Vĩ mô

Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù cho 6 địa phương sau sáp nhập

Minh Anh 19/05/2025 - 14:53

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép các địa phương sau sáp nhập gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TPHCM, Cần Thơ và Đắk Lắk được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trước đây.

Theo tờ trình sáng 19/5 của Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trước Quốc hội, việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết 60 của Trung ương khóa XIII sẽ đưa Việt Nam bước vào giai đoạn tối ưu hóa bộ máy với mô hình chính quyền địa phương hai cấp: tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và xã/phường.

Từ 63 tỉnh, thành phố hiện nay sẽ chỉ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, tức giảm gần 50%. Cấp huyện – vốn là một tầng nấc trung gian, sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn.

Đáng chú ý, trong 10 địa phương hiện đang được áp dụng các cơ chế đặc thù (theo luật và nghị quyết riêng của Quốc hội), có 6 tỉnh thành sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp sau sáp nhập: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Cần Thơ và TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Đây đều là các đô thị trung tâm, động lực tăng trưởng vùng hoặc quốc gia – nơi đang triển khai các chính sách ưu tiên về tài chính, ngân sách, đầu tư công, phân cấp quản lý, và huy động nguồn lực xã hội.

"Nếu cắt ngang các cơ chế đặc thù này ngay sau khi sáp nhập, không chỉ làm chững lại quá trình phát triển, mà còn có thể tạo ra khoảng trống pháp lý nghiêm trọng trong xử lý đầu tư, ngân sách, nghĩa vụ tài chính, và quản lý địa phương", Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù cho 6 địa phương sau sáp nhập

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, nếu cắt ngang các cơ chế đặc thù này ngay sau khi sáp nhập, không chỉ làm chững lại quá trình phát triển, mà còn có thể tạo ra khoảng trống pháp lý nghiêm trọng trong xử lý đầu tư. Ảnh: Phạm Thắng.

>>>Không có 30 tỷ thì đứng ngoài cuộc chơi: Doanh nghiệp nhỏ bế tắc vì không thuê nổi đất khu công nghiệp

Với mục tiêu “duy trì tính liên tục, ổn định quy định pháp luật, trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội”, Chính phủ đề xuất cho phép các địa phương kể trên tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù hiện hành như chưa hề có cuộc sáp nhập, để tạo động lực tăng trưởng mới, sức bật cho các địa phương.

Riêng TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hiện đang thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc biệt tại cấp xã, phường, sẽ tiếp tục được hưởng các cơ chế này sau khi hoàn tất việc sắp xếp.

Trong khi Chính phủ kỳ vọng đây sẽ là liều thuốc tăng trưởng, giúp 6 tỉnh thành không bị hụt hơi trong giai đoạn chuyển tiếp, thì phía Ủy ban Kinh tế và Tài chính – cơ quan thẩm tra lại cảnh báo rủi ro về cân đối ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban, ông Phan Văn Mãi cho rằng: việc giữ nguyên đặc quyền không chỉ là duy trì cơ chế, mà còn kéo theo nhiều thay đổi liên quan đến tỷ lệ điều tiết ngân sách, phân chia thu – chi giữa Trung ương và địa phương, đặc biệt với các thành phố nay đã trở thành một phần của tỉnh mới sau sáp nhập.

Một số ý kiến thậm chí đề nghị xác định lại tỷ lệ điều tiết ngân sách đối với các địa phương được giữ cơ chế đặc thù, nhằm đảm bảo tuân thủ Luật Ngân sách và nguyên tắc minh bạch tài chính.

Dù đề xuất lần này mang tính chuyển tiếp, nhưng Chính phủ khẳng định sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả thực tế các chính sách đặc thù sau khi sáp nhập hoàn tất. Trên cơ sở đó, có thể điều chỉnh, bổ sung hoặc luật hóa thành chính sách chung toàn quốc, nếu phù hợp với thực tiễn phát triển và yêu cầu quản lý mới.

>>>Chủ tịch Đặng Hồng Anh đề xuất số hóa pháp lý: 'Chìa khóa' giảm chi phí và tăng nội lực cho doanh nghiệp Việt

Chính phủ đề xuất chuyển tiếp cơ chế đặc thù tại 6 tỉnh, thành sau sáp nhập

Doanh nghiệp BĐS 8.800 tỷ tính đổi tên sau sáp nhập hai tỉnh Gia Lai – Bình Định: Lãnh đạo nói gì với gần 3.700 cổ đông?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chinh-phu-de-xuat-co-che-dac-thu-cho-6-dia-phuong-sau-sap-nhap-290154.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù cho 6 địa phương sau sáp nhập
    POWERED BY ONECMS & INTECH