Chính thức từ 1/7, mức đóng BHYT sẽ có nhiều thay đổi mới, người dân cần lưu ý!
Đây là nội dung đáng chú ý được quy định trong Luật Bảo hiểm y tế (năm 2024) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới mang đến nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt là quy định về mức đóng BHYT đối với các nhóm đối tượng. Những điều chỉnh này nhằm đảm bảo tính công bằng, phù hợp với thực tiễn và mở rộng phạm vi tham gia BHYT.
Mức đóng BHYT được xác định theo tỉ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, bao gồm tiền lương tháng, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức tham chiếu.
Cụ thể, đối với người lao động thuộc nhóm hưởng chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, căn cứ đóng BHYT là tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Với người lao động hưởng lương theo quy định của người sử dụng lao động, căn cứ đóng là tiền lương, tiền công tháng ghi trong hợp đồng lao động. Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hoặc trợ cấp thất nghiệp hằng tháng, căn cứ đóng là số tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hoặc trợ cấp thất nghiệp tương ứng. Với các đối tượng không thuộc các nhóm trên, mức tham chiếu sẽ được áp dụng làm căn cứ đóng.

Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng BHYT được quy định không vượt quá 20 lần mức tham chiếu. Các đối tượng tham gia BHYT có mức đóng tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động chịu 2/3 và người lao động đóng 1/3. Quy định này tăng so với mức cũ là 4,5% tiền lương tháng, phản ánh nỗ lực cân đối quỹ BHYT và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Bên cạnh đó, Luật BHYT sửa đổi bổ sung 7 nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, mở rộng đáng kể phạm vi bao phủ.
Các nhóm này bao gồm: người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên; chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật; người lao động là công dân nước ngoài trong một số trường hợp; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian; người nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản từ 14 ngày trở lên; nhân viên y tế thôn, bản; nạn nhân buôn bán người, nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và một số đối tượng khác.
Về mức đóng BHYT khi tham gia theo hình thức hộ gia đình cũng có sự thay đổi. Theo quy định hiện hành nêu rõ người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Người thứ hai, thứ ba, thứ tư lần lượt đóng bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, và từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Tuy nhiên, từ ngày 1/7, nếu các thành viên hộ gia đình cùng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình trong năm tài chính, mức đóng của người thứ nhất sẽ được điều chỉnh tối đa bằng 6% mức tham chiếu. Các mức đóng cho người thứ hai, thứ ba, thứ tư và từ người thứ năm trở đi vẫn giữ nguyên tỉ lệ lần lượt là 70%, 60%, 50% và 40% mức đóng của người thứ nhất. Quy định này khuyến khích các hộ gia đình tham gia BHYT đồng bộ, góp phần tăng cường bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Liên quan đến mức tham chiếu, luật quy định áp dụng theo mức lương cơ sở hiện hành. Trong trường hợp có thay đổi về chính sách tiền lương, Chính phủ sẽ quyết định mức tham chiếu cụ thể, đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.
>>Chính thức từ 1/7, người dân khám, chữa bệnh BHYT không cần chuyển tuyến vẫn được hưởng 100%
Thuộc 4 trường hợp này, người dân sẽ được hoàn trả tiền đóng BHYT
3 trường hợp thuộc diện được hoàn tiền mua BHYT, người dân lưu ý để đảm bảo quyền lợi