Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét phương án gia hạn trả nợ khoản vay 4.000 tỷ đồng của Vietnam Airlines (HVN) trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sắp tới.
Trong báo cáo tài chính quý I/2024 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HoSE: HVN), Vietnam Airlines ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc khi báo lãi sau thuế đạt 4.441,1 tỷ đồng, lên cao kỷ lục dù nhiều quý trước đó vẫn lỗ đậm.
Tính đến thời điểm ngày 31/3, tổng phải trả đạt 68.872 tỷ đồng. Trong đó, HVN vẫn phải gồng gánh hơn đạt 24.401 tỷ đồng nợ vay, chiếm 35% tổng nợ. Ngoài ra, trong vòng 1 năm sắp tới, HVN dự kiến thanh toán 4.163 tỷ đồng khoản nợ thuê tài chính trong đó có 3.667 tỷ đồng nợ gốc và 495 tỷ đồng tiền lãi thuê.
Việc vay nợ nhiều cũng khiến cho HVN chịu gánh nặng chi phí lãi vay rất lớn. Ước tính trong quý I/2024, HVN phải trả hơn 3,8 tỷ đồng lãi vay mỗi ngày.
Vietnam Airlines (HVN) chịu áp lực lớn thanh toán các khoản nợ thuê tài chính |
Đáng chú ý, theo thông tin mới nhất từ Báo Thanh niên, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sắp diễn ra vào ngày 25/5, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay 4.000 tỷ theo Nghị quyết số 135 năm 2020 của Quốc hội khóa XIV để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines (HVN).
Theo ông Trần Văn Sơn - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết đây là nội dung "rất quan trọng, cấp bách, cần xin ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp" mà Chính phủ dự kiến xin bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 7.
Ông Sơn cũng đánh giá, tình hình tài chính của Vietnam Airlines hiện nay rất khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Do vậy, Chính phủ xin Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay.
Được biết, khoản vay 4.000 tỷ đồng được Vietnam Airlines ký kết với 3 ngân hàng thương mại là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vào tháng 7/2021. Theo hợp đồng ký kết, khoản vay này sẽ hết hạn vào tháng 7/2024 tới đây.
Theo đó, nếu phương án này được Quốc hội thông qua, Vietnam Airlines tiếp tục sử dụng khoản vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm mà không cần tài sản đảm bảo.
Giả định với lãi suất cho vay bình quân của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeaBank là 8,96%, HVN sẽ có thể ‘tiết kiệm’ 358,4 tỷ đồng gánh nặng chi phí lãi vay mỗi năm nhờ khoản vay 'free' trị giá 4.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại.
Thị giá HVN tăng gấp đôi trong vòng gần 5 tháng |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư. Đặc biệt là sau khi công bố kết quả kinh doanh quý I/2024, thị giá HVN ghi nhận mức tăng hơn 26% với 2 phiên tăng kịch trần đi kèm với khối lượng giao dịch đột biến, trung bình đạt 5-6 triệu đơn vị “sang tay”.
Nhìn rộng hơn, kể từ nửa sau tháng 12/2023 tới nay, thị giá HVN đã tăng gấp đôi từ ngay sát mệnh giá (mức tăng mạnh nhất sau hơn 6 năm).
>> Vietnam Airlines (HVN): Cổ phiếu 'chạy' trước đề án tái cơ cấu, dòng tiền cá mập 'đánh trận đầu'