Vĩ mô

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu giảm trong Quý III

Tổng Cục Thống Kê 29/09/2023 - 10:55

Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý III và 9 tháng năm 2023 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất công nghiệp, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có xu hướng giảm.

Trong 9 tháng năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục chịu tác động bởi diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội. Tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm trên diện rộng. Tiêu chuẩn thương mại toàn cầu và hàng rào bảo hộ gia tăng trong khi tiêu dùng còn yếu ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, cung cầu và giá cả. Lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao so với mục tiêu dài hạn của nhiều quốc gia. Trong nước, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, giá sản xuất tăng giảm đan xen. Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý III và 9 tháng năm 2023 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất công nghiệp, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có xu hướng giảm.

I. TỔNG QUAN

1. Diễn biến chung của các nhóm chỉ số giá

a) Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất

Trong quý III/2023, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,23% so với quý II/2023 và tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,35% và giảm 2,49%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 2,83% và tăng 8,25%.

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý III/2023 giảm 0,15% so với quý II/2023 và giảm 2,58% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,26% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,99%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 7,34%.

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất 9 tháng giảm 0,88% so với cùng kỳ năm 2022.

b) Chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa

Trong quý III/2023, chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá giảm 0,32% so với quý II/2023 và giảm 2,18% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 1,77% và giảm 6,72%; tỷ giá thương mại hàng hóa tăng 1,48% và tăng 4,87%.

Tính chung, 9 tháng năm 2023, chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá giảm 1,07% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá giảm 4,82%; tỷ giá thương mại hàng hóa tăng 3,94%.

2. Nguyên nhân

Biến động của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng năm 2023 chủ yếu do các nguyên nhân chính sau:

a) Thị trường hàng hóa thế giới 9 tháng năm 2023 có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố địa chính trị, kinh tế, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và xung đột quân sự Nga – Ucraina, đã tạo ra nhiều hệ lụy đối với quá trình phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19. Các nền kinh tế lớn đối mặt với tăng trưởng thấp, tiêu chuẩn thương mại toàn cầu và hàng rào bảo hộ gia tăng trong khi tiêu dùng còn yếu ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, cung cầu và giá cả. Nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao so với mục tiêu dài hạn của nhiều quốc gia.

Các nhân tố địa chính trị, kinh tế tạo sức ép khác nhau lên giá dầu trong 9 tháng năm 2023 như nguồn cung xăng dầu thắt chặt sau khi Ả rập xê út và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng; tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) tiếp tục giảm sản lượng khai thác; kho dữ trữ dầu mỏ trên toàn cầu giảm trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt. Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất và giá hàng hóa tiêu dùng nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro về nguồn cung và gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu, nhất là các mặt hàng chiến lược như năng lượng, chất bán dẫn. Đặc biệt, tình trạng thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi, hạn hán kéo dài trên phạm vi rộng, bão lũ, thiên tai xảy ra tại nhiều quốc gia làm cho sản xuất lương thực mất cân đối.

Lạm phát đang dần được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao nên trong cuộc họp chính sách tiền tệ kết thúc vào ngày 20/9/2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,5%. Giá đô la Mỹ (USD), giá vàng trên thị trường thế giới nhiều biến động đã gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng kim loại quý, kim loại công nghiệp và các loại hàng hóa xuất, nhập khẩu thanh toán bằng USD.

Tính đến ngày 26/9/2023, giá dầu Brent bình quân 9 tháng năm 2023 đạt 81,69 USD/thùng, tăng 0,1% so với tháng 12/2022 và giảm 20,22% so với cùng kỳ năm trước[1]. Tại Mỹ, giá bình quân 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước của một số mặt hàng như sau: Giá thóc tăng 5,05%; giá cotton giảm 31,79%; giá lúa mỳ giảm 28,65%; giá bắp giảm 15,33%; giá đậu nành giảm 8,32%.

b) Thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động bởi thị trường thế giới, thương mại toàn cầu sụt giảm ảnh hưởng đến quy mô sản xuất trong nước. Giá nhập khẩu một số nguyên liệu đầu vào sản xuất trong nước 9 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước như: Giá phân bón giảm 23,45%; sắt, thép giảm 22,31%; cao su nguyên liệu giảm 17,27%; dầu, mỡ động thực vật giảm 19,98%; xơ, sợi dệt giảm 7,48%. Ở chiều ngược lại, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu bình quân 9 tháng tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 3,04%; vải may mặc các loại tăng 2,17%. Giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất trong nước 9 tháng năm 2023 của các ngành tăng, giảm đan xen. Cụ thể, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào của ngành sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng giảm 1,82% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó ngành sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%; ngành điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,22%… Giá xuất khẩu sắt thép; dầu thô và xăng dầu của Việt Nam 9 tháng năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 18,84%; 12,74% và 9,87%. Ở chiều ngược lại, giá xuất khẩu cà phê; than và gạo của Việt Nam tăng lần lượt 14,28%; 7,89% và 3,69%.

c) Chính sách quản lý, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương

Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Ngày 06/01/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; ngày 03/02/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân… .

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân như: (1) Ngày 20/12/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NĐ-CP về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023. (2) Ngày 14/4/2023 Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. (3) Ngày 21/4/2023 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. (4) Ngày 14/5/2023 Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. (5) Ngày 30/6/2023 Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. (6) Ngày 30/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội… .

Chính phủ và các Bộ, ngành đã triển khai quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, đồng thời triển khai đồng bộ, toàn diện các chính sách về tài khóa, tiền tệ để kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm đời sống của người dân.

Thực hiện Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong nước 9 tháng năm 2023 được điều chỉnh 27 đợt làm cho giá xăng A95 III tăng 4.440 đồng/lít so với tháng 12/2022; giá xăng E5 tăng 4.220 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 1.990 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 9 tháng năm 2023 giảm 15,26%.

Ngoài ra một số địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như Thanh Hóa ngày 23/02/2023 ban hành Quyết định số 603/QĐ-UBND về phê duyệt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023; Đắk Lắk ngày 23/8/2023 ban hành Công văn số 7275/UBND-TH về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số địa phương đã hỗ trợ học phí miễn giảm học phí cho học sinh năm học 2023-2024 trên địa bàn nhằm chia sẻ khó khăn với người dân như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu.

II. DIỄN BIẾN CÁC LOẠI CHỈ SỐ GIÁ

1. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III/2023 tăng 1,23% so với quý II/2023 và tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 3,26%; lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 2,27%; thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 3,31%.

a) Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan quý III/2023 tăng 2,57% so với quý trước và tăng 3,21% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá sản phẩm từ cây hàng năm tăng 2,51% và tăng 5,36%; sản phẩm từ cây lâu năm tăng 0,29% và tăng 6,1%; sản phẩm từ chăn nuôi tăng 4,36% và giảm 1,73%; dịch vụ nông nghiệp tăng 0,64% và tăng 2,72%; sản phẩm từ săn bắt, đánh bẫy và dịch vụ có liên quan tăng 0,38% và giảm 1,99%.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 3,26% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:

Chỉ số giá sản phẩm từ cây hàng năm, 9 tháng năm 2023 tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá thóc khô tăng 5,86%, chủ yếu do Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo trước bối cảnh Ấn Độ, Nga, UAE hạn chế xuất khẩu gạo, cùng với các xung đột chính trị và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến thị trường gạo toàn cầu diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, giá sản phẩm ngô, cây lương thực có hạt khác tăng 4,3% do nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước tăng khi nguồn cung trên thế giới giảm; giá sản phẩm mía cây tươi tăng 12,64% theo giá đường thế giới; sản phẩm cây có hạt chứa dầu tăng 3,9%; giá rau các loại tăng 3,55%; sản phẩm cây gia vị hàng năm tăng 1,81%. Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm sản phẩm cây lấy sợi 9 tháng năm nay giảm 10,09% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu đối với sản phẩm bông trên thị trường thế giới xuống thấp.

Chỉ số giá sản phẩm từ cây lâu năm, 9 tháng năm 2023 tăng 5,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá cà phê nhân tăng cao 19,73% theo giá thế giới. Cuộc chiến Nga – Ucraina đã tác động tới quá trình lưu thông hàng hóa gây lo ngại về tình trạng khan hiếm cà phê trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, chi phí đầu vào sản xuất, chi phí nhân công tăng là những yếu tố tác động tới giá cà phê.

Giá sản phẩm cây ăn quả tăng 6,4% do nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc tăng sau khi quốc gia này gỡ bỏ các hạn chế xuất nhập cảnh khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giá sản phẩm cây lấy quả chứa dầu tăng 5,58%; giá sản phẩm cây chè tăng 3,96%.

Ở chiều ngược lại, bình quân 9 tháng giá một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước như giá sản phẩm hồ tiêu giảm 12,98% do nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của các nước giảm; giá sản phẩm cao su mủ khô giảm 10,92% do ảnh hưởng của giá thế giới và nhu cầu nhập khẩu của một số nước, khu vực lớn như Mỹ và châu Âu giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.

Chỉ số giá sản phẩm từ chăn nuôi, 9 tháng năm 2023 giảm 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá sản phẩm chăn nuôi lợn và giống lợn mặc dù một số tháng trong năm đã có dấu hiệu khởi sắc[2] nhưng tính bình quân 9 tháng giảm 3,01% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát tốt, nguồn cung dồi dào[3] trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp. Giá sản phẩm chăn nuôi gia cầm 9 tháng tăng 2,18% so với cùng kỳ năm trước (giá gà tăng 2,17%; giá vịt, ngan, ngỗng tăng 2,38%) do chi phí đầu vào như giá thức ăn chăn nuôi và giá con giống ở mức cao.

b) Chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan quý III/2023 tăng 0,1% so với quý II/2023 và giảm 0,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá sản phẩm trồng rừng, chăm sóc rừng và cây giống lâm nghiệp tăng 0,01% và tăng 1,6%; gỗ khai thác tăng 0,64% và giảm 1,93%; lâm sản khai thác, thu nhặt khác trừ gỗ giảm 0,99% và tăng 0,37%; dịch vụ lâm nghiệp tăng 0,42% và tăng 1,63%.

Tính chung 9 tháng năm 2023 chỉ số giá sản xuất sản phẩm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 2,27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá sản xuất sản phẩm trồng rừng, chăm sóc rừng và cây giống lâm nghiệp tăng 2,04%; gỗ khai thác tăng 2,76% do chi phí đầu vào sản xuất, chi phí nhân công tăng; lâm sản khai thác, thu nhặt khác trừ gỗ tăng 1,45%; dịch vụ lâm nghiệp tăng 1,3%.

c) Chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản khai thác, nuôi trồng quý III/2023 giảm 2,78% so với quý trước và giảm 0,95% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá nhóm sản phẩm thủy sản khai thác tăng 0,05% và tăng 3,75%; nhóm thủy sản nuôi trồng giảm 4,79% và giảm 4,23%.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá sản xuất sản phẩm thủy sản tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá nhóm sản phẩm thủy sản khai thác tăng 5,79%; giá nhóm thủy sản nuôi trồng tăng 1,56%.

Trong nhóm sản phẩm thủy sản khai thác, chỉ số giá sản phẩm thủy sản khai thác biển 9 tháng năm 2023 tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá tôm khai thác biển tăng 7,63%; cá khai thác biển khác tăng 6,29%; sản phẩm thủy sản khai thác biển khác tăng 3,52%, do chi phí nguyên liệu đầu vào phục vụ khai thác biển như giá vật tư, chi phí thuê nhân công tăng. Ở chiều ngược lại, giá sản phẩm cá ngừ đại dương 9 tháng giảm 8,83% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu nhập khẩu của các nước lớn giảm.

Trong nhóm sản phẩm thủy sản nuôi trồng, chỉ số giá sản phẩm nhóm cá nuôi biển; tôm nuôi biển và cá nuôi nội địa 9 tháng năm 2023 tăng lần lượt 10,32%; 4,42% và 4,98% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá thức ăn chăn nuôi, giá thuốc thủy sản tiếp tục duy trì ở mức cao. Trong đó, chỉ số giá nhóm cá tra tăng 4,67% theo giá thế giới; chỉ số giá nhóm cá khác ngoài cá tra tăng 4,73%. Ở chiều ngược lại, chỉ số giá nhóm tôm nuôi nội địa 9 tháng giảm 2,43% so cùng kỳ năm trước do nhu cầu nhập khẩu của các nước giảm, trong đó giá nhóm tôm thẻ chân trắng giảm 1,11%; nhóm tôm sú giảm 0,6%.

2. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý III/2023 giảm 0,35% so với quý trước và giảm 2,49% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp giảm 0,99% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng giảm 11,72%; sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,45%; điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,22%; nước tự nhiên khai thác, dịch vụ quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,66%.

a) Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng quý III/2023 giảm 1,13% so với quý trước và giảm 16,78% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá sản xuất sản phẩm khai khoáng giảm 11,72% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chỉ số giá dầu thô và khí đốt tự nhiên bình quân 9 tháng giảm 17,41% theo biến động giá dầu thế giới. Mặc dù những tháng gần đây giá dầu thô đã tăng trở lại[4] nhưng tính bình quân 9 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, chỉ số giá sản xuất một số nhóm sản phẩm tăng như: Chỉ số giá sản xuất nhóm than cứng và than non 9 tháng tăng 18,24% so với cùng kỳ năm trước do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam điều chỉnh giá sản xuất các mặt hàng than theo Quyết định số 201/QĐ-TKV ngày 01/02/2023 về ban hành giá mua than năm 2023. Chỉ số giá nhóm sản phẩm khai khoáng khác tăng 6,57%, chủ yếu do giá nhóm sản phẩm cát, sỏi, đá, đất sét tăng khi nguồn cung giảm và chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào khai thác, chi phí nhân công tăng.

b) Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2023 giảm 0,38% so với quý trước và giảm 1,67% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,45% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, một số mặt hàng có mức giảm khá cao như sau:

– Chỉ số giá than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 15,49% do ảnh hưởng của giá dầu thế giới. Tương tự như giá dầu thô, giá nhóm sản phẩm dầu mỏ tinh chế[5] có xu hướng tăng trở lại vào những tháng gần đây, tuy nhiên tính chung chỉ số giá bình quân 9 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước.

– Chỉ số giá sản phẩm kim loại giảm 9,7% do giá sản phẩm sắt, thép giảm theo thị trường thế giới. Giá thép giảm do nhu cầu tiêu thụ chậm trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm chưa có dấu hiệu phục hồi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung quốc khi quốc gia này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.

– Chỉ số giá hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 6,06%, nguyên nhân chủ yếu do giá sản phẩm phân bón giảm trong khi Trung Quốc gỡ bỏ hạn chế xuất khẩu hàng hóa làm nguồn cung tăng và do ảnh hưởng của giá dầu thông giảm khi nhu cầu nhập khẩu từ các nước giảm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong ký đơn hàng mới, hàng tồn kho tăng cao.

Một số mặt hàng có mức giá tăng so với cùng kỳ năm trước: Chỉ số giá thực phẩm chế biến 9 tháng tăng 4,33% do chi phí đầu vào sản xuất như đường, tinh bột sắn, chè và gạo đã xay sát… tăng; chỉ số giá dịch vụ in, sao chép bản ghi các loại tăng 4,25%; sản phẩm trang phục tăng 3,67% do giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng (giá nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 3,04%; giá nhập khẩu vải may mặc tăng 2,17%); chỉ số giá đồ uống tăng 1,83% do chi phí đầu vào sản xuất và chi phí nhân công tăng.

c) Chỉ số giá sản xuất điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí

Chỉ số giá sản xuất điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí quý III/2023 tăng 1,51% so với quý trước và tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 9 tháng năm nay, chỉ số giá sản xuất điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 4,22% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 4/5/2023 theo Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 và chi phí nguyên vật liệu đầu vào sản xuất điện như giá than ở mức cao đã tác động làm tăng giá điện các nhà máy nhiệt điện sử dụng than làm nguyên liệu đầu vào sản xuất điện. Bên cạnh đó, giá dịch vụ phân phối hơi nước, nước nóng, nước đá và điều hoà không khí qua đường ống tăng do giá nhiên liệu đầu vào là điện và than tăng.

d) Chỉ số giá sản xuất nước tự nhiên khai thác; dịch vụ quản lý nước và xử lý rác thải, nước thải

Chỉ số giá sản xuất nước tự nhiên khai thác; dịch vụ quản lý nước và xử lý rác thải, nước thải quý III/2023 tăng 1,2% so với quý trước và tăng 2,11% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá sản xuất nước tự nhiên khai thác; dịch vụ quản lý nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,66% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá nhóm nước tự nhiên khai thác tăng tại một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh… và một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu như Hà Nội, Đà Nẵng…

3. Chỉ số giá sản xuất dịch vụ

Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý III/2023 tăng 2,83% so với quý trước và tăng 8,25% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 19,34%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,97%; giáo dục và đào tạo tăng 5,43%; hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình tăng 6,81%; hoạt động dịch vụ khác tăng 5,29%.

a) Chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi

Chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi quý III/2023 tăng 8,84% so với quý trước và tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi quý III/2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do giá dịch vụ vận tải đường hàng không tăng 119,11% do chi phí nhiên liệu bay ở mức cao, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm như dịp hè hay các kỳ nghỉ Lễ 30/4-1/5 và Quốc khánh 2/9 nhu cầu đi lại tăng đột biến, trong khi nguồn cung các hãng có hạn đã đẩy giá vé lên cao. Bên cạnh đó, tỷ giá, lãi suất, chi phí vận hành tăng nên các hãng tăng giá vé để đảm bảo hiệu quả khai thác. Chỉ số giá dịch vụ vận tải đường sắt quý III tăng 11,56% so với cùng kỳ năm trước. Riêng chỉ số giá dịch vụ kho bãi và các dịch vụ liên quan đến hỗ trợ vận tải giảm 0,69% do các doanh nghiệp giảm giá khi nhu cầu hỗ trợ vận tải giảm.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 19,34% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:

Chỉ số giá dịch vụ vận tải đường sắt, đường bộ tăng 3,56%, trong đó dịch vụ vận tải đường sắt tăng 18,82%; dịch vụ vận tải đường bộ và xe buýt tăng 2,91%.

Chỉ số giá dịch vụ vận tải đường thủy tăng 7,95%, trong đó giá dịch vụ vận tải đường ven biển và viễn dương tăng 10,82%.

Chỉ số giá dịch vụ vận tải đường hàng không tăng 99,79% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá nhiên liệu bay ở mức cao, tỷ giá, lãi suất đều tăng khiến chi phí của các hãng tăng, cùng với đó nhu cầu đi lại tăng cao tác động đến giá vận tải hàng không.

Chỉ số giá dịch vụ kho bãi và các dịch vụ liên quan đến hỗ trợ vận tải bình quân 9 tháng giảm 0,33% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ bưu chính và chuyển phát tăng 1,46%.

b) Chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống

Chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống quý III/2023 tăng 1,37% so với quý trước và tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, dịch vụ lưu trú tăng 2,15% và tăng 16,81%; dịch vụ ăn uống tăng 1,23% và tăng 3,91%.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,97% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó:

Chỉ số giá dịch vụ lưu trú bình quân 9 tháng tăng 17,46% so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh, lượng khách trong nước và quốc tế đến và lưu trú tăng cao, đặc biệt trong dịp hè và các kỳ nghỉ Lễ 30/4 – 01/5, Quốc khánh 02/9.

Chỉ số giá dịch vụ ăn uống bình quân 9 tháng năm nay tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu hoạt động du lịch tăng cao dịp hè và trong các kỳ nghỉ lễ làm nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng. Bên cạnh đó, giá gas, nhiên liệu cùng với giá nguyên liệu chế biến tăng đã làm tăng giá dịch vụ ăn uống.

c) Chỉ số giá dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội

Chỉ số giá dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội quý III/2023 tăng 0,03% so với quý trước và tăng 0,12% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá dịch vụ y tế và trợ giúp xã hội tăng 0,21% so với cùng kỳ năm 2022 do thực hiện lộ trình tăng giá các dịch vụ trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 15/3/2022 của Chính phủ.

d) Chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo

Chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo quý III/2023 tăng 0,85% so với quý trước. Nguyên nhân chủ yếu do một số trường dân lập, tư thục tăng học phí năm học 2023-2024. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo quý III tăng 3,43%.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 5,43% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022 sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch.

e) Chỉ số giá hoạt động dịch vụ khác

Chỉ số giá hoạt động dịch vụ khác quý III/2023 tăng 1,39% so với quý trước và tăng 5,75% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do chi phí nhân công, phí sửa chữa, bảo dưỡng đồ dùng gia đình và giá các hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân tăng. Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá hoạt động dịch vụ khác tăng 5,29% so với cùng kỳ năm 2022.

4. Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý III/2023 giảm 0,15% so với quý trước và giảm 2,58% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19% và giảm 2,14%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,14% và giảm 2,62%; dùng cho xây dựng giảm 0,7% và giảm 1,6%.

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất quý III/2023 giảm chủ yếu do:

– Chỉ số giá thủy sản nước ngọt nguyên liệu trong công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2023 giảm 6,75% so với quý trước và giảm 8,52% so với cùng kỳ năm 2022 do nhu cầu tiêu dùng giảm và hàng tồn kho luân chuyển chậm.

– Chỉ số giá sản phẩm nguyên liệu gang, sắt, thép trong công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,79% so với quý trước và giảm 11,08% so với cùng kỳ năm 2022; chỉ số giá sản phẩm nguyên liệu gang, sắt, thép trong xây dựng giảm 5,02% và giảm 7,46% do nhu cầu tiêu thụ chậm, cùng với đó giá sản xuất thép trong nước chịu áp lực cạnh tranh với giá nhập khẩu từ Trung Quốc.

– Chỉ số giá sản phẩm thủy sản khai thác trong công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,99% so quý trước và giảm 3,48% so cùng kỳ năm 2022 do ảnh hưởng xung đột quân sự Nga – Ukraine và hậu quả dịch Covid-19; lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, người dân thắt chặt chi tiêu, tiêu dùng toàn cầu giảm mạnh.

Bên cạnh đó, có một số nhóm sản phẩm dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng giá như: chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi quý III/2023 tăng 5,93% so quý trước và giảm 0,57% so cùng kỳ năm 2022 do chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, cùng với chi phí nhân công tăng; chỉ số giá sản phẩm chế biến từ dầu mỏ tăng 4,73% và giảm 10,88% do ảnh hưởng của giá dầu thế giới.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất giảm 0,88% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,44%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,95%; dùng cho xây dựng tăng 0,81%.

Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất 9 tháng năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do các nhóm nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trong sản xuất giảm. Cụ thể:

– Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ số giá nhóm sản phẩm chăn nuôi giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lâm nghiệp giảm 2,08%; chỉ số giá nhóm sản phẩm chế biến từ dầu mỏ giảm 6,04% do ảnh hưởng giá dầu thế giới và suy giảm kinh tế tại nhiều quốc gia.

– Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, chỉ số giá nhóm sản phẩm gang, sắt, thép giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước do giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất giảm và các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước chủ động giảm giá để cạnh tranh với thép nhập khẩu; nhóm sản phẩm linh kiện điện tử giảm 3,8%; nhóm sản phẩm nguyên liệu rau quả chế biến giảm 0,89%.

– Trong nhóm nguyên nhiên vật liệu dùng cho xây dựng, chỉ số giá nhóm sản phẩm nguyên liệu chế biến dầu mỏ (Nhựa đường, dầu diesel) giảm 13,12% so với cùng kỳ năm trước; kim loại gang, sắt, thép giảm 3,68% do chịu tác động của giá thế giới.

5. Chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu, tỷ giá thương mại hàng hóa

a) Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa quý III/2023 giảm 0,32% so với quý trước và giảm 2,18% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 1,15% và giảm 3,16%; nhóm nhiên liệu giảm 5,26% và giảm 25,15%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 0,35% và giảm 1,21%.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa giảm 1,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm giảm 2,83%; nhóm nhiên liệu giảm 11,68%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 0,54%. Cụ thể:

Giá xuất khẩu hàng thủy sản giảm 5,97% so với cùng kỳ năm trước do kinh tế thế giới suy giảm khiến nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc giảm và lượng hàng tồn kho tăng cao.

Giá xuất khẩu điện thoại và thiết bị di động giảm 3,54% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng trên thị trường thế giới giảm sút.

Bên cạnh đó, giá xuất khẩu cao su giảm 20,39% so với cùng kỳ năm trước do Trung Quốc liên tục thay đổi các chính sách; giá xuất khẩu hạt tiêu giảm 8,05% và hạt điều giảm 5,67% do tiêu thụ toàn cầu giảm.

Ở chiều ngược lại, giá gạo xuất khẩu 9 tháng tăng 3,69% do tác động từ thông báo ngừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ và những lo ngại từ kế hoạch tạm hạn chế xuất khẩu của Mi-an-ma trong thời gian tới. Giá xuất khẩu cà phê tăng 14,28% so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu tiêu thụ cà phê Robusta tăng cao.

b) Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý III/2023 giảm 1,77% so với quý trước và giảm 6,72% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm giảm 2,24% và giảm 9,2%; nhóm nhiên liệu giảm 11,64% và giảm 34,68%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 1,06% và giảm 4,02%.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 4,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm giảm 5,37%; nhóm nhiên liệu giảm 21,92%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác giảm 3,11%. Cụ thể:

Giá nhập khẩu sắt, thép 9 tháng năm 2023 giảm 22,31% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng ở mức thấp. Ngoài ra, Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép với giá hấp dẫn do đồng Nhân dân tệ yếu đi có lợi cho xuất khẩu, tạo một mặt bằng giá thấp và tạo áp lực lớn lên thị trường thép của các nước trong khu vực.

Giá nhập khẩu xăng dầu giảm 16% so với cùng kỳ năm trước do giá thế giới có những thời điểm ghi nhận giảm sâu.

Giá nhập khẩu dầu mỡ động thực vật giảm 19,98% so với cùng kỳ năm trước do giá dầu cọ, dầu đậu tương, dầu hướng dương và các loại dầu thực vật khác giảm.

Ở chiều ngược lại, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu 9 tháng năm nay tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; giá hàng rau quả tăng 3,22%; dây điện và dây cáp điện tăng 8,9%.

c) Tỷ giá thương mại hàng hóa

Tỷ giá thương mại hàng hóa (TOT)[6] quý III/2023 tăng 1,48% so với quý trước và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hàng thủy sản giảm 1,35% và giảm 7,73%; hàng rau quả giảm 0,15% và giảm 1,95%; xăng dầu tăng 0,51% và giảm 3,9%; cao su giảm 0,19% và giảm 1,85%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 1,2% và tăng 1,08%; sắt thép giảm 0,52% và tăng 8,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 2,55% và tăng 3,41%.

Tính chung 9 tháng năm 2023, TOT tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hàng thủy sản giảm 4,72%; hàng rau quả giảm 3,08%; xăng dầu tăng 7,3%; cao su giảm 3,77%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 5,15%; sắt thép tăng 4,48%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,26%.

TOT 9 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do chỉ số giá xuất khẩu có mức giảm thấp hơn mức giảm của chỉ số giá nhập khẩu, phản ánh Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi khi giá hàng xuất khẩu có lợi thế hơn so với giá hàng nhập khẩu.

[1] Nguồn số liệu: https://vn.investing.com/commodities/brent-oil-historical-data.

[2] Chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi lợn và giống lợn từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2023 tăng so với tháng trước lần lượt là 0,82%; 3,51%; 3,57% và 1,18%, riêng tháng 9/2023 giảm 0,48%.

[3] Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2023 ước tính đạt 3.632,9 nghìn tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

[4] Chỉ số giá sản xuất dầu thô tháng 8 và tháng 9 năm 2023 tăng so với tháng trước lần lượt là 5,39% và 5,22%.

[5] Chỉ số giá sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tháng 8/2023 tăng 3,34% so với tháng trước; tháng 9/2023 tăng 5,47%.

[6] Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa so với chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa.

Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng quý III và dự báo quý IV năm 2023

Giá nguyên vật liệu leo thang, CPI quý 3 tăng 2,89%

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số Đô La Mỹ tháng 9 năm 2023

Theo Tổng Cục Thống Kê
https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/09/tong-quan-chi-so-gia-san-xuat-chi-so-gia-nguyen-nhien-vat-lieu-dung-cho-san-xuat-chi-so-gia-xuat-khau-nhap-khau-quy-iii-va-9-thang-nam-2023/
Bài liên quan
  • Tình hình lao động việc làm Qúy III VÀ 9 tháng năm 2023
    Trong nước, lực lượng lao động, số người có việc làm quý III năm 2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn, khoảng ba phần năm tổng số lao động có việc làm của cả nước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.
  • GDP Quý III/2023 tăng 5,33%, 9 tháng tăng 4,24% xu hướng tích cực hơn ngày càng rõ nét
    Tổng cục Thống kê vừa phát hành thông cáo về tình hình kinh tế - xã hội Quý III và 9 tháng năm 2023. Theo đó, GDP Quý III/2023 tăng 5,33%, 9 tháng tăng 4,24% xu hướng tích cực hơn ngày càng rõ nét.
  • Tình hình giá tháng 9 , quý III và 9 tháng năm 2023
    Tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu trong tháng 9 và quý III năm 2023 không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng giảm đan xen. Bình quân 9 tháng năm 2023, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu giảm trong Quý III
POWERED BY ONECMS & INTECH