Chiến lược mới của Mỹ với Li-băng: Mặc kệ cuộc xung đột diễn ra
Sau nhiều nỗ lực triển khai các hoạt động ngoại giao dồn dập để xúc tiến thoả thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah, Mỹ chuyển sang cách tiếp cận hoàn toàn khác: Mặc kệ cuộc xung đột ở Li-băng diễn ra.
Một phụ nữ che mũi và miệng khi đi qua địa điểm vừa bị Israel ném bom, ngày 12/10. (Ảnh: Reuters) |
Chỉ 2 tuần trước, Mỹ và Pháp kêu gọi các bên chấp thuận thoả thuận ngừng bắn trong 21 ngày để tránh nguy cơ Israel đưa bộ binh vào Li-băng. Nỗ lực đó thất bại vì vụ Israel ám sát lãnh đạo Hezbollah Syed Hassan Nasrallah, việc Israel đưa bộ binh vào Li-băng và liên tục tấn công hàng ngũ lãnh đạo của lực lượng thân Iran.
Giờ đây, các quan chức Mỹ từ bỏ lời kêu gọi ngừng bắn, cho rằng hoàn cảnh đã thay đổi.
"Chúng tôi ủng hộ Israel triển khai cuộc tấn công này nhằm làm suy giảm cơ sở hạ tầng của Hezbollah để có thể tiến tới một giải pháp ngoại giao", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Matthew Miller nói với báo chí đầu tuần này.
Sự thay đổi cách tiếp cận cho thấy Mỹ mâu thuẫn với mục tiêu của mình: Vừa muốn kiềm chế cuộc xung đột ngày càng leo thang ở Trung Đông vừa muốn lực lượng Hezbollah thân Iran suy yếu.
Cách tiếp cận mới của Mỹ vừa thực tế vừa rủi ro. Mỹ và Israel đều hưởng lợi kẻ thù chung – Hezbollah – thất bại, nhưng việc Washington khuyến khích chiến dịch quân sự mở rộng của Israel có thể khiến xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát.
Jon Alterman, một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ về đàm phán Trung Đông, cho biết Mỹ muốn Hezbollah suy yếu, nhưng phải cân nhắc nguy cơ tạo ra khoảng trống ở Li-băng hoặc gây ra một cuộc chiến tranh khu vực.
Aaron David Miller, cựu chuyên gia đàm phán của Mỹ về Trung Đông, cho biết Washington khó có thể kiềm chế Israel và nhìn thấy lợi ích tiềm năng của mình trong chiến dịch tấn công của đồng minh.
Thời điểm này, không có cuộc đàm phán ngừng bắn nào diễn ra, các nguồn tin từ châu Âu cho biết. Họ nói thêm rằng Israel sẽ tiếp tục chiến dịch ở Li-băng "trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng nữa”.
Hai quan chức Mỹ nói với Reuters rằng thời gian đó có thể đúng.
Đối với Mỹ, chiến dịch của Israel có thể mang lại ít nhất hai lợi ích.
Đầu tiên, nó sẽ làm suy yếu Hezbollah - lực lượng ủy nhiệm mạnh nhất của Iran – từ đó kiềm chế ảnh hưởng của Tehran trong khu vực và giảm bớt mối đe dọa đối với Israel và các lực lượng Mỹ ở khu vực.
Washington cũng tin rằng áp lực quân sự có thể buộc Hezbollah phải hạ vũ khí và mở đường cho việc bầu cử để bầu ra một chính phủ mới ở Li-băng, nhằm hất cẳng phong trào dân quân hùng mạnh vốn đóng vai trò quan trọng ở Li-băng trong nhiều thập kỷ qua.
Các quan chức Mỹ cho biết, Washington tin rằng việc trao đổi với các bên nhằm đạt được mục tiêu này có thể diễn ra khi chiến sự tiếp diễn, dù giới phân tích cảnh báo nguy cơ chiến tranh mở rộng ra khu vực, đặc biệt khi Israel đang tính biện pháp đáp trả Iran.
Ngoài ra còn có nguy cơ Mỹ bị kéo vào chiến tranh khu vực, và nỗi sợ rằng Li-băng sẽ biến thành một Dải Gaza khác.
Bất chấp những rủi ro đó, ông Alterman cho rằng ngoại giao khó có thể sớm chấm dứt chiến sự.
"Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thấy tất cả các trò chơi của ông ấy được đền đáp và có vẻ Israel cảm thấy họ không nên dừng tấn công để đánh mất lợi thế của mình”, ông Alterman nói.