Sống

Chiến hạm săn ngầm mạnh nhất của Việt Nam: Có khả năng tiêu diệt mục tiêu cách tới 6.000m, được mệnh danh là 'sát thủ' biển Đông

Quỳnh Châu 20/01/2024 00:23

Đây hiện cũng là loại tàu săn ngầm duy nhất đang phục vụ trong biên chế của Hải quân Việt Nam.

Bên cạnh tàu ngầm tấn công lớp Kilo, các tàu chiến mặt nước lớp Gepard, hiện tại Hải quân nhân dân Việt Nam sở hữu 5 chiến hạm săn ngầm Petya mang số hiệu 09, 11, 13, 15 và 17. Trong đó, tàu 09 và 11 thuộc lớp Petya III (dự án 159 AE) do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam vào tháng 12/1978; 3 tàu săn ngầm số hiệu 13, 15 và 17 thuộc lớp Petya II (dự án 159A) được Việt Nam nhận vào tháng 12/1983.

Tàu săn ngầm Petya mang số hiệu HQ-13

Tàu săn ngầm Petya mang số hiệu HQ-13

Tàu hộ vệ săn ngầm Petya được bố trí cơ cấu 3 trục chân vịt gồm: 1 trục dùng động cơ diesel để tiết kiệm nhiên liệu khi tuần tra trên biển và 2 trục sử dụng động cơ turbine khí. Nó cho phép tàu đạt tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ - một tốc độ nhanh tương đương với những tàu khu trục hay khinh hạm hiện nay. Thậm chí, nhiều tài liệu trên thế giới còn xếp Petya là tàu khinh hạm dù giãn nước của nó chỉ 1.000 tấn. Tàu có biên chế thuỷ thủ đoàn đầy đủ 90 người và có khả năng thực hiện hải trình dài 9.000km trên biển.

Hệ thống vũ khí của Petya đặc biệt được tối ưu hoá cho mục đích săn ngầm

Hệ thống vũ khí của Petya đặc biệt được tối ưu hoá cho mục đích săn ngầm

Về vũ khí mặt nước, tàu có hai ụ pháo AK-726 2 nòng 76,2mm ở mũi tàu và đuôi tàu cùng hệ thống điều khiển hỏa lực Fut-B đạt tốc độ bắn 45 phát/phút, tầm bắn xa nhất 18,3km. Pháo cũng có khả năng tiêu diệt mục tiêu đường không ở độ cao từ 500-6.000m với tốc độ 350-650m/s.

Trong tác chiến chống tàu ngầm, Petya được trang bị giàn thả bom chìm BB-1 ở đuôi tàu, các giàn phóng rocket chống ngầm RBU-2500 (sử dụng bom chìm RGB-25) và RBU-6000 (sử dụng bom chìm RGB-60) với hệ thống điều khiển Burya.

Nhiều tài liệu trên thế giới còn xếp Petya là tàu khinh hạm dù giãn nước của nó chỉ 1.000 tấn

Nhiều tài liệu trên thế giới còn xếp Petya là tàu khinh hạm dù giãn nước của nó chỉ 1.000 tấn

Về ngư lôi, trong khi tàu Petya-II được trang bị 2 giàn phóng PTA-40-159 (mỗi giàn 5 ống phóng dùng ngư lôi SET-40UE 400mm), thì tàu Petya-III lại có 1 giàn phóng TTA-53-57 bis với 3 ống phóng ngư lôi SET-53M.

Theo đánh giá chung, những tàu săn ngầm Petya đã rất cũ kĩ, với khả năng chống ngầm hạn chế ở mức trong tầm nhìn. Không những thế, trước khi viện trợ cho Việt Nam, các tàu Petya đã có thời gian dài phục vụ trong Hải quân Liên Xô.

Trong những nỗ lực hiện đại hóa lực lượng Hải quân Việt Nam thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải phục hồi và tăng cường sức chiến đấu cho các tàu hộ vệ Petya. Được sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài và nhất là Ấn Độ cung cấp 5.000 phụ tùng thiết yếu cho tàu, Việt Nam đã phục hồi được khoảng 80% năng lực chống ngầm của tàu Petya. Đồng thời, một số tính năng tác chiến đã được cập nhật, hiện đại hóa như thiết bị thu sóng thủy âm, cải tiến radar cho phù hợp với khí hậu nhiệt đới…

Hiện tại, nhiệm vụ của các tàu Petya đó là tác chiến săn ngầm trong biên đội tàu

Hiện tại, nhiệm vụ của các tàu Petya là tác chiến săn ngầm trong biên đội tàu

​Cơ cấu biên đội tàu chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam hiện tại có “hạt nhân” - 2 khinh hạm Gepard 3.9. Tùy theo nhiệm vụ mà cơ cấu biên đội tàu chiến sẽ có sự khác biệt nhất định.

Khi tác chiến diệt hạm, đi cùng với Gepard sẽ là tàu tên lửa cao tốc Project 1241.8/1241RE, cùng một vài tàu pháo TT-400TP hoặc Project 10412 Svetlyak làm nhiệm vụ hỗ trợ phòng không, chi viện hỏa lực …

Còn khi tác chiến chống ngầm thì sát cánh bên Gepard 3.9 là các tàu hộ vệ Petya với hệ thống vũ khí săn ngầm mạnh mẽ (bom chìm chống ngầm, giàn phóng rocket). Ngư lôi SET-53M của Petya có khối lượng 1,5 tấn, có khả năng tấn công mục tiêu tàu ngầm ở độ sâu đến 200m, với tầm bắn lên đến 14km. Khinh hạm Gepard sẽ mang theo các trực thăng Ka-28, làm nhiệm vụ trinh sát, phát hiện tàu ngầm từ xa.

Tàu Petya phóng rocket săn ngầm RBU trong diễn tập bắn đạn thật

Tàu Petya phóng rocket săn ngầm RBU trong diễn tập bắn đạn thật

Để bổ sung cho khả năng tấn công mục tiêu ngầm khá hạn chế của các giàn phóng bom chìm RBU-6000 trang bị trên Petya, trực thăng Ka-28 cũng có thể mang theo ngư lôi hoặc bom chống tàu ngầm.

Đội hình tàu chiến đấu phối hợp với khinh hạm Gepard 3.9 làm hạt nhân, tàu tên lửa cao tốc 1241.8/1241RE làm nhiệm vụ diệt hạm, tàu pháo TT-400TP hỗ trợ phòng không toàn biên đội, yểm hộ hỏa lực, tàu hộ vệ Petya và trực thăng Ka-28 phối hợp với nhau để săn ngầm là một đội hình tương đối mạnh, đồng đều cả 3 mặt tác chiến đối hải - đối không - chống ngầm.

Đội hình này lại hợp đồng tác chiến với tên lửa bờ biển (Bastion-P, Redut), máy bay chiến đấu Su-22, Su-27 và Su-30MK2 của không quân trong nhiệm vụ phòng không và diệt hạm, máy bay M-28 trong nhiệm vụ chống ngầm nên sẽ rất mạnh mẽ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển Việt Nam.

Trong đội hình đó, tàu hộ vệ săn ngầm Petya giữ một vị trí quan trọng, là vũ khí chủ lực tác chiến chống ngầm cho biên đội tàu. Điều này càng khẳng định, việc không tiến hành lắp đặt tên lửa chống tàu lên tàu Petya là hợp lý.

>> Quy mô 'khủng' của hạm đội tàu chiến Việt Nam được xuất khẩu

Uy lực của 'hỏa thần' Hải quân Việt Nam: Có thể bắn 10.000 viên/phút trên tàu chiến, là thứ vũ khí phòng không đáng sợ bậc nhất hiện nay

Công trình quân sự hoành tráng trên Thượng Thành Huế: Được trang bị hàng chục pháo đài, đại bác, hơn 200 năm vẫn sừng sững dù trải qua mưa bom bão đạn

Chiến hạm có sàn đáp trực thăng uy lực nhất của Việt Nam: Sở hữu khả năng tàng hình, hoạt động trong phạm vi 7.000km, trang bị loại vũ khí có thể nhấn chìm tàu tải trọng 5.000 tấn

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/chien-ham-san-ngam-manh-nhat-cua-viet-nam-co-kha-nang-tieu-diet-muc-tieu-cach-toi-6000m-duoc-menh-danh-la-sat-thu-bien-dong-d115119.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chiến hạm săn ngầm mạnh nhất của Việt Nam: Có khả năng tiêu diệt mục tiêu cách tới 6.000m, được mệnh danh là 'sát thủ' biển Đông
POWERED BY ONECMS & INTECH