Cháy chung cư mini: Hãy xác định những kịch bản xấu để tự cứu lấy mình
Nỗi đau từ những vụ cháy chung cư mimi, nhà ở "chuồng cọp"... là rất lớn. Nhưng cũng là lời cảnh tỉnh trong điều kiện nơi ở còn nhiều bất cập.
Nỗi đau xé lòng và sự hối hận của những người ở lại
Ngôi nhà như chuồng cọp cao chỉ 9 tầng nhưng được thiết kế đến 40 phòng. Ảnh: Tiền Phong.
“Khoảng 23h20 ngày 12/9, ngọn lửa xuất phát từ khu để xe máy tầng một, sau đó lan lên 10 tầng chung cư mini trong ngõ 29, phố Khương Hạ, phường Khương Đình. Lửa bốc rất mạnh, tràn ra ngoài ô thoáng và lan sang nhà kế bên. Cột khói đen bốc cao ngùn ngụt, đứng cách xa cả cây số vẫn nhìn thấy…”.
Đó là những gì mà báo chí miêu tả về vụ cháy vừa xảy ra mới đây tại một chung cư mini ở Hà Nội. Chung cư mini này rộng khoảng 200m2, được xây kiểu ống với một mặt tiền cũng là lối thoát hiểm, ba mặt giáp nhà dân, chia làm 45 phòng trọ với khoảng 150 người dân sinh sống. Thời điểm cháy, cư dân đã và đang chuẩn bị đi ngủ.
Theo thông tin mới nhất từ Báo Điện tử Dân trí, Công an TP Hà Nội thông báo, hậu quả vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng khiến 56 người tử vong.
Sự mất mát và con số quá đau thương ấy khiến chúng ta nhớ lại hàng loạt những vụ việc xảy ra trước đó, cũng với bối cảnh tương tự – những căn nhà thiết kế dạng ống, diện tích chật hẹp, lực lượng cứu hộ khó tiếp cận khi xảy ra hỏa hoạn.
Đó là vụ cháy xảy ra sáng 8/7/2023, ngôi nhà ống 5 tầng một tum trong ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa, bốc cháy làm ba người chết. Ngày 13/5/2022, ngôi nhà ba tầng một tum trên phố Thành Công, quận Hà Đông cháy làm bốn bà cháu tử vong. Và xa hơn là vụ cháy tại TP.HCM xảy ra lúc 1h30 sáng ngày 23/3/2018, khi ngọn lửa bất ngờ bùng phát từ tầng hầm giữ xe tại Block A chung cư Carina Plaza, đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP.HCM, khiến 13 người tử vong.
Việc các chung cư, các tòa nhà được yêu cầu phải đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) và được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng nhằm tránh những trường hợp hỏa hoạn như trên xảy ra. Nhưng đối với nhà dân thiết kế dạng ống, nhiều tầng, thì do sự chủ quan, việc PCCC thường bị bỏ ngỏ, hay có những dự án chung cư mini, những sản phẩm cải biên đi, thì bằng cách nào đó đã thoát khỏi những quy trình kiểm tra ngặt nghèo ấy.
Cuộc sống mưu sinh với những lo toan cơm áo gạo tiền, mong muốn có một tương lai tốt đẹp hơn đã khiến số đông những người dân tỉnh ngoài di cư đến Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn để an cư lạc nghiệp. Điều đó kéo theo nhu cầu mạnh mẽ về nơi ở. Nhưng cũng vì vậy mà nhiều người phải chấp nhận một điều kiện sống không đảm bảo an toàn, và cũng vì vậy mà phát sinh ra những mô hình căn hộ chung cư mini, những chuồng cọp cơi nới để phần nào giải tỏa mong cầu về một không gian sống rộng rãi hơn.
Những tai nạn, những vụ hỏa hoạn là điều mà không ai muốn, kể cả người dân hay chủ nhân của những tòa chung cư kia. Nhưng thiết nghĩ, chúng ta cần đảm bảo an toàn, đảm bảo tuân thủ những quy định của nhà nước trong xây dựng, thi công trước khi nghĩ đến việc thu lợi nhuận. Bởi, hệ quả về tính mạng con người nếu không may xảy ra cháy nổ còn cao gấp nhiều lần so với chi phí mà chủ đầu tư cần bỏ ra ban đầu khi đảm bảo tiêu chuẩn PCCC một cách đúng quy định.
Để không còn những giá như, giá mà, để không còn những nỗi ám ảnh đến day dứt – của những người liên đới, của chủ đầu tư sau những vụ việc đau lòng như tại chung cư mini Thanh Xuân mới xảy ra vừa đây thôi!
Tư duy ngược: Xác định những kịch bản xấu để tự cứu mình
Thực trạng đáng buồn là chung cư mini không áp dụng theo quy chuẩn xây dựng nào; từ quy chuẩn xây dựng đến hệ thống phòng cháy chữa cháy là vấn đề nguy cấp nhất. Việc nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy ở những chung cư nhỏ này gặp vô vàn khó khăn về pháp lý, về yếu tố con người và vô vàn yếu tố khác. Dẫn đến việc người ta cứ sống, cứ sinh hoạt trong nhưng không gian nhỏ hẹp kém đảm bảo ấy.
Chờ đợi một quá trình pháp lý chặt chẽ cho công tác phòng cháy chữa cháy có lẽ không thể thực thi được ngay ngày mai. Lúc này, người dân hãy nằm lòng những kịch bản xấu nhất để tự cứu mình và gia đình mình.
Một chi tiết đáng để chú ý tại vụ cháy mới đây là có 2 hộ dân đã “chuẩn bị” sẵn cho mình những tình huống xấu, để khi không may xảy ra thì họ có thể nhanh chóng xử lý vấn đề. Đó là một hộ gia đình đã thoát nạn khi người chồng lấy búa đập khung sắt lan can, sau đó dùng thang bắc sang nhà bên cạnh để thoát thân. Và một gia đình khác đã sử dụng thang dây để đu từ tầng 3 xuống dưới đất.
Tức là họ đã có sự chuẩn bị, đặt ra những tình huống xấu có thể xảy ra để phản ứng kịp thời.
Nhìn từ vụ việc cháy mới đây, và từ những vụ việc đầy thương tâm trước đó, thì một điều cần nhận thấy rằng tư duy ngược, xác định những kịch bản xấu có thể xảy ra trong một bối cảnh nào đó, để có sự chuẩn bị cả về tâm lý và yếu tố vật lý thì cơ may cứu được cho mình và cứu giúp được người thân, những người xung quanh mình hoàn toàn có thể.
Theo đó, với những gia đình sống ở chung cư mini, chung cư thông thường và cả nhà đất, mỗi người nên và cần chủ động hơn trong việc PCCC. Nói chẳng phải "gở mồm" nhưng hãy luôn đặt ra câu hỏi, đặt ra những tình huống xấu nhất, kịch bản xấu nhất có thể ập đến bất ngờ "Nếu hoả hoạn xảy ra, gia đình sẽ thoát ra bằng cách nào? Cần cái gì để phá cửa, phá lồng sắt ban công (nếu có) và đi ra ngoài bằng gì? Làm thế nào để thoát ra khỏi đám cháy với nhiều khói lửa? Làm thế nào để không hít phải khói khi có cháy?...
Đây được gọi là kỹ năng mềm, điều mà nhiều người Việt chưa được nắm vững bởi không được thực hành nhiều trong trường học hay môi trường làm việc. Trong khi đó, hệ thống đào tạo tại các quốc gia châu Mỹ, châu Âu, đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng thoát nạn hay kỹ năng sinh tồn là điều không thể thiếu.
Để phản ứng kịp thời trong tình huống xấu trở thành một phản ứng tự nhiên thì sẽ cần nhiều hơn sự tự chuẩn bị, rèn luyện và tư duy ngược của mỗi người, để chúng ta có thể sẵn sàng ứng biến với những điều kém may mắn, để mỗi chúng ta đều bình an dù có điều gì xảy đến.
Nguyên nhân sâu xa vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong ở Thanh Xuân
Truy tố 7 người trong vụ cháy chung cư mini làm chết 56 người ở Hà Nội