Chứng khoán

Hãng tàu hàng đầu thế giới muốn làm siêu cảng 129.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng: 'Chỉ thực hiện khi đáp ứng lợi ích quốc gia, dân tộc'

Hải Băng 14/09/2024 08:53

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, không "hy sinh" môi trường vì mục tiêu phát triển kinh tế.

Ngày 13/9, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 418/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp liên quan đến Hồ sơ chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (còn được gọi là bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch).

Cảng Cần Giờ được quy hoạch với diện tích 571ha nằm tại khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. HCM. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km. Sau 7 giai đoạn đầu tư, lượng hàng qua cảng có thể đạt 16,9 triệu TEU vào năm 2047, bằng 50% sản lượng Singapore hiện nay.

Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 129.000 tỷ đồng (khoảng 5,5 tỷ USD), do Tập đoàn MSC - hãng tàu container top đầu thế giới đề xuất đầu tư.

Hãng tàu hàng đầu thế giới muốn làm siêu cảng 129.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng: 'Chỉ thực hiện khi đáp ứng lợi ích quốc gia, dân tộc'
Vị trí Bến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn

Trong Thông báo, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP. HCM, cùng các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định Hồ sơ dự án theo quy định của Luật Đầu tư và các Nghị định hướng dẫn. Quá trình thẩm định cần đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ và đúng thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND TP. HCM cũng được giao nhiệm vụ hướng dẫn nhà đầu tư tiếp thu các ý kiến để bổ sung và hoàn thiện hồ sơ, trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong tháng 9/2024.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng Bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải mang lại lợi ích quốc gia và dân tộc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chịu trách nhiệm thẩm định, chỉ rõ các điều kiện, mục tiêu và yêu cầu về đầu tư và khai thác cảng, đặc biệt cho giai đoạn đến năm 2030. Nhà đầu tư phải có đủ năng lực và kinh nghiệm trong việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế, đảm bảo tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Dự thảo quyết định chủ trương đầu tư cần xác định rõ những nội dung tuân thủ pháp luật và những nội dung có thể được xem xét bổ sung trong quá trình phê duyệt.

Phó Thủ tướng yêu cầu phương án phát triển cảng phải đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ và phân kỳ hợp lý cho từng giai đoạn, phù hợp với quy hoạch và nhu cầu hàng hóa. Việc xây dựng các khu chức năng của cảng, như khu dịch vụ, khu hành chính và khu cung cấp nhiên liệu, cần được hoạch định rõ ràng. Đặc biệt, trong trường hợp cần thiết, có thể mời đơn vị tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm để tham gia tư vấn phương án phát triển.

Hãng tàu hàng đầu thế giới muốn làm siêu cảng 129.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng: 'Chỉ thực hiện khi đáp ứng lợi ích quốc gia, dân tộc'
Phối cảnh dự án

Không "hy sinh" môi trường vì mục tiêu phát triển kinh tế

Dự án Cảng Cần Giờ liên quan đến khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam, có ý nghĩa lớn đối với TP. HCM và khu vực. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phải đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện về tác động môi trường, đảm bảo không "hy sinh" môi trường vì mục tiêu kinh tế. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các cơ quan khác phải nêu rõ quan điểm về vấn đề này trong quá trình thẩm định.

Phương án công nghệ khai thác cảng được định hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và phải phù hợp với xu hướng phát triển toàn cầu. Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chịu trách nhiệm đưa ra các yêu cầu về công nghệ trong Báo cáo thẩm định và định hướng rõ ràng trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, báo cáo thẩm định cũng cần xác định rõ tiêu chí cảng xanh, đảm bảo kế hoạch cung cấp nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường từ năm 2030 đến 2050.

Đảm bảo lợi ích tổng thể và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược

Về việc lựa chọn nhà đầu tư, TP. HCM được yêu cầu bổ sung một số tiêu chí quan trọng khác để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, dựa trên Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm các cơ chế đặc thù phát triển TP. HCM. Các tiêu chí này bao gồm: khả năng thu hút các hãng tàu quốc tế; vốn đầu tư trong 5 năm (phải hoàn thành đầu tư 4 bến cảng với tổng vốn khoảng 1,5 tỷ USD); hợp tác với doanh nghiệp trong nước để khai thác cảng; thực hiện đúng cam kết thu hút được khối lượng hàng hóa quốc tế trung chuyển qua cảng...

Nhà đầu tư được lựa chọn phải bảo đảm thực hiện đầu tư theo đúng phương án đầu tư tổng thể, đồng bộ, theo đúng lộ trình, phân kỳ đầu tư theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước và đề xuất của TP. HCM.

>> Đủ căn cứ để quyết định đầu tư 'siêu dự án' cảng trung chuyển hơn 50.000 tỷ đồng tại TP. HCM

Yuanta khuyến nghị 6 cổ phiếu ngân hàng tiềm năng sinh lời đến 36%

Công ty liên quan đến ông Bùi Thành Nhơn kịp bán 3 triệu cổ phiếu NVL trước ngày bị cắt margin

Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Hãng tàu hàng đầu thế giới muốn làm siêu cảng 129.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng: 'Chỉ thực hiện khi đáp ứng lợi ích quốc gia, dân tộc'
POWERED BY ONECMS & INTECH