Hiện toàn bộ diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã áp dụng xử lý ra hoa trái vụ. Trong đó, có gần 91% diện tích trồng thanh long đang dùng bóng đèn tiết kiệm điện để chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2020 đã xác định nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước tại Việt Nam, cùng với y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.
Báo cáo tại phiên họp chuyên đề "Phát triển kinh tế số các ngành, các lĩnh vực" của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số mới đây, trên cơ sở phân tích tồn tại, vướng mắc trong phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ, trong đó có việc xác định 5 ngành, lĩnh vực cần đột phá về chuyển đổi số gồm Công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; logistics, dệt may và nông nghiệp.
“Triển khai giải pháp chiếu sáng thông minh vào chuyển đổi số nông nghiệp” do đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Thuận trình bày là tham luận duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp được Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, lựa chọn chia sẻ với các đại biểu tham dự phiên họp chuyên đề thứ hai trong năm nay của Ủy ban.
Đây được nhận định là một trong những bài học kinh nghiệm hữu ích cho các địa phương trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của địa phương của mình.
Là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận có tổng diện tích đất nông nghiệp 71.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 357.000 ha. Địa phương này đặt mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao để triển khai tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận xác định cây thanh long là cây trồng có nhiều lợi thế để phát triển, là 1 trong 9 cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Hiện nay, diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận là gần 27.000 ha, với sản lượng 500.000 tấn/năm; giá trị thanh long mang lại cho nền kinh tế tỉnh nhà bình quân khoảng 350 - 400 triệu USD/năm.
“Những kết quả từ việc sản xuất thanh long trong thời gian qua có được là nhờ sự hỗ trợ của các nhà khoa học và sự cần cù chịu khó của bà con nông dân trong việc tìm tòi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; trong đó, đáng chú ý là sử dụng ánh sáng đèn để chiếu sáng xử lý thanh long ra hoa trái vụ và sản xuất theo GAP”, ông Lê Thanh Sơn nhấn mạnh.
Chia sẻ cụ thể về việc địa phương ứng dụng đèn led trong sản xuất nông nghiệp, ông Lê Thanh Sơn cho biết, để sản xuất bền vững và nâng cao giá trị của quả thanh long, tỉnh Bình Thuận đã tuyên truyền, khuyến khích người sản xuất thay thế bóng đèn sợi đốt có công suất tiêu thụ cao (60-75W) bằng các loại bóng đèn có công suất tiêu thụ thấp hơn như đèn compact (18-20W), đèn Led loại 14-15W và 6 – 12W để chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ.
Quang phổ được tạo ra từ ánh sáng Led gần với quang phổ được tạo ra từ ánh sáng mặt trời, nên cây thanh long có thể hấp thụ được tối đa để phân hoá mầm hoa, giúp cây phát triển tốt trong điều kiện ngày ngắn hơn đêm.
Đến nay, 100% diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã áp dụng xử lý ra hoa trái vụ, trong đó có khoảng 24.545 ha/27.000 ha thanh long sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện gồm đèn compact và đèn led để chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ.
Qua tính toán sử dụng đèn compact, đèn led cho toàn bộ diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh, mỗi năm sẽ tiết kiệm 170,2 triệu kWh điện, tương đương 230 tỷ đồng/năm, chi phí đầu tư của người trồng giảm 679 tỷ đồng.
Đồng thời, giải pháp này cũng giúp người dân tăng thu nhập và đặc biệt là giảm lượng phát thải từ sử dụng điện năng, giúp sản xuất thanh long xanh hơn, góp phần bảo vệ môi trường.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, ngoài thanh long, hiện giải pháp chiếu sáng thông minh với đèn tiết kiệm điện còn được địa phương ứng dụng trong lĩnh vực thủy sản.
Cụ thể, đèn led được ứng dụng trên tàu khai thác thuỷ sản xa bờ như máy chụp mực, qua đó giúp nâng cao hiệu quả đánh bắt. Qua đánh giá, quang thông, độ rọi, hiệu suất chiếu sáng, tuổi thọ… của đèn led đều vượt trội so với đèn cao áp, huỳnh quang, sợi đốt. Ngoài ra, đèn led còn tiết kiệm nhiên liệu chạy máy phát điện trên tàu, giảm chi phí, tăng hiệu quả đánh bắt và tăng thu nhập.
“Việc ứng dụng đèn led trong sản xuất thanh long và khai thác hải sản mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đồng thời, giúp giảm lượng tiêu thụ điện, giảm chi phí sản xuất, giảm lượng phát thải từ sử dụng điện năng, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận Lê Thanh Sơn đánh giá.
Quy định mới giúp giảm thiểu các hành vi tiêu cực trên không gian mạng
Đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục tạo bước chuyển biến căn bản trong triển khai thực hiện Đề án 06