Nhiều dự án tại sân bay Long Thành đồng loạt khởi công, phấn đấu về đích trước thời hạn
Hàng loạt các hạng mục thuộc dự án có tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ tại sân bay lớn nhất Việt Nam đã được đồng loạt khởi công xây dựng.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ của Dự án Thành phần 4, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2025, đảm bảo sự đồng bộ với toàn bộ Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, nhiều dự án thành phần đã đồng loạt được khởi công xây dựng.
Theo báo Đồng Nai, giữa tháng 6, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã cùng các đơn vị thành viên đã chính thức khởi công hai dự án hạ tầng quy mô lớn tại sân bay Long Thành: Nhà máy cung cấp suất ăn hàng không số 1 và Tổ hợp bảo dưỡng tàu bay số 1.
Theo ông Lê Đức Cảnh - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, tổng mức đầu tư của hai dự án này xấp xỉ 1.800 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Suất ăn hàng không Việt Nam (VACS) và Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) - những đơn vị thành viên chủ lực của Vietnam Airlines đảm trách.
Hai dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần hình thành hệ sinh thái khai thác đồng bộ, hiện đại và đạt chuẩn quốc tế tại cảng hàng không trung chuyển chiến lược của Việt Nam trong tương lai.
>> Chuyển động mới nhất về Khu thương mại tự do 16 tỷ USD gần sân bay lớn nhất Việt Nam

Ông Hoàng Xuân Hiệp - Tổng Giám đốc VACS, cho biết nhà máy cung cấp suất ăn hàng không số 1 được xây dựng trên diện tích hơn 30.600m2, với vốn đầu tư khoảng 687 tỷ đồng. Giai đoạn đầu, công suất thiết kế đạt 20.000 suất ăn/ngày, có thể mở rộng lên đến 40.000 suất/ngày theo tiến độ phát triển của Sân bay Long Thành.
Dây chuyền chế biến và bảo quản thực phẩm được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các hãng hàng không 5 sao, đồng thời tích hợp các hệ thống quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm đạt chuẩn ISO 45001:2018, ISO 22000:2018, ISO 9001:2015.
"Đặc biệt, VACS còn đầu tư khu bếp HALAL khép kín, tách biệt, với diện tích khoảng 1.672m2, đáp ứng nhu cầu của các hãng bay phục vụ khách hàng theo chuẩn HALAL, bên cạnh việc phục vụ Vietnam Airlines", ông Hiệp chia sẻ.

Trong khi đó, Dự án Tổ hợp bảo dưỡng tàu bay số 1 do VAECO thực hiện bao gồm một nhà chứa máy bay có khả năng tiếp nhận đồng thời 2 tàu bay thân rộng (Code E) và 2 tàu bay thân hẹp (Code C), cùng các xưởng thiết bị, khu kỹ thuật, kho vật tư và hệ thống phụ trợ. Công suất bảo dưỡng thiết kế đạt tối thiểu 250.000 Mhrs/năm, dự kiến đáp ứng khoảng 120–150 lượt bảo dưỡng/năm cho các dòng máy bay Airbus A320, A321, A350, Boeing 787…
"Nơi đây sẽ trở thành một trong những trung tâm kỹ thuật hàng không hiện đại nhất Việt Nam, cung cấp cả dịch vụ bảo dưỡng ngoại trường (line maintenance) lẫn nội trường (base maintenance)", ông Trần Quốc Hoài -Tổng giám đốc VAECO nhận định.
Trước đó, hai dự án khác thuộc Thành phần 4 của Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã được khởi công. Ngày 25/5, Công ty TNHH Phục vụ mặt đất Sài Gòn - Long Thành khởi công dự án xây dựng, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị hàng không và dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất số 2.
Trước đó nữa, vào tháng 4, Công ty CP Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam (VINACS) cũng động thổ dự án cung cấp suất ăn hàng không số 2 tại sân bay này.
Theo Bộ Xây dựng, ngoài 4 dự án đã khởi công và động thổ, các dự án khu bảo trì tàu bay (hangar) số 1 và số 4 cũng đang được triển khai thủ tục đầu tư.
Dự án Thành phần 4 có tổng mức đầu tư 6.366 tỷ đồng, bao gồm nhiều hạng mục công trình, được triển khai dưới dạng các dự án độc lập.
Danh mục 11 dự án thuộc Dự án Thành phần 4 cụ thể gồm:
Dự án xây dựng và khai thác khu bảo trì phương tiện phục vụ mặt đất và xử lý vệ sinh tàu bay số 1 và số 2.
Dự án xây dựng khu cung cấp suất ăn trên tàu bay số 1 và số 2.
Dự án xây dựng trung tâm điều hành của các hãng hàng không số 1, số 2 và số 3.
Dự án xây dựng khu bảo trì tàu bay số 1, số 2, số 3 và số 4.
Dự án Thành phần 4 của Sân bay Long Thành giai đoạn 1 bao gồm tổng cộng 17 hạng mục công trình, tương ứng với 17 dự án đầu tư xây dựng.
Trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi do tư vấn quốc tế lập và kiến nghị từ Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Xây dựng đã phê duyệt danh mục 8 dự án ưu tiên triển khai trước nhằm đảm bảo tiến độ khai thác của sân bay giai đoạn đầu.
Trong số các dự án ưu tiên này, ngoài 6 dự án đang được triển khai, Bộ Xây dựng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công đối với 2 dự án hangar số 2 và số 3.
Đối với 2 dự án hangar số 5 và số 6, sau khi Bộ Xây dựng ban hành văn bản hủy thầu lựa chọn nhà đầu tư, Cục Hàng không Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cần thiết theo quy định pháp luật để tổ chức lại đấu thầu.
Đối với các công trình ga hàng hóa số 2, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, kho giao nhận hàng hóa số 1 và các kho từ số 5 đến 8, sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo về chủ trương lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định hiện hành.

Tại lễ khởi công hai dự án cung cấp suất ăn hàng không số 1 và xây dựng, kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay số 1 vào giữa tháng 6, ông Uông Việt Dũng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết: trước đây, quá trình triển khai các hạng mục thuộc Dự án Thành phần 4 gặp không ít khó khăn.
Tuy nhiên, đến nay tiến độ đã được đồng bộ, các hạng mục đang được thi công đồng loạt với tốc độ tăng cường, quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch.
Ông Uông Việt Dũng cũng đề nghị các đơn vị thi công tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, đồng thời chú trọng đảm bảo chất lượng công trình. Chủ đầu tư các hạng mục cần lập đường gantt chi tiết, chủ động điều chỉnh kế hoạch thi công trong mùa mưa để đáp ứng tiến độ cam kết với Chính phủ. Đặc biệt, cần đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động và tính thẩm mỹ của dự án.
Trong một diễn biến khác trên báo VnExpress, không ít người dân đang bày tỏ lo ngại về phương án kết nối từ sân bay Long Thành đến trung tâm của TP. HCM.
Theo đó, hiện nay tuyến đường kết nối duy nhất từ sân bay Long Thành đến trung tâm TP là tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuy nhiên, tuyến đường này thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, kẹt xe.
Trong khi đó, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn thi công ỳ ạch, những dự án khác chậm hoặc chưa thực hiện, chưa đẩy mạnh.
Theo The Leader, để có thể giải quyết phương án tuyến kết nối sân bay Long Thành đến trung tâm TP, các chuyên gia đề xuất các giải pháp như:
Thứ nhất, hoàn thiện các trục giao thông động lực. Các tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành cùng Vành đai 3 và 4 đóng vai trò "xương sống" kết nối sân bay Long Thành với TP. HCM và các vùng phụ cận.
Đây không chỉ là những dự án hạ tầng giao thông thuần túy, mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tuyến đường này là nhiệm vụ cấp thiết.
Thứ hai, phát triển vận tải đa phương thức: PGS.TS Trần Quang Phú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM đã chỉ ra kinh nghiệm quốc tế từ Sân bay Incheon – Seoul (Hàn Quốc), nơi hành khách được phục vụ bởi mạng lưới giao thông tích hợp gồm: Cao tốc riêng dài 36km, tuyến metro nối thẳng đến trung tâm Seoul, tàu cao tốc Airport Express, xe buýt nhanh BRT phân tuyến bằng màu sắc, được điều phối bằng hệ thống ITS thông minh và thanh toán đồng bộ qua thẻ T-money. Nhờ đó, khả năng kết nối vùng được tối ưu, giúp sân bay thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế đô thị.
Thứ ba, xây dựng mô hình đô thị sân bay thế hệ mới. Các chuyên gia nhận định, sân bay Long Thành không chỉ là điểm đón - trả khách mà cần được phát triển thành một cực tăng trưởng, một đô thị hậu cần và dịch vụ.
Tỉnh Đồng Nai cũ (nay là TP. HCM) đã quy hoạch hơn 8.000ha xung quanh sân bay, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 16 tỷ USD, nhằm xây dựng tổ hợp công nghiệp - logistics - thương mại - dân cư.
Tuy nhiên, nếu thiếu tầm nhìn quy hoạch liên tỉnh, khu vực này có nguy cơ lặp lại những bất cập từng xảy ra tại Tân Sơn Nhất: Kẹt xe, quá tải và đô thị hóa thiếu kiểm soát.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
Với tiến độ triển khai thi công "thần tốc" trên tinh thần "vượt nắng thắng mưa, không thua bão gió", sân bay Long Thành giai đoạn 1 hiện đang được triển khai các thủ tục để đưa vào khai thác.
>> Trục 'xương sống' 17.000 tỷ kết nối Hồ Tràm với sân bay lớn nhất Việt Nam có chuyển động mới
Sau sáp nhập, BĐS quanh khu vực sân bay Long Thành chờ ngày bứt phá
THACO đề xuất làm tuyến Metro số 2 và đường sắt nối tới sân bay Long Thành, TP. HCM nói gì?