Việt Nam lọt top quốc gia có chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu rẻ nhất châu Á - Thái Bình Dương
Theo báo cáo, chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn trung bình tại Việt Nam đạt hơn 6,9 triệu USD/megawatt, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, tương đương khoảng 175 tỷ đồng/megawatt.
Theo báo cáo về chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu năm 2025 của Cushman & Wakefield, dựa trên khảo sát tại 90 cụm trung tâm dữ liệu ở 26 thành phố, Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có chi phí xây dựng thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ cao hơn Đài Loan và Trung Quốc.
Cụ thể, chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn trung bình tại Việt Nam đạt hơn 6,9 triệu USD/megawatt, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, tương đương khoảng 175 tỷ đồng/megawatt.
Trong tổng chi phí này, hệ thống điện chiếm tỷ trọng lớn nhất với 26%, tiếp đến là hệ thống cơ khí và xây dựng, lần lượt chiếm 13%. Các khoản chi khác bao gồm hệ thống làm mát, phòng cháy chữa cháy, bảo mật, giá đỡ, thiết bị, và dây cáp.
Giá đất chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi phí với mức trung bình tại các khu vực ngoại ô TP. HCM và Hà Nội - nơi có sẵn cơ sở hạ tầng - đạt 209USD/m2.
Nhiều tập đoàn lớn như Apple, Intel, Canon, Samsung, LG, LEGO, Airbus và các tổ chức quốc tế khác đã bắt đầu hợp tác với đối tác tại Việt Nam để triển khai chiến lược chuyển đổi số, một phần quan trọng trong kế hoạch kinh doanh toàn cầu của họ.
>> Đề nghị bàn giao gần 110ha đất quốc phòng để mở rộng sân bay do Mỹ xây dựng của Việt Nam
Song song đó, chính phủ đã công bố dự án Trung tâm Dữ liệu Quốc gia nhằm lưu trữ dữ liệu một cách an toàn và thúc đẩy quá trình số hóa khu vực công. Các nỗ lực này giúp tạo động lực cho các doanh nghiệp tiên phong và mở rộng năng lực phát triển trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Theo dữ liệu năm 2024 của Cushman & Wakefield, Việt Nam hiện có 51MW công suất trung tâm dữ liệu đang hoạt động, 11MW đang trong giai đoạn xây dựng và dự kiến sẽ bổ sung thêm 28MW trong thời gian tới. Trong đó, TP. HCM chiếm 50% công suất hoạt động, chủ yếu được vận hành bởi các nhà cung cấp viễn thông nội địa.
Theo Cushman & Wakefield đánh giá, những chính sách cởi mở này đang thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế, trong đó STT Telemedia Global Data Centres đã hợp tác với VNG Corporation, còn Alibaba và tập đoàn công nghiệp Hyosung của Hàn Quốc cũng đã bày tỏ ý định phát triển trung tâm dữ liệu tại TP. HCM.
Bên cạnh đó, Viettel cho biết đang hợp tác với Singtel để triển khai một tuyến cáp ngầm kết nối Việt Nam với Singapore và các nước láng giềng Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan và Malaysia.
Tập đoàn này cũng lên kế hoạch đưa vào vận hành ít nhất hai tuyến cáp mới thuộc sở hữu Việt Nam trước năm 2030, ưu tiên các tuyến đường ngắn hơn để kết nối nhanh chóng với các trung tâm kỹ thuật số lớn trong khu vực châu Á.
Bên cạnh đó, Chính phủ đang lên kế hoạch bổ sung thêm 6,6GW công suất điện, nhưng quá trình này dự kiến sẽ kéo dài nhiều năm.
Ngoài ra, thủ tục pháp lý phức tạp và các quy định hành chính rườm rà cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xin giấy phép cần thiết và điều hướng bối cảnh pháp lý.
Cuối cùng, nguồn lao động có tay nghề chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu vẫn còn hạn chế. Tình trạng này đặc biệt phổ biến tại các thị trường mới nổi, nơi lực lượng nhân sự có khả năng thực hiện các công trình quy mô lớn hoặc đòi hỏi độ tin cậy cao vẫn còn khan hiếm.
>> Thủ tướng chốt chủ đầu tư và thời điểm hoàn thành dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận