Chỉ vài năm nữa, một thành phố ở miền Bắc sẽ được ‘nâng hạng’ đô thị và diện tích mở rộng lên gấp đôi
Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính và tiến tới mục tiêu trở thành đô thị loại I.
TP. Thái Bình là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và quốc phòng của tỉnh Thái Bình. Thành phố nằm cách Hà Nội 110km, giữ vai trò đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh, kết nối thuận lợi với các địa phương lân cận như Hải Phòng, Nam Định và vùng Đồng bằng sông Hồng qua Quốc lộ 10.
Hiện tại, TP. Thái Bình có 10 phường và 9 xã với diện tích hơn 6.809ha, dân số khoảng 218.000 người. Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Thái Bình được định hướng mở rộng để đạt tiêu chí đô thị loại I sau năm 2025.
Trọng tâm phát triển của thành phố sẽ chuyển về phía Đông, hoàn thiện mô hình đô thị hai bên sông Trà Lý. Thành phố sẽ tập trung phát triển hạ tầng bên trong tuyến tránh S1 và đường vành đai phía Nam, đồng thời thu hút đầu tư để phát triển các dự án đô thị cảnh quan như Khu đô thị ven sông Trà Lý, công viên sinh thái Hoàng Diệu, công viên ổi Bo.
>> 'Vựa lúa miền Bắc’ của Việt Nam đang tìm chủ cho sân golf 110ha
Trong giai đoạn 2026-2030, TP. Thái Bình sẽ mở rộng không gian về phía Đông và Đông Bắc. Thành phố dự kiến sáp nhập thêm các xã thuộc ba huyện lân cận là xã Đông Dương (huyện Đông Hưng); xã Tân Phong, Trung An (huyện Vũ Thư); các xã Tây Sơn, An Bình, Quốc Tuấn, Bình Nguyên, xã Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang (huyện Kiến Xương).
Sau khi sáp nhập, diện tích tự nhiên toàn đô thị sẽ tăng lên hơn 131,8km2, quy mô dân số dự kiến đạt khoảng 566.479 người vào năm 2030, trong đó dân số nội thị khoảng 496.000 người.
Việc sáp nhập và mở rộng TP. Thái Bình không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý đô thị mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Quá trình này sẽ tạo động lực phát triển bền vững, khai thác hiệu quả quỹ đất và tối ưu hóa cơ sở hạ tầng đô thị. Đồng thời, thành phố cũng đặt mục tiêu thu hút đầu tư và đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án quy hoạch trọng điểm.
Việc mở rộng không gian đô thị và đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I cũng sẽ giúp TP. Thái Bình tăng cường kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho đô thị hóa, từ đó khẳng định vai trò và tiềm năng phát triển trong khu vực Duyên hải Bắc Bộ.
>> Việt Nam lọt top quốc gia có chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu rẻ nhất châu Á - Thái Bình Dương