Chính phủ cho biết, các giải pháp này sẽ được thực hiện đồng bộ trong điều hành chính sách tiền tệ.
Sáng 8/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024 với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất năm 2023 đã giảm khoảng 2% so với một năm trước đó. Mặt bằng lãi suất đã giảm về thấp hơn mức trước 2020 - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay vẫn khó khăn. Đến hết 2023, tín dụng tăng 13,71% so với 2022 (mục tiêu là tăng 14-15%), tương đương 13,5 triệu tỷ đồng.
Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng có các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích các ngân hàng cắt giảm chi phí, thủ tục và hạ lãi suất cho vay để người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ hơn, sớm chấm dứt "tín dụng đen
Theo Chính phủ, nguồn tín dụng phù hợp sẽ đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hạn chế và sớm chấm dứt tình trạng tín dụng đen. Việc này cũng đảm bảo mục tiêu "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát".
Các giải pháp này sẽ được thực hiện đồng bộ trong điều hành chính sách tiền tệ, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh và kiểm soát với lĩnh vực rủi ro.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 |
Tín dụng đen phát triển chủ yếu do doanh nghiệp, người dân khó tiếp cận các nguồn vốn chính thức. Mới đây, công an tỉnh Nghệ An phá thành công chuyên án cho vay gần 20 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay cao nhất 2.400%/năm. Trước đó, Công an TP HCM cũng xóa sổ đường dây tín dụng đen lãi suất lên đến 550%/năm. Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn vụ liên quan tới tín dụng đen được ngành công an phát hiện.
2024 là năm "tăng tốc, bứt phá" để đạt mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Ngoài vốn, Chính phủ cho biết các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất tiếp tục được nghiên cứu để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Cơ quan điều hành tăng xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường xuất khẩu, cũng như đảm bảo an ninh năng lượng, cung ứng đủ điện, xăng dầu cho tiêu dùng, sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, giảm thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Giải pháp tháo gỡ vướng mắc thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, năng lượng sẽ được cấp có thẩm quyền ban hành trong năm nay.
Thống đốc NHNN: VND có tính ổn định cao, dự trữ ngoại hối Nhà nước cải thiện
7 giải pháp điều hành chính sách tiền tệ đạt được trong năm 2023 gồm những gì?