Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán là rất cần thiết, nhằm giải quyết những bất cập, vướng mắc pháp lý trong thực tiễn, cản trở sự phát triển.
Ngày 14/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024. Tham dự có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Hòa Bình, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn, Hồ Đức Phớc; cùng các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan.
Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 cũng là phiên họp thứ 9 của năm 2024, nhằm xem xét, cho ý kiến và thông qua 5 đề nghị, dự án Luật, trong đó có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung 5 Luật này là rất cần thiết, nhằm giải quyết những bất cập, vướng mắc pháp lý trong thực tiễn, cản trở sự phát triển, qua đó khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng.
Do thời gian phiên họp có hạn, yêu cầu cao, phạm vi rộng, nội dung phức tạp, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới, trình bày báo cáo, phát biểu ngắn gọn, rõ ràng và đi thẳng vào vấn đề; tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau, xin ý kiến Chính phủ.
Hình ảnh tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024 |
Nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung đáng chú ý
Trước đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán có nhiều điểm đáng chú ý. Bộ Tài chính đưa ra khái niệm nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Điều 11 như sau: Đối với công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng, yêu cầu thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm; Đối với cá nhân, bổ sung 2 tiêu chí gồm (1) tham gia đầu tư tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất và (2) có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất.
Dự thảo cũng bổ sung quy định rằng nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải là tổ chức theo quy định tại Khoản 1, Điều 11 Luật Chứng khoán.
Hành vi thao túng chứng khoán sẽ được luật hóa thông qua sửa đổi quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán từ Nghị định 156/2020/NĐ-CP. Các hành vi cụ thể bao gồm: mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá mới; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch; hoặc thông đồng mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự.
Kiểm soát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ được thực hiện thông qua sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 15, Luật Chứng khoán. Doanh nghiệp chào bán trái phiếu phải có tài sản bảo đảm hoặc được bảo lãnh ngân hàng, ngoại trừ các tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp và đủ điều kiện để được tính vào vốn cấp 2, cùng với đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ.
>> UBCKNN tổ chức họp khẩn để tháo gỡ nút thắt cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán