Chỉ kém Hoa Sen trong cuộc đua giành thị phần tôn mạ, Tôn Đông Á ôm 'núi tiền' gần 3.500 tỷ đồng chuẩn bị cho kế hoạch mới
Tôn Đông Á sẽ khởi công nhà máy thép lá mạ mới tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Công ty hiện đang chiếm 15% thị phần tôn mạ nội địa, chỉ đứng sau Hoa Sen. Chiến lược đầu tư cuốn chiếu giúp giảm thiểu rủi ro tài chính.
Tôn Đông Á (UPCoM: GDA) có kế hoạch xây dựng nhà máy thép lá mạ mới tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024. Dự kiến, công suất thiết kế đạt 1,2 triệu tấn/năm, chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 sản xuất 350 nghìn tấn/năm (dự kiến đi vào hoạt động năm 2026); giai đoạn 2 sản xuất 200 nghìn tấn/năm (dự kiến hoạt động năm 2027); giai đoạn 3 sản xuất 650 nghìn tấn/năm (dự kiến hoạt động năm 2029).
Hiện tại, Tôn Đông Á có 2 nhà máy tại Khu công nghiệp Sóng Thần I và Đồng An II ở Bình Dương. Công ty chiếm 15% thị phần tiêu thụ tôn mạ nội địa, xếp thứ hai sau Hoa Sen (26%) và vượt qua các đối thủ lớn khác như Nam Kim (10%) và Hòa Phát (8%).
Khi hoàn thành, nhà máy mới sẽ nâng tổng công suất toàn hệ thống của Tôn Đông Á lên 2 triệu tấn/năm. Sản phẩm thép lá mạ sẽ phục vụ đa dạng các lĩnh vực như xây dựng, thiết bị gia dụng và ô tô, giúp giảm phụ thuộc vào tính chu kỳ của ngành bất động sản và xây dựng. Tôn Đông Á cho biết sản phẩm sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, phục vụ cả thị trường nội địa và xuất khẩu, với các thị trường tiềm năng là Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á.
Ảnh minh họa |
Tôn Đông Á có chiến lược đầu tư cuốn chiếu để gia tăng công suất, nhằm giảm thiểu rủi ro từ việc đầu tư quá lớn trong ngắn hạn khi công ty đang hoạt động hết công suất.
Trước khi khởi công, báo cáo tài chính quý III/2024 cho thấy, đến ngày 30/9, doanh nghiệp nắm giữ 779 tỷ đồng tiền mặt và 2.664 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn, đến từ tiền gửi và trái phiếu. Tổng cộng, Tôn Đông Á ôm "núi tiền" lên đến 3.443 tỷ đồng, chiếm 28% tổng tài sản (12.096 tỷ đồng). Công ty cũng phân bổ 3.312 tỷ đồng vào hàng tồn kho, phần còn lại là các tài sản khác.
Về nguồn vốn, nợ phải trả là 8.188 tỷ đồng, gấp đôi vốn chủ sở hữu (3.908 tỷ đồng), trong đó phần lớn là nợ vay với tổng giá trị 6.271 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, Tôn Đông Á đạt doanh thu thuần 15.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 320 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 85% và 107% kế hoạch năm.
Tôn Đông Á giành "miếng bánh" thị phần từ các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc
Sau khoảng thời gian gần 6 tháng điều tra, vào ngày 24/10/2024, Bộ Công Thương đã chính thức ra quyết định áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc từ 2,56 – 34,27%. Hiện nay, tiêu thụ tôn mạ nội địa khoảng trên 2 triệu tấn/năm, trong khi tổng nhập khẩu tôn mạ theo AD19 lên tới gần 1,2 triệu tấn/năm và 80% sản lượng nhập khẩu tới từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
VCBS Research cho rằng, tác động sau khi áp dụng thuế CBPG với sản phẩm tôn mạ có thể giúp sản lượng nội địa tăng thêm khoảng 15 - 20% mức hiện tại, tương đương khoảng 600.000 tấn tôn mạ (phần tăng thêm của sản lượng thép Trung Quốc và Hàn Quốc mất đi sau khi thuế được áp dụng). Đối với riêng Tôn Đông Á, trong giai đoạn này, sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa dự kiến tăng khoảng 20% sau 2 năm do hạn chế về công suất nhà máy, tuy nhiên sản lượng nội địa tăng mạnh 100% sau khi nhà máy đi vào vận hành.
Bài học đắt giá từ Pomina
Ảnh minh họa |
Việc đầu tư nhà máy với số vốn lớn bằng chiến lược cuốn chiếu và chuẩn bị nguồn tài chính dồi dào cho thấy nước đi rất thận trọng của Tôn Đông Á. Trước đó, Pomina - một ông lớn ngành thép từng bước vào "vũng lầy" khó thoát ra khi thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy mới.
Năm 2020 - 2021, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Pomina đang xây dựng dự án lò cao, khiến thời gian lắp đặt và vận hành bị kéo dài, phát sinh nhiều chi phí. Các yếu tố địa chính trị như xung đột Nga - Ukraina, chính sách "zero Covid" của Trung Quốc và khủng hoảng kinh tế Việt Nam cũng khiến công ty gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Áp lực kép từ chi phí lãi vay và kinh doanh khó khăn đã "bẻ gãy" dòng tiền của Pomina.
Thời điểm ngày 30/6/2024, Pomina còn 5.723 tỷ đồng tài sản dở dang từ việc xây nhà máy, với nợ vay 6.182 tỷ đồng gây áp lực tài chính lớn. Công ty đã lỗ lũy kế 2.116 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ còn 749 tỷ đồng. Từ một doanh nghiệp đầu ngành, Pomina phải rao bán 2/3 nhà máy thép và vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu.
>> BSC Research: 'Quả đấm thép' 85.000 tỷ đồng của Hòa Phát (HPG) không cần lo đầu ra vào năm 2025