Chính phủ đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu

20-09-2022 15:16|Quốc Bảo

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội ủng hộ đề xuất của Chính phủ về việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, bởi đây là một trong những công cụ điều tiết giá, không phải can thiệp hành chính.

Thông tin từ Bộ Tài chính, chiều ngày 19/9/2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Giá sửa đổi.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến thường trực ủy ban này tán thành đề xuất của Chính phủ về duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi đây là công cụ điều tiết giá loại nhiên liệu này trong nước, biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính.

“Trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều hành của Nhà nước. Quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ quỹ hiện tại là chưa phù hợp”, ông Cường nói.

Ngoài ra, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu. Quỹ này cũng giúp giảm biên độ biến động của giá, từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát.

Do đó, khi giá thế giới còn biến động khó lường, với điều kiện chống chịu hiện tại của Việt Nam, khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (10 ngày), thì trước mắt vẫn cần duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, trong dự thảo luật chỉ nên nêu trong điều khoản chuyển tiếp, không nhất thiết quy định thành điều khoản riêng, điều hành quỹ cần linh hoạt hơn, tăng trách nhiệm, công khai, minh bạch.

Đồng thời, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế.

Trước đó vào đầu tháng 6, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ xem xét bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá.

“Hiện nay chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường” Bộ Tài chính nhận định.

Cùng với đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng nêu lý do đề nghị giữ Quỹ là qua đánh giá tác động thời gian qua, Quỹ có tác động tích cực và lợi ích lớn, đặc biệt trong biến động giá xăng dầu của năm 2022.

Ông nhấn mạnh đây là công cụ hữu ích, nếu chỉ dựa vào giảm thuế và phí thì chỉ được trong ngắn hạn, còn dài hạn rất khó khăn.

"Bình ổn giá xăng dầu phải có biện pháp đồng bộ, Quỹ là một trong các công cụ để thực hiện", theo lời ông Phớc

Theo Bộ Tài chính, số dư Quỹ BOG đến hết quý II là gần 311 tỷ đồng; tổng số trích Quỹ BOG trong quý II, từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 30/6/2022 là gần 1.008 tỷ đồng.

Cùng với đó, tổng số sử dụng Quỹ BOG trong quý II từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 30/6/2022 là gần 527 tỷ đồng; lãi phát sinh trên số dư Quỹ BOG dương trong quý II là 1,4 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ BOG âm trong quý II là 1,7 tỷ đồng.Dù Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã trích lập hơn 1.000 tỷ đồng vào quỹ BOG chung, song quỹ của 13/36 doanh nghiệp vẫn ở mức âm.

Hai nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ghi nhận số dư quỹ bình ổn giá âm lần lượt ở 1.099 tỷ đồng và 137 tỷ đồng.

Bảng giá xăng dầu trong nước tính đến ngày 12/9/2022. Nguồn: PVOIL

Ngày mai (21/9), Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ điều hành giá xăng dầu chu kỳ mới. Giá mỗi lít xăng được dự đoán giảm 140 - 310 đồng/lít trong khi giá dầu có thể hạ 1.600 đồng/lít.

Trong 1 tuần qua, giá dầu thế giới có thời điểm tăng lên gần 96 USD/thùng, sau đó giảm xuống sát ngưỡng 90 USD/thùng. Giá dầu WTI chuẩn Mỹ cũng giảm từ gần 90 USD/thùng hôm 14/9 xuống 85,1 USD/thùng. 

Trước diễn biến đi xuống của giá dầu thế giới, một số lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng, giá dầu thế giới giảm, chắc chắn giá trong nước cũng giảm theo. Từ nay đến trước ngày điều hành giá, nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm hoặc được duy trì như hiện tại, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục đi xuống.

Theo các chuyên gia, giá xăng trong nước có thể giảm khoảng 500 - 700 đồng/lít, dầu diesel giảm mạnh hơn, chừng 1.500 - 2.000 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể còn tùy thuộc vào trích lập - chi sử dụng quỹ Bình ổn giá (BOG).

Quỹ bình ổn xăng dầu còn bao nhiêu tiền?

Giá xăng dầu hôm nay 22/11: lấy lại đà tăng

Giá xăng dầu tiếp tục giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chinh-phu-de-xuat-tiep-tuc-duy-tri-quy-binh-on-gia-xang-dau-149660.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chính phủ đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu
    POWERED BY ONECMS & INTECH