Vĩ mô

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/8

baochinhphu.vn 26/08/2023 11:12

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/8.

bcp.cdnchinhphu.vn-334894974524682240-2023-8-26-_vay1-1693014727395456385466(1).jpg

Công điện về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen"

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen".

Công điện nêu: Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen"... Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận người dân vì nhiều lý do khác nhau có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản; công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của "tín dụng đen" còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực còn có sơ hở, thiếu sót để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động... Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2019; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2023 và Công văn số 1201/VPCP-NC ngày 14 tháng 4 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

a) Tập trung nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử không để các đối tượng móc nối hoạt động "tín dụng đen", kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản "ảo" để hoạt động "tín dụng đen".

b) Chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm hoạt động "tín dụng đen".

3. Bộ Thông tin và Truyền thông

a) Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh… quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các thuê bao Internet, thuê bao di động, loại bỏ ngay các SIM "rác" không để các đối tượng lợi dụng hoạt động "tín dụng đen".

b) Tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vay tài sản, thu hồi nợ, hậu quả của "tín dụng đen" và kết quả đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng để nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân; kịp thời phát hiện, phản ánh, kiến nghị với các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

4. Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hành vi liên quan đến "tín dụng đen" để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và các vấn đề phát sinh.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Tập trung chỉ đạo, ban hành, kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người lao động; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan và chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phương thức, thủ đoạn, hậu quả của "tín dụng đen"; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại cơ sở.

b) Thường xuyên nắm chắc tình hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, cơ sở kinh doanh có điều kiện, kịp thời phát hiện các hoạt động "tín dụng đen", xử lý nghiêm nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng xã, phường, thị trấn không có hoạt động "tín dụng đen".

6. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

a) Chủ động nắm chắc tình hình hoạt động "tín dụng đen" liên quan đến công nhân, người lao động, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức, thủ đoạn và hậu quả của "tín dụng đen" để công nhân, người lao động nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác; lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn, hỗ trợ công nhân, người lao động tiếp cận các nguồn vay vốn an toàn, ưu đãi.

b) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự; ngăn ngừa, giám sát, kịp thời phản ánh, kiến nghị với cơ quan chức năng các hoạt động "tín dụng đen" có liên quan đến công nhân, người lao động để xử lý theo quy định pháp luật.

7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức quán triệt, kịp thời hướng dẫn và thực hiện nghiêm túc Công điện này.

8. Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 24/8/2023 phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm đóng góp trực tiếp vào mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn, các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng địa phương, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ môi trường, qua đó thực hiện được các cam kết của Tuyên bố Glasgow.

Quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, từng bước hạn chế tình trạng suy thoái rừng và suy thoái đất.

Đến năm 2030, cơ bản đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa, bảo đảm hài hòa phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính do quốc gia tự quyết định (NDC).

Đồng thời, phấn đấu diện tích rừng tự nhiên nghèo được phục hồi và nâng cấp chất lượng đạt 10% vào năm 2025, đạt 20% vào năm 2030, góp phần giảm tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên nghèo, tăng tỷ lệ diện tích rừng tự nhiên trung bình và giàu; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ; nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và tính bền vững của rừng trồng và cây trồng nông nghiệp; diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 0,5 triệu ha vào năm 2025, đạt 1,0 triệu ha vào năm 2030.

Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm nghiệp bền vững không gây mất rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa; nâng cao tính chống chịu, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng đa mục đích, phát thải thấp, kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh.

Không làm mất rừng và suy thoái đất

Để đạt được mục tiêu trên, Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Bảo tồn và đẩy nhanh quá trình phục hồi rừng, các hệ sinh thái trên cạn; xây dựng và hoàn thiện chính sách thương mại trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu dùng hàng hóa bền vững để đạt được lợi ích chung, không làm mất rừng và suy thoái đất.

Đồng thời, thực hiện giải pháp giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của rừng và đất; tăng cường khả năng phục hồi và cải thiện sinh kế nông thôn thông qua trao quyền cho cộng đồng, củng cố hệ thống quản lý đất, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị đa mục đích của rừng; đồng thời đảm bảo các quyền của người dân và các cộng đồng địa phương theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng bên vững, bảo đảm an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.

Tăng cường khả năng tiếp cận, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế, hợp tác công tư để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và quản lý rừng bền vững, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương và đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, lồng ghép các nguồn tài chính nhằm hạn chế tình trạng mất rừng và suy thoái rừng, có các cơ chế, chính sách hiệu lực, hiệu quả để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế có khả năng phục hồi và đạt được các mục tiêu quốc tế về quản lý rừng, sử dụng đất bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 995/QĐ-TTg ngày 25/8/2022 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Sóc Trăng bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Sóc Trăng và không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Phấn đấu đến 2030, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long

Phấn đấu đến năm 2030, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 124 triệu đồng.

Tỉ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thuỷ sản đạt khoảng 27%; công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 35%; dịch vụ đạt khoảng 30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 8%.

Giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 2 - 3%/năm; trong đó, giảm tỉ lệ hộ Khmer nghèo 3 - 4%/năm.

Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững, hiện đại

Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn trong không gian phát triển mới; cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trong đó, về phương hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, với ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững, hiện đại gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đáp ứng các yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Hình thành vùng chuyên canh các mặt hàng chủ lực, thế mạnh của tỉnh với quy mô thích hợp.

Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản; cải tiến, phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản thích ứng với biến đổi khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường. Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gắn với công nghiệp chế biến và năng lượng; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP; xây dựng, định vị thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh; phát triển đa dạng các thị trường tiêu thụ; kết hợp du lịch.

Xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó chú trọng nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, cây ăn trái, lúa đặc sản, chăn nuôi bò.

Phát triển công nghiệp theo hướng xanh, có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị gia tăng lớn. Trong đó:

Phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành một trụ cột chính trong nền kinh tế. Đa dạng hóa các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ.

Phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường và các ngành công nghiệp gắn với kinh tế biển.

Tổ chức 04 vùng kinh tế - xã hội

Theo Quy hoạch, tổ chức 04 vùng kinh tế - xã hội gồm:

Vùng ven biển: Là vùng gồm toàn bộ diện tích đất liền của thành phố Sóc Trăng với đất liền và phần không gian biển của thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề. Đây là vùng động lực, trung tâm phát triển, lan tỏa; phát triển kinh tế vùng ven biển theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: đô thị - công nghiệp - thương mại, dịch vụ hậu cần logistics - du lịch - nông nghiệp, thủy sản gắn với kinh tế biển, cảng biển.

Vùng ven sông Hậu: Là vùng gồm toàn bộ diện tích của huyện Châu Thành, huyện Kế Sách và huyện Long Phú. Phát triển kinh tế vùng ven sông Hậu theo hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp, đô thị và dịch vụ.

Vùng nội địa: Là vùng gồm toàn bộ diện tích của thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Tú và huyện Mỹ Xuyên. Phát triển kinh tế vùng nội địa theo hướng khai thác các điều kiện thuận lợi sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp, đô thị và dịch vụ (nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến).

Vùng Cù lao Dung: Là vùng chỉ gồm huyện Cù Lao Dung; định hướng phát triển chủ yếu về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp. Đây là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 25/8/2023 ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng.

Theo Quyết định, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng gồm:

1- Viện Khoa học công nghệ xây dựng.

2- Viện Vật liệu xây dựng.

3- Viện Kinh tế xây dựng.

4- Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia.

5- Viện Kiến trúc quốc gia.

6- Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

7- Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.

8- Trường Đại học Xây dựng miền Trung.

9- Trường Đại học Xây dựng miền Tây.

10- Nhà xuất bản Xây dựng.

11- Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành - Bộ Xây dựng.

Tổ chức lại một số đơn vị sự nghiệp công lập

Bên cạnh đó, Quyết định cũng tổ chức lại một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng như sau:

1- Chuyển nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng sau đây về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý:

a) Trường Cao đẳng Xây dựng số 1;

b) Trường Cao đẳng Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh;

c) Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị;

d) Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định;

đ) Trường Cao đẳng nghề Việt - Xô số 1;

e) Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2;

g) Trường Cao đẳng Cơ giới Xây dựng;

h) Trường Cao đẳng nghề Xây dựng;

i) Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Nghiệp vụ Hà Nội;

k) Trường Trung cấp nghề Cơ khí xây dựng.

2- Chuyển nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng sau đây về địa phương (nơi có trụ sở của các đơn vị sự nghiệp công lập) quản lý:

a) Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Hải Phòng chuyển về Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng quản lý;

b) Trường Cao đẳng nghề Lilama I chuyển về Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình quản lý;

c) Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Vinh chuyển về Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An quản lý;

d) Trường Cao đẳng nghề Sông Đà chuyển về Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình quản lý;

đ) Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Sông Hồng chuyển về Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ quản lý;

e) Bệnh viện Xây dựng Việt Trì chuyển về Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ quản lý;

g) Trung tâm Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp Đồ Sơn chuyển về Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng quản lý;

h) Trung tâm Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Sầm Sơn chuyển về Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa quản lý;

i) Trung tâm Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Cửa Lò chuyển về Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An quản lý;

k) Trung tâm Điều dưỡng - Phục hồi chức năng ngành Xây dựng phía Nam chuyển về Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý.

Đồng thời, sáp nhập Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam vào Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia.

Quyết định nêu rõ, các đơn vị sự nghiệp công lập tại 1, 2 và Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc sáp nhập, chuyển giao, tiếp nhận.

Quyết định yêu cầu hoàn thành việc sáp nhập, chuyển giao, tiếp nhận các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng trước ngày 30/6/2024.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi có trụ sở của các đơn vị sự nghiệp công lập) và các cơ quan có liên quan thực hiện việc chuyển giao nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương để quản lý theo quy định pháp luật.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi có trụ sở của các đơn vị sự nghiệp công lập) và các cơ quan có liên quan thực hiện việc điều chuyển tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập được chuyển giao theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi có trụ sở của các đơn vị sự nghiệp công lập) và các cơ quan có liên quan thực hiện việc điều chuyển biên chế viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập được chuyển giao theo quy định pháp luật.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nơi có trụ sở của các đơn vị sự nghiệp công lập) tiếp nhận nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng được chuyển giao về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương để quản lý theo quy định; phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính thực hiện việc điều chuyển biên chế viên chức, bàn giao tài chính, tài sản, trụ sở của các đơn vị sự nghiệp công lập được chuyển giao quản lý theo quy định và rà soát, sắp xếp lại, bố trí sử dụng nhà, đất và các tài sản khác theo tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định của pháp luật.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/8/2023 và thay thế Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 2/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và công tác tu bổ định kỳ Công trình Lăng năm 2023

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 351/TB-VPCP Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và công tác tu bổ định kỳ Công trình Lăng năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận: Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất, Người tượng trưng cho tinh hoa dân tộc, cho những giá trị cao đẹp nhất của văn hóa, tâm hồn, ý chí, bản lĩnh vững vàng và nhân cách con người Việt Nam; là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta; là hình ảnh thiêng liêng, biểu tượng đặc sắc, nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam; nơi hội tụ tình cảm và niềm tin của đồng bào và chiến sĩ cả nước, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho mỗi người dân Việt Nam. Các đoàn đại biểu quốc tế đến Việt Nam đều có nguyện vọng được thăm viếng Người.

Duy tu, bảo dưỡng tốt các công trình kiến trúc

Sau 06 tháng đầu năm 2023 và 02 tháng tích cực thực hiện tu bổ định kỳ Công trình Lăng, Ban Quản lý Lăng đã phát huy tinh thần chủ động, khắc phục khó khăn thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ quan trọng như:

- Phối hợp hiệu quả với các đơn vị trong nước và quốc tế, không ngừng nâng cao trình độ, kỹ thuật, tính tự chủ trong nhiệm vụ y tế, y sinh an toàn và bảo đảm thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất.

- Quản lý, vận hành an toàn hệ thống thiết bị; duy tu, bảo dưỡng tốt các công trình kiến trúc; Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Khu di tích K9, góp phần tạo không gian trang nghiêm, sạch đẹp phục vụ người dân và du khách.

- Tổ chức tốt, trang nghiêm lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn Nguyên thủ quốc gia, đoàn lãnh đạo cấp cao các nước. Đáng chú ý, từ 15/8/2022 đến 05/8/2023, Ban Quản lý Lăng đã tổ chức đón tiếp, phục vụ chu đáo hơn 2,4 triệu lượt đồng bào, khách quốc tế đến viếng Bác và tham quan khu vực Lăng.

- Quan tâm xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng; nội bộ đoàn kết, thống nhất cao; chăm lo giáo dục, rèn luyện tinh thần tự giác cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, công chức, người lao động sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

- Đẩy mạnh đối ngoại và hợp tác quốc tế; giữ vững mối quan hệ hợp tác với Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga và tiếp tục tích cực triển khai các nội dung nghiên cứu, hợp tác để từng bước làm chủ vững chắc nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Tổ chức thực hiện nghiêm kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc năm 2021; trong đó, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt về nhân lực, vật tư, phương án phối hợp, triển khai bảo đảm chất lượng, an toàn tuyệt đối và đúng tiến độ nhiệm vụ tu bổ định kỳ Công trình Lăng; thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước và tổng kết thi hành pháp luật về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ về y tế, y sinh và hợp tác khoa học với Liên bang Nga; hoàn thành công trình Cải tạo, nâng cấp Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ...

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ, người lao động Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị, cá nhân được phân công trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình.

Bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Với tinh thần "Quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa; nỗ lực rồi thì nỗ lực nhiều hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, thực hiện tốt rồi thì phải thực hiện hiệu quả hơn nữa", Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, Ban Quản lý Lăng tập trung thực hiện tốt một số nội dung với các nhiệm vụ vừa có ý nghĩa trước mắt, cấp bách, vừa mang ý nghĩa căn cơ, lâu dài; cụ thể:

- Tiếp tục tham mưu báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ Công trình Lăng và các công trình liên quan; đặc biệt là nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng tầm nhận thức sâu sắc hơn, tổng thể hơn, toàn diện hơn về giá trị, ý nghĩa Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tổng thể Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế đất nước hiện nay.

- Làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, chiến sĩ và người lao động của các đơn vị yên tâm công tác, tuyệt đối trung thành, gắn bó và thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt với tất cả trái tim, bản lĩnh, trí tuệ của mình; thực sự là những tấm gương tiêu biểu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Tổ chức không gian và các hoạt động trong khu vực thiêng liêng, đặc biệt là Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngang với tầm vóc, ý nghĩa lịch sử. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý tốt các tình huống có thể xảy ra với phương châm phát hiện từ sớm, giải quyết từ xa.

- Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn các kết luận, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khó khăn nhưng vô cùng vinh dự, thiêng liêng, cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Hoàn thiện hơn nữa mô hình quản lý khu di tích lịch sử đặc biệt quan trọng này, để Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi trường tồn cùng dân tộc, là nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, luôn là địa chỉ thiêng liêng, tin cậy với những giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa để giáo dục, hun đúc truyền thống cách mạng cho mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Rà soát quy hoạch tổng thể Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp khẩn trương thống nhất để xác định rõ loại hình văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2600/VPCP-PL ngày 27/7/2023, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát quy hoạch tổng thể Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình, làm rõ những tồn tại, hạn chế để đề xuất định hướng phát triển trong giai đoạn mới bảo đảm phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Công trình Lăng và các di tích liên quan.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với Ban Quản lý Lăng và các đơn vị trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình trong việc giữ gìn cảnh quan, môi trường, vườn hoa, cây cảnh khang trang, sạch đẹp, tiếp tục nghiên cứu để nâng tầm, phát huy giá trị đặc biệt của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp Ban Quản Lý Lăng, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, đề xuất mô hình quản lý, tổ chức bộ máy hoạt động và cơ chế phối hợp giữa Ban Quản lý Lăng với các cơ quan liên quan trong Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình bảo đảm hiệu quả hơn nữa.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Lăng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, tổ chức tiếp đón, phục vụ người dân và các đoàn khách quốc tế vừa bảo đảm chặt chẽ, tuyệt đối an ninh, an toàn, vừa gần gũi, thân thiện, thuận tiện.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành dứt điểm việc giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư cho người dân trong khu nhà phía Nam thảm cỏ Quảng trường Ba Đình trong năm 2023; không được chậm trễ kéo dài sang năm 2024.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Chỉ thị về việc đẩy mạnh tự chủ đại học ở Việt Nam

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 352/TB-VPCP ngày 25/8/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Chỉ thị về việc đẩy mạnh tự chủ đại học ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện Đề án tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học, trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2023; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh tự chủ đại học ở Việt Nam vào thời điểm phù hợp sau khi Đề án này được ban hành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp, khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để có hiệu lực thi hành trước thời điểm bắt đầu năm học mới 2023 - 2024./.

Tăng cường giám sát công tác phòng chống ‘tín dụng đen’ và lừa đảo công nghệ cao

Vỡ nợ tín dụng đen: Hàng trăm tỷ đồng của người dân 'bốc hơi' và những bi kịch đằng sau

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-25-8-10223082609010607.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 25/8
    POWERED BY ONECMS & INTECH