Chính thức: Từ 1/6, không cấp thẻ BHYT giấy, có 2 việc phải làm ngay, người dân lưu ý kẻo mất quyền lợi
Bắt đầu từ ngày 1/6,người dân sẽ dùng thẻ BHYT bản điện tử thay cho bản giấy trừ 3 nhóm đối tượng thuộc trường hợp đặc biệt.
Từ ngày 1/6/2025, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) bản giấy sẽ không còn được cấp mới. Thay vào đó, người tham gia BHYT sẽ sử dụng thẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng VssID hoặc VNeID khi đi khám chữa bệnh. Đây là nội dung được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam công bố nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo thuận lợi cho người dân.
Theo cơ quan BHXH, quy định mới áp dụng đối với tất cả người tham gia BHYT, trừ ba nhóm đối tượng được tiếp tục cấp thẻ giấy gồm: Người chưa có căn cước công dân gắn chip, người không thể sử dụng thiết bị thông minh để cài đặt ứng dụng, và người không đủ điều kiện tích hợp dữ liệu.

Để sử dụng thẻ BHYT điện tử, người dân cần thực hiện các bước chuẩn bị như:
Thứ nhất, cài đặt ứng dụng VssID hoặc VNeID trên điện thoại thông minh
Thứ hai, liên kết thông tin BHYT với CCCD gắn chip để đảm bảo dữ liệu được đồng bộ giữa các hệ thống.
Đối với người dùng VNeID, việc tích hợp thẻ BHYT được thực hiện qua mục "Ví giấy tờ" trong ứng dụng. Sau khi đăng nhập, người dùng chọn "Tích hợp thông tin", tạo mới yêu cầu và điền số thẻ BHYT cùng thông tin đơn vị cấp để hoàn tất.
Trong khi đó, người sử dụng VssID có thể kiểm tra dữ liệu định danh bằng cách đăng nhập ứng dụng. Nếu tài khoản vẫn hiển thị số CMND cũ, cần truy cập Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn để thực hiện cập nhật. Sau khi điều chỉnh thông tin, người dân cần đến cơ quan BHXH gần nhất để xác thực và hoàn tất thủ tục.
Cơ quan BHXH cũng cho biết, trong các trường hợp cấp lại hoặc đổi thẻ, cán bộ chuyên trách sẽ hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng và hình ảnh thẻ điện tử khi khám chữa bệnh.

Tính đến hết năm 2024, Việt Nam có hơn 95,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 94,2% dân số. Trong năm, hệ thống BHYT đã tiếp nhận hơn 186 triệu lượt khám chữa bệnh, với tổng chi phí đề nghị thanh toán gần 143.000 tỷ đồng – tăng hơn 18.600 tỷ đồng so với năm 2023.
Việc chuyển sang sử dụng thẻ BHYT điện tử không chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, mà còn góp phần số hóa toàn diện hệ thống an sinh, nâng cao chất lượng phục vụ và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.
>> Chỉ 12 ngày nữa, Nhà nước sẽ ngưng cấp loại giấy tờ này: Người dân lưu ý