Chiếc đồng hồ không pin độc đáo bậc nhất thế giới của Việt Nam, hơn 100 năm bị bỏ ngoài trời vẫn 'chạy' tốt
Suốt một thời gian dài, chiếc đồng hồ đá bị lãng quên, bị nhốt trong khung sắt, lồng kính, phơi nắng, phơi sương…
Đồng hồ Thái Dương hơn 100 tuổi tại Bạc Liêu là chiếc đồng hồ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam và hiếm gặp trên toàn thế giới, nó hoạt động nhờ năng lượng ánh sáng mặt trời. Dân gian quen gọi tên là đồng hồ đá. Hiện nay di tích đồng hồ đá nằm đối diện Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, trên đường 30/4, phường 3, TP. Bạc Liêu.
Người thiết kế và xây dựng đồng hồ Thái Dương là ông Lưu Văn Lang (1880-1969) hay còn được gọi là Bác Vật Lang - kỹ sư đầu tiên của Nam Bộ được đào tạo ở Pháp xây dựng khoảng năm 1913.
Là một nhà khoa học xuất sắc, một bật thầy của ngành công chánh nên ông được giao nhiệm vụ phụ trách, theo dõi xây dựng cầu, đường ở miền Tây Nam Bộ. Các Tỉnh trưởng Tây Nam Bộ rất quý trọng ông, đặc biệt là Tỉnh trưởng Bạc Liêu, mỗi lần ông về đây công tác điều được mời đến chơi, ăn cơm thân mật. Do vậy, ông đã xây tặng Tỉnh trưởng Bạc Liêu đồng hồ Thái Dương trước nhà tham biện Tỉnh trưởng.
Chiếc đồng hồ được xây dựng bằng gạch thẻ, mặt đồng hồ được ốp bằng gạch tàu và chia vạch, đánh số La Mã. Trên mặt đồng hồ có 3 phần, phần ở giữa là một gờ cao khối hình chữ nhật nhô ra phía trước, hai phần còn lại là hai khối hình vuông cân đối ở hai bên có vạch số La Mã từ I đến XII để chỉ giờ.
Đồng hồ hoạt động nhờ vào ánh sáng mặt trời. Khi ánh sáng mặt trời chiếu vào gờ cao sẽ chia mặt đồng hồ làm hai mảng sáng, tối. Lằn ranh giữa hai mảng sáng/tối chính là kim chỉ phút, giờ của đồng hồ ứng với vạch số La Mã để biết giờ, phút.
Tuy đơn giản chỉ bằng vật liệu đá, cát, gạch không phải kim loại, máy móc, chỉ cần ánh sáng mặt trời để xem giờ nhưng đồng hồ đá khá chính xác. Theo tư liệu của Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, đồng hồ đá tại Bạc Liêu là một trong hai đồng hồ đá vẫn còn “chạy” tốt trên thế giới. Một cái ở Anh Quốc, một cái ở Bạc Liêu, Việt Nam.
Sau khi được công nhận di tích, chiếc đồng hồ đá được trùng tu đồng thời nhốt trong lồng kính khiến dư luận bức xúc. Năm 2019, di tích đồng hồ đá thêm một lần nữa được trùng tu. Lần này đơn vị thi công bảo vệ chiếc đồng hồ bằng cách che chắn sắt thép xung quanh.
Tính đến nay, chiếc đồng hồ đá đã hơn 100 tuổi. Trải qua thời gian, vật liệu đồng hồ được làm từ chất liệu như đất nung và xi măng nên bị bào mòn, bề mặt bong tróc khó có thể nhận biết đầy đủ vạch phân chia các số La Mã. Phần sơn cũng bị bong tróc, không đảm bảo mỹ quan, ảnh hưởng đến việc xem giờ, cho thấy dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu, sửa chữa.
Vì thế, ngày 6/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã giao Sở Xây dựng phối hợp cùng với sở, ngành liên quan và UBND TP. Bạc Liêu hoàn thiện các bước theo quy định để sớm triển khai tu bổ di tích đồng hồ Thái Dương đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, nhằm tạo cảnh quan đô thị, thu hút khách du lịch đến với Bạc Liêu.
>> Bên trong khu hầm địa đạo chạy qua lòng đất hiếm hoi ở miền Bắc