Vĩ mô

Việt Nam ở đâu trên bảng xếp hạng PMI của ASEAN trong tháng 6?

Nguyên Mộc 01/07/2025 15:45

Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam tháng 6 đạt 48,9 điểm – cao hơn mức trung bình khu vực ASEAN, nhưng vẫn nằm trong vùng suy giảm cùng với toàn khu vực.

Ngành sản xuất ASEAN kết thúc nửa đầu năm 2025 với gam màu xám. Theo báo cáo mới nhất của S&P Global, chỉ số PMI toàn phần của khu vực chỉ đạt 48,6 điểm trong tháng 6 – thấp nhất kể từ tháng 8/2021, phản ánh sự suy giảm rõ rệt của các điều kiện kinh doanh. Trong bối cảnh đó, Việt Nam ghi nhận PMI ở mức 48,9 điểm – tuy cao hơn trung bình khu vực, nhưng vẫn đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp nằm dưới ngưỡng 50.

Báo cáo cho biết số lượng đơn hàng mới ở toàn khối ASEAN đã giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2021, với lực cản chính đến từ nhu cầu nước ngoài yếu đi. Tình trạng này buộc các nhà sản xuất trong khu vực phải mạnh tay cắt giảm việc làm – với mức độ được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong 44 tháng trở lại đây. Với Việt Nam, số liệu cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh đơn hàng xuất khẩu mới, đặc biệt do tác động rõ rệt hơn từ thuế quan Mỹ. Đây là yếu tố khiến các doanh nghiệp Việt phải cắt giảm lao động, giảm mua sắm và thu hẹp tồn kho – những đặc điểm tương đồng với xu hướng chung của khu vực.

Tuy vậy, mức độ giảm sản lượng toàn ASEAN chỉ ở mức nhẹ. Một số quốc gia vẫn cố gắng duy trì nhịp sản xuất nhờ lượng đơn hàng tồn và kỳ vọng hồi phục. Tâm lý doanh nghiệp toàn khối vẫn khá dè dặt, với chỉ số niềm tin kinh doanh tiếp tục suy giảm, hiện ở mức thấp so với trung bình lịch sử – tương đương một trong hai mức bi quan nhất kể từ tháng 7/2020. Trong khi đó, niềm tin kinh doanh tại Việt Nam đã phục hồi so với mức thấp kỷ lục trong tháng 4, khi doanh nghiệp bắt đầu kỳ vọng vào một môi trường thị trường ổn định hơn và căng thẳng thương mại có thể hạ nhiệt.

Việt Nam ở đâu trên bảng xếp hạng PMI của ASEAN trong tháng 6?
(Ảnh minh họa) PMI tháng 6 của Việt Nam cao hơn mức trung bình ASEAN.

Maryam Baluch, chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định: “Ngành sản xuất ASEAN kết thúc nửa đầu năm với kết quả đáng lo ngại, với chỉ số toàn phần giảm xuống mức thấp của 46 tháng. Sản lượng tiếp tục giảm, và số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng, và việc làm đều giảm mạnh hơn. Mặc dù áp lực lạm phát giảm có thể hỗ trợ một phần cho ngành sản xuất trong việc phục hồi doanh số bán hàng, rủi ro suy giảm hiện nay xuất phát từ tình hình quốc tế đang căng thẳng và những công bố liên quan đến thuế quan khiến cho triển vọng cho năm tới là không chắc chắn”.

Trong khi đó, một điểm sáng nhỏ đến từ giá đầu vào. Áp lực chi phí tại các nhà máy ASEAN nhìn chung đã giảm, với tốc độ tăng giá đầu vào chậm nhất trong hơn 5 năm. Điều này giúp các doanh nghiệp có dư địa linh hoạt hơn về giá thành, nhất là trong giai đoạn nhu cầu yếu như hiện nay. Các nhà sản xuất hàng hóa lạc quan về khả năng tăng sản lượng trong năm tới dù mức độ lạc quan nói chung đã giảm.

Nhìn chung, sự đồng loạt suy yếu của toàn khối – bao gồm cả các nền sản xuất lớn như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan – cho thấy thách thức vẫn còn rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế đầy bất ổn nửa cuối năm 2025.

>> PMI tháng 6 giảm về 48,9 điểm, đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp dưới 'ngưỡng mở rộng' khi chịu ảnh hưởng mạnh hơn từ thuế quan

‘Nút thắt vô hình’ đang níu chân thương mại ASEAN, gánh nặng hàng chục tỷ USD

Việt Nam bỏ thuế khoán: ASEAN chỉ còn duy nhất một quốc gia áp dụng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-o-dau-tren-bang-xep-hang-pmi-cua-asean-trong-thang-6-294910.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Việt Nam ở đâu trên bảng xếp hạng PMI của ASEAN trong tháng 6?
    POWERED BY ONECMS & INTECH