Quốc tế

Chiến lược hướng đông của Thổ Nhĩ Kỳ

Huy Vũ Theo Foreign Affairs 20/02/2024 - 10:39

Vào cuối tháng 1, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO, chấm dứt gần hai năm bế tắc của chính quyền Ankara.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankar, tháng 10 năm 2023. Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankar, tháng 10 năm 2023. Ảnh: Reuters

Chính quyền Ankara bề ngoài đã ngăn cản Stockholm gia nhập liên minh quân sự vì Thụy Điển đã cho phép các thành viên và những người gây quỹ của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), một tổ chức ly khai đã giao tranh với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ, hoạt động trên lãnh thổ Thụy Điển.

Nhưng sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đối với tư cách thành viên của Thụy Điển đã tan biến sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đảm bảo được điều ông thực sự muốn: 40 máy bay chiến đấu F-16 từ Mỹ, nâng cấp thiết bị cho phi đội máy bay hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden.

Việc Washington đồng ý với thỏa thuận vũ khí trị giá 23 tỷ USD này không phải là vấn đề nhỏ. Lệnh cấm vận trên thực tế đối với việc Mỹ bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ đã được áp dụng kể từ khi Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga vào năm 2017.

Vào thời điểm đó, Quốc hội Mỹ đã đáp trả bằng cách trì hoãn yêu cầu mua máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các quan chức và nhà lập pháp Mỹ chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ mua vũ khí từ đối thủ NATO.

Ông Joe Biden cũng là lãnh đạo Mỹ duy nhất chưa mời ông Erdogan đến Nhà Trắng trong hai thập kỷ cầm quyền của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Mỹ rất mong muốn củng cố hàng ngũ NATO và trấn áp bất kỳ sự rạn nứt nào trong liên minh đến mức họ đã nhượng bộ trước các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tất cả những điều này đã mang lại cho ông Erdogan một chiến thắng ngoại giao khá rõ ràng. Các quan chức Mỹ thậm chí còn ám chỉ rằng Tổng thống Biden có thể sớm mời người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tới Nhà Trắng.

Một số nhà phân tích nhận định thỏa thuận này đại diện cho một sự tái thiết lập lớn trong mối quan hệ của Mỹ - Thổ. Việc cho phép Thụy Điển gia nhập NATO có thể báo trước một thời kỳ "nồng ấm" hơn trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây, đồng thời có thể báo hiệu sự liên kết chặt chẽ hơn của Thổ Nhĩ Kỳ với các thành viên cốt lõi của NATO trong mọi vấn đề.

Điều đó sẽ hiểu sai định hướng địa chính trị thực sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Thay vào đó, thỏa thuận này phản ánh bản chất giao dịch cơ bản của chính sách đối ngoại dưới thời Erdogan, một nhà lãnh đạo sẵn sàng nhìn về phía đông, phía tây, phía bắc và phía nam để theo đuổi tham vọng của mình.

Quả thực, một sự thay đổi sâu sắc và quan trọng hơn đang diễn ra bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, một sự thay đổi mà ngay cả trong bối cảnh đang có sự hòa giải hiện nay về việc mở rộng NATO, đang kéo nước này ra xa phương Tây.

Mustafa Kemal Ataturk, người sáng lập nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, đã biến đất nước này thành một nước cộng hòa thế tục ở châu Âu. Nhiều nhà lãnh đạo và giới tinh hoa Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ Ataturk trong việc cố gắng định hình nhà nước và các thể chế của nó theo đường hướng của châu Âu.

Họ đảm bảo đất nước gia nhập NATO vào năm 1952 và trong những thập kỷ sau đó sẽ cố gắng gia nhập Liên minh châu Âu. Nhưng ít nhất là kể từ những năm đầu của thế kỷ này, giới tinh hoa Thổ Nhĩ Kỳ vốn cảm tình với phương Tây đang bắt đầu mất quyền kiểm soát đối với một xã hội mà họ đã cố gắng lãnh đạo kể từ khi thành lập đất nước vào năm 1923.

Erdogan là hiện thân của sự thay đổi đó ngay cả khi ông không chủ đích như vậy. Không giống như Ataturk, người xuất thân từ vùng châu Âu thuộc Đế chế Ottoman, Tổng thống Erdogan đến từ bán đảo Anatolia. Lực lượng ủng hộ của Erdogan bao gồm những tín đồ Hồi giáo ngoan đạo, nhiều người trong số họ chưa bao giờ hoàn toàn chấp nhận chủ nghĩa thế tục triệt để của Ataturk.

Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Erdogan ít có gắn bó tình cảm và chính trị hơn với phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ mới mà ông Erdogan đã xây dựng không phải ở châu Âu mà ở nội địa Thổ Nhĩ Kỳ. Chính sách đối ngoại của nước này thể hiện sự nhạy cảm về chính trị và văn hóa của người Anatolia, khác xa với đặc tính thế tục của giới tinh hoa đã sáng lập ra đất nước.

Điều này không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ từ bỏ vị trí của mình trên bàn đàm phán phương Tây. Xét cho cùng, nỗ lực gia nhập phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ, bắt nguồn từ những nỗ lực đầu tiên nhằm châu Âu hóa của giới tinh hoa Ottoman vào đầu thế kỷ 18, cũng lâu đời như chính châu Âu hiện đại.

Thay vào đó, với trọng tâm hiện nay nằm ở Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ có thể được kỳ vọng sẽ định vị mình là một cường quốc nối phương Tây với phần còn lại của thế giới. Quan điểm chịu ảnh hưởng của châu Âu đã chi phối chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ mới sẽ tự do can dự với các nước khác mà không quan tâm đến các mục tiêu hoặc ưu tiên của phương Tây. Đó là bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ hiện nhìn thế giới qua lăng kính Anatolia.

Sự dịch chuyển của Thổ Nhĩ Kỳ

Các quốc gia có thể tự nhổ bỏ gốc rễ của mình. Người ta thường nói Ba Lan “chuyển động” vào đầu thế kỷ XX. Sau Thế chiến thứ nhất, Ba Lan bao gồm các phần của Ukraine, Litva và Belarus ngày nay. Nhưng sau Thế chiến thứ hai, nước dịch chuyển về phía tây sau khi mất lãnh thổ phía đông và giành được những vùng lãnh thổ của Đức. Ba Lan dịch chuyển về mặt vật lý từ đông sang tây.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đi theo hướng ngược lại. Vào cuối thế kỷ 19, dưới thời Ottoman, nhiều trung tâm đô thị lớn của đế quốc nằm ở các tỉnh châu Âu thuộc vùng Balkan, bao gồm Shkoder (ở Albania ngày nay), Pristina (ở Kosovo ngày nay), Plovdiv (ở Bulgaria ngày nay), Skopje (ở Bắc Macedonia ngày nay) và Thessaloniki (ở Hy Lạp ngày nay). Thessaloniki, quê hương của Ataturk, đặc biệt tỏa sáng khi là thành phố lớn thứ hai của đế chế (sau Istanbul) và là thủ phủ văn hóa và thương mại của cả đế chế.

Nhưng người Ottoman đã mất phần lớn các vùng lãnh thổ châu Âu này, ngoại trừ Istanbul và một dải lãnh thổ ở giữa, vào cuối Chiến tranh Balkan năm 1912–1913. Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại cuối cùng đã dịch chuyển về Anatolia ở phía đông, hình thành trên vùng cao nguyên Tiểu Á rộng lớn, bao gồm cả các khu vực truyền thống của người Kurd và những khu vực gần đây có người Armenia ở phía đông Anatolia.

Để "neo đậu" đất nước ở Anatolia, Ataturk đã chọn thủ đô mới là Ankara, nằm ở trung tâm thảo nguyên bán đảo và là căn cứ cũ của ông trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ. Ban đầu được thiết kế như một thành phố vườn với các biệt thự, gợi nhớ đến những thành phố Đông Âu đã bị mất trong những thập kỷ trước, Ankara tượng trưng cho sự ra đời của một quốc gia châu Âu từ đống tro tàn của Đế chế Ottoman.

Vào thời điểm thành lập nền cộng hòa, giới tinh hoa của Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người trong số họ sinh ra ở châu Âu và chuyển đến Anatolia trong thời kỳ Đế chế Ottoman sụp đổ, đã giữ vững những ý tưởng chịu ảnh hưởng của châu Âu về nghệ thuật quản lý nhà nước và đời sống xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của tập đoàn này, Ataturk đã đẩy Hồi giáo vào phạm vi riêng tư, cấm các tổ chức huynh đệ tôn giáo, thanh lọc Hồi giáo khỏi luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ và tiến gần đến việc đặt giáo dục tôn giáo ra ngoài vòng pháp luật.

Ngoài ra, ông đã thay đổi bảng chữ cái của đất nước từ chữ viết dựa trên tiếng Ả Rập sang chữ La Mã, xóa các từ tiếng Ả Rập và tiếng Ba Tư khỏi tiếng Thổ Nhĩ Kỳ trong khi vẫn giữ lại các từ vay mượn từ tiếng Pháp và tiếng Ý. Thổ Nhĩ Kỳ cũng bỏ lịch Hegira của đạo Hồi để thay thế lịch Gregorian của phương Tây và cấm đội mũ cầu nguyện (fez) và khăn xếp đối với nam giới. Bằng cách này, người sáng lập Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại đã cứng rắn định hình đất nước để gắn kết chặt chẽ với phương Tây.

Ataturk và những người theo ông, được gọi là những người theo chủ nghĩa Kemal, từ các quan chức cấp cao cho đến những giáo viên đã đi khắp Anatolia để truyền bá đặc tính thế tục hiện đại mới. Những người theo chủ nghĩa Kemal đôi khi cảm thấy bối rối khi đến bán đảo Anatolia và gặp gỡ những cư dân bảo thủ và ngoan đạo ở đó.

Một nhà văn của thời đại này, Sevket Sureyya Aydemir, một trí thức nổi tiếng theo chủ nghĩa Kemal có gốc gác ở Bulgaria, đã mô tả Anatolia trong cuốn hồi ký năm 1959 của ông: “chẳng là gì ngoài một mảnh vỏ trái đất đã chết”.

Tuy nhiên, dự án châu Âu của Ataturk không chỉ giới hạn trong giới tinh hoa của đất nước. Trong quá trình tan rã của Đế chế Ottoman, bắt đầu từ thế kỷ 19, hàng triệu người Thổ Nhĩ Kỳ và người Hồi giáo không phải người Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm người Albania, người Bosnia, người Bulgaria, người Hy Lạp và người Macedonia, đã chuyển đến Anatolia.

Cùng với những người Hồi giáo bị Nga trục xuất khỏi các lãnh thổ Ottoman cũ ở phía bắc Biển Đen (như Circassia và Crimea), người Hồi giáo gốc châu Âu chiếm gần 40% dân số Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm Ataturk thành lập nước cộng hòa vào năm 1923. Họ có xu hướng ủng hộ dự án thế tục hóa nghiêm ngặt của Ataturk.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại đã trở thành một nền dân chủ đa đảng vào những năm 1950, chưa đầy hai thập kỷ sau cái chết của Ataturk vào năm 1938, và những người theo chủ nghĩa Kemal của ông ở cả cánh tả và cánh hữu, nhiều người trong số họ sinh ra ở vùng Balkan hoặc con cháu của những người nhập cư từ châu Âu, đã duy trì ý tưởng về Thổ Nhĩ Kỳ như một quốc gia dân chủ đa đảng và là một thực thể của châu Âu.

Sự phát triển dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ sau Thế chiến thứ hai và sự hòa nhập vào phương Tây trong Chiến tranh Lạnh càng củng cố thêm tuyên bố của nước này về bản sắc châu Âu và phương Tây. Ankara đã gia nhập nhiều tổ chức liên châu Âu, như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Hội đồng Châu Âu, với tư cách là thành viên sáng lập và được kết nạp vào NATO ngay sau khi liên minh được thành lập.

Tuy nhiên, khi một thế kỷ trôi qua, mối liên hệ giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên mờ nhạt. Khi Erdogan lên nắm quyền vào năm 2003, người Anatolia bản địa chiếm đại đa số dân số Thổ Nhĩ Kỳ. Đến từ vùng nội địa thảo nguyên của bán đảo, miền núi phía đông và vùng duyên hải Biển Đen, nhóm dân cư này có xu hướng sùng đạo Hồi giáo và phần lớn chưa bao giờ hoàn toàn thoải mái với dự án thành lập nền cộng hòa theo chủ nghĩa thế tục.

Khi những người Thổ Nhĩ Kỳ nội địa bảo thủ này bắt đầu gia nhập tầng lớp trung lưu và leo lên các bậc thang quyền lực chính trị, bản sắc châu Âu mà Ataturk muốn gìn giữ càng trở nên mỏng manh hơn sau mỗi thập kỷ. Không giống như những người theo chủ nghĩa Kemal, giới tinh hoa Anatolia mới không coi mình là người châu Âu, và quan điểm của họ đã trở thành trung tâm của bản sắc địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ.

Người viết sinh ra ở Anatolia và lớn lên ở Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối thế kỷ 20, nơi tôi nhận được nền giáo dục nghiêm túc theo chủ nghĩa Kemal. Ngay cả với nền giáo dục đó, trong những năm tuổi thiếu niên, tôi vẫn bối rối khi quan sát cách Thổ Nhĩ Kỳ bám lấy bản sắc châu Âu. Ở trường, chúng tôi dành nhiều ngày để nghiên cứu các nước châu Âu, kể cả một số nước xa xôi, trong khi chương trình giảng dạy chỉ lướt qua các nước láng giềng Trung Đông của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ hiểu Trung Đông giống như cách nhiều người Argentina nhìn nhận về Mỹ Latinh.

Giống như người Argentina nói rằng họ không thực sự là người Mỹ Latinh mà là người châu Âu tình cờ sống ở châu Mỹ Latinh, chủ nghĩa Kemal khuyến khích các công dân của họ nghĩ rằng người Thổ Nhĩ Kỳ, trên thực tế, là người châu Âu tình cờ sống gần Trung Đông. Trên các mạng truyền hình địa phương của Thổ Nhĩ Kỳ, dự báo thời tiết quốc tế sẽ chiếu một bản đồ châu Âu không tập trung vào Thổ Nhĩ Kỳ mà thường tập trung vào Thụy Sĩ, với Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở góc dưới của bản đồ, như thể người Thổ Nhĩ Kỳ nên tưởng tượng đất nước của họ như một phần phụ của toàn bộ châu Âu lớn hơn.

Tuy nhiên, châu Âu lại do dự hơn về mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Từ năm 1995 đến năm 2013, trong quá trình mở rộng nhanh chóng sau sự sụp đổ của Liên Xô và kết thúc Chiến tranh Lạnh, Liên minh Châu Âu đã tiếp nhận 16 quốc gia mới. Lúc đầu, có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ có thể gia nhập nhóm này: quá trình gia nhập của họ đã bắt đầu trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1987 và nhận được cơ hội khi Erdogan lên nắm quyền vào năm 2003.

Tổng thống Erdogan được các nhà quan sát châu Âu ca ngợi là hình mẫu nhà lãnh đạo Hồi giáo kiểu mới với phong cách ôn hòa, sẵn sàng cam kết sâu sắc với các thể chế dân chủ. Năm 2005, EU bắt đầu đàm phán chính thức với Thổ Nhĩ Kỳ về tư cách thành viên.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở bên rìa EU. Ngay sau khi các cuộc đàm phán bắt đầu, Brussels đã thông báo cho Ankara rằng sẽ không có lời đề nghị gia nhập thành viên nào. Bề ngoài, quyết định đó liên quan đến tranh chấp dai dẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Síp về Bắc Síp, nhưng trên thực tế, Pháp và Đức không muốn chào đón một quốc gia có quy mô và sức nặng như Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh. EU trước đây chưa bao giờ bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập với một quốc gia không đưa ra lời đề nghị trở thành thành viên. Tín hiệu đặc biệt lần này rất rõ ràng: châu Âu không phải là nhà của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng với các cuộc đàm phán đáng thất vọng với EU, chính quyền của ông Erdogan đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ giữ vững vị trí ở Anatolia. Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan là minh chứng cho sự trỗi dậy của người Anatolia trong nước. AKP là một cỗ máy được thúc đẩy bởi các cử tri, doanh nghiệp, giới tinh hoa và một đặc tính bắt nguồn từ nội địa Anatolia và bờ Biển Đen và ở phía đông, bao gồm nhiều người Kurd.

Nội các của ông Erdogan đầy rẫy các chính trị gia từ những khu vực này. Các chính trị gia có quan hệ với người Balkan từng thống trị nội các trước khi Erdogan nổi lên đều đã biến mất. Điều tương tự cũng xảy ra trong các bộ máy như tòa án cấp cao và các cơ quan truyền thông quan trọng, nhiều cơ quan trong số đó đã được tiếp quản bởi những người Anatolia có thiện cảm với ông Erdogan.

TUSIAD - tổ chức vận động hành lang kinh doanh thân châu Âu đầy quyền lực của Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhận thấy ảnh hưởng của mình giảm dần trong những năm gần đây. Bị thống trị bởi các doanh nghiệp ở Istanbul và Izmir được thành lập bởi những người đến từ các tỉnh châu Âu cũ của Đế chế Ottoman, TUSIAD thường thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị trong nước; họ kêu gọi gia nhập EU vào những năm 1980 và tài trợ cho một nghiên cứu táo bạo vào những năm 1990, ở đỉnh điểm của cuộc nổi dậy PKK, nhằm đề xuất một giải pháp chính trị cho chủ nghĩa ly khai của người Kurd.

Tuy nhiên, kể từ khi Erdogan lên nắm quyền, một tầng lớp doanh nghiệp khác đã nắm quyền và định hình chương trình nghị sự chính trị. Các doanh nghiệp và tỷ phú do người Anatolia điều hành duy trì quan hệ kinh tế với Nga và tăng cường dấu ấn chính trị ở Nam toàn cầu.

Sự tiếp quản của người gốc Anatolia chỉ đơn giản là sản phẩm của sự thay đổi nhân khẩu học của Thổ Nhĩ Kỳ trong những thập kỷ qua và sự ảnh hưởng ngày càng giảm của giới tinh hoa thế tục cũ đối với xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan không phải là nguyên nhân của sự thay đổi này mà là một dẫn chứng. Giới tinh hoa Anatolia mới của Thổ Nhĩ Kỳ đã nắm quyền và họ không nhìn nhận bản sắc của đất nước theo các điều khoản do Ataturk và những người kế nhiệm theo chủ nghĩa Kemal của ông đặt ra.

Tập đoàn gốc Anatolia, vốn thường được truyền bá bởi các dòng Hồi giáo bảo thủ hơn, cũng coi Hồi giáo là bản sắc dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, những tầng lớp ưu tú mới này tôn vinh đạo Hồi một cách mạnh mẽ như cách Ataturk từng cố gắng đàn áp tôn giáo này.

Phong trào AKP từ lâu đã tìm cách thách thức và sau đó loại bỏ sự gắn bó của Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu và phương Tây, và cùng với đó, cam kết của nước này đối với chủ nghĩa thế tục kiểu châu Âu. Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Erdogan đã dỡ bỏ lệnh cấm khăn trùm đầu, đồng thời cho phép đạo Hồi tràn vào chương trình giáo dục và đời sống chính trị của đất nước.

Dưới thời Erdogan, mối quan hệ với Nga đã được cải thiện. Hai nước là những đối thủ cạnh tranh lịch sử và họ ở các phe khác nhau trong các cuộc chiến ở Syria, Libya, Nam Kavkaz và Ukraine. Ankara đã và đang cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ quan trọng về chính trị và quân sự. Bất chấp sự cạnh tranh này, Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có mối quan hệ chặt chẽ kể từ năm 2016, khi âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ thất bại.

Vào thời điểm đó, các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm cả Mỹ, đã bỏ lỡ một cơ hội lớn khi không ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ và nền dân chủ của nước này sau nỗ lực đảo chính. Tổng thống Nga Putin, bằng một cách khôn ngoan, đã tiếp đón Erdogan chỉ hai tuần sau cuộc đảo chính, hình thành nên mối quan hệ kéo dài cho đến ngày nay. Đổi lại, điều đó đã cho phép Ankara và Moscow xây dựng các thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Syria và Libya, nơi họ ủng hộ các bên khác nhau trong cuộc xung đột. Hai nước cũng chứng kiến mối quan hệ thương mại và du lịch đang bùng nổ cũng như quan niệm chung đang nổi lên giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và người Nga rằng cả hai đều là “các dân tộc ở giữa”, không thể phân loại thành một bản sắc duy nhất trên toàn cầu.

Vị thế bền vững

Một trăm năm sau khi được thành lập bởi Ataturk, Thổ Nhĩ Kỳ đang ổn định vị trí của mình, giống như một ngôi nhà đã ổn định từ nền móng của nó: ở Anatolia, tại ngã tư giữa Trung Đông, châu Âu và châu Á. Nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ này vẫn coi mình là một phần của châu Âu, nhưng không gây phương hại cho các hiệp hội khác. Ankara giờ đây có thể tự do hợp tác với Iran, Nga, Mỹ, các quốc gia giàu có ở vùng Vịnh, châu Âu và các chủ thể khu vực và toàn cầu khác mà không cảm thấy rằng mình phải chọn một đối tác ưa thích. Trong khi các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ở thế kỷ 20 có tình cảm gắn bó với châu Âu thì ông Erdogan lại không như vậy. Thổ Nhĩ Kỳ của ông tự chủ hơn và tin tưởng vào những đức tính của chính mình.

Tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ mới này sẽ vẫn là thành viên của NATO, điều này mang lại dấu ấn cho Ankara cũng như sự bảo vệ từ Moscow (đến một lúc nào đó, giới tinh hoa Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại, mối quan hệ giữa hai nước có thể một lần nữa trở nên thù địch hơn) và tạo đòn bẩy với các cường quốc NATO khác. Nhưng nó sẽ đồng thời củng cố mối quan hệ và quan hệ đối tác với các nước ở Trung Đông và Âu - Á.

Ở Trung Đông, Erdogan gần đây đã thiết lập lại mối quan hệ của Ankara với Riyadh. Mối quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi sau vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi ở Istanbul vào năm 2018, khi các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ liên kết Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman với vụ giết người. Nhưng vào tháng 3 năm 2023, các tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển quyền truy tố thái tử sang các tòa án Ả Rập Xê Út. Đổi lại, Quỹ Phát triển Ả Rập Saudi đã gửi gần 5 tỷ USD vào ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ nền kinh tế đang gặp khó khăn của nước này ngay trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 5 ở Thổ Nhĩ Kỳ mà ông Erdogan đã giành chiến thắng.

Thổ Nhĩ Kỳ mới có nhiều bản sắc, không có bản sắc nào độc quyền hoặc dễ phân loại: nếu là một quốc gia Trung Đông, thì đây cũng là quốc gia Trung Đông duy nhất nắm vị thế cường quốc Biển Đen. Và nếu đó là một quốc gia châu Âu, thì đó là quốc gia châu Âu duy nhất giáp Iran. Và nếu đó là một cường quốc Á-Âu thì đó là cường quốc duy nhất thuộc về NATO.

Ông Erdogan thích được coi là trung tâm của mọi việc, trong khi thế giới đang xoay quanh Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà lãnh đạo 69 tuổi này đã cố gắng đóng vai trò là trọng tài trong cuộc chiến ở Ukraine, đóng vai trò tích cực ở Nam Caucasus và thể hiện sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ ở Sahel, Sừng châu Phi, Nam Kavkaz và Tây Balkan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng thích trở thành người thương lượng hoặc trung gian trong các cuộc xung đột khu vực, điều này đã nâng cao vị thế vốn đã rất hoành tráng của ông ở quê nhà.

Rốt cuộc, sau ngần ấy năm ồn ào, Erdogan giờ đây có thể không mấy quan tâm đến việc gây mâu thuẫn với phương Tây. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2023, ông Erdogan không còn phải đối mặt với bất kỳ thách thức đáng kể nào trong nước và đang bước vào giai đoạn xây dựng di sản trong sự nghiệp của mình.

Sau khi định hình lại con đường địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, giờ đây ông muốn để lại một di sản tích cực. Điều này mang đến cho Tổng thống Mỹ Biden, hay người kế nhiệm ông Biden, một cơ hội để nắm lấy Thổ Nhĩ Kỳ mới và tận dụng ảnh hưởng của Ankara trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực lớn.

Ankara có thể háo hức hợp tác với Washington trong một loạt vấn đề, bao gồm việc tái thiết Ukraine và Gaza cũng như chống lại ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc ở châu Phi và vùng Balkan, ngay cả khi nước này vẫn duy trì mối quan hệ với Nga và các chế độ quân chủ vùng Vịnh. Thổ Nhĩ Kỳ đã từ bỏ mọi mong muốn gia nhập phương Tây và Mỹ phải nhận ra rằng quan điểm đa liên kết của nước này vẫn tiếp tục tồn tại.

Bài viết thể hiện quan điểm của Soner Cagaptay, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington (Mỹ).

>> Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang vòng thử nghiệm thứ hai đồng Lira kỹ thuật số

Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang vòng thử nghiệm thứ hai đồng Lira kỹ thuật số

Ủy ban Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt Thụy Điển vào NATO

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/chien-luoc-huong-dong-cua-tho-nhi-ky-post143717.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chiến lược hướng đông của Thổ Nhĩ Kỳ
    POWERED BY ONECMS & INTECH