tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, đề xuất như dự thảo (đổi tên TAND tỉnh và huyện) là để thể chế hóa Nghị quyết số 27 của Trung ương, đúng với bản chất của tòa án, chứ không chỉ đơn thuần là đổi tên.

Một số Đại biểu Quốc hội băn khoăn “tòa án phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm”, ông Bình cho hay, đây chỉ là tên gọi theo nhiệm vụ chính yếu. Ở các nước trên thế giới, có trường hợp tòa tối cao vẫn xử cả án sơ thẩm chứ không chỉ riêng tòa án sơ thẩm.

Dự thảo luật cũng rút ngắn ngạch thẩm phán từ 4 ngạch (sơ cấp, trung cấp, cao cấp và thẩm phán TAND tối cao) còn 2 ngạch (thẩm phán và thẩm phán TAND tối cao). Ngạch thẩm phán sẽ có 9 bậc, từ 1 đến 9. Cho ý kiến về nội dung này, nhiều Đại biểu Quốc hội lo ngại sẽ gây khó khăn trong việc phân hóa chất lượng thẩm phán, chưa kể có thẩm phán sẽ không còn động lực phấn đấu.

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, đề xuất trên xuất phát từ thực tiễn và tâm tư của 6.000 thẩm phán làm việc tại các TAND cấp huyện. Những người này, kể từ khi vào ngành cho đến lúc về hưu vẫn chỉ là thẩm phán sơ cấp.

Ông chia sẻ: “Người ta rất giỏi, có thể làm nhiều việc, nhưng suốt đời vẫn là thẩm phán sơ cấp”. Quy định mới về ngạch, bậc thẩm phán sẽ giúp tạo động lực phấn đầu bằng con đường nghề nghiệp cho đội ngũ chức danh tư pháp này, nhất là ở cơ sở.

Tòa án Pháp xét xử 19 bị cáo liên quan thảm kịch 39 người Việt tử vong trong xe tải đông lạnh

Ông Trump bị phạt tiền vì chống lệnh tòa án ở New York

Đức Long Gia Lai yêu cầu Tòa án thu hồi quyết định mở thủ tục phá sản, DLG dư bán sàn 9 triệu cổ phiếu

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/chanh-an-tand-toi-cao-nguoi-dau-de-thu-thap-chung-cu-cho-600-000-vu-an-moi-nam-2217964.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chánh án TAND Tối cao: Người đâu để thu thập chứng cứ cho 600.000 vụ án mỗi năm?
POWERED BY ONECMS & INTECH