Chính thức từ 7/2025, vận hành cơ quan thanh tra di sản văn hóa để chống tham nhũng
Cơ quan này sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực này.
Chiều 23/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi với tỷ lệ đồng thuận cao, 413/422 đại biểu tán thành. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Điểm nổi bật trong lần sửa đổi này là việc thành lập cơ quan thanh tra di sản văn hóa. Cơ quan này sẽ được tổ chức tại đơn vị tham mưu quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở cấp trung ương, đảm nhiệm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này. Chính phủ sẽ ban hành quy định chi tiết về các hoạt động của cơ quan thanh tra.
Trước khi Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật. Ông cho biết, mặc dù nhiều ý kiến đồng tình với việc thành lập thanh tra chuyên ngành, vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm. Sau Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ đánh giá và đưa ra phương án phù hợp, xem xét việc đưa quy định này vào Luật hoặc Nghị định, tùy theo tính cần thiết.
"Chính phủ đã xem xét kỹ lưỡng, thống nhất đề xuất quy định về thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa tại dự thảo Luật, vì quản lý nhà nước về di sản văn hóa là lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng", ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng với sự đa dạng và giá trị của di sản văn hóa Việt Nam, việc đào tạo một đội ngũ thanh tra chuyên sâu là cấp thiết, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm.
So với Luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung nhiều nội dung mới. Nổi bật là việc hoàn thiện các quy định về hành vi bị nghiêm cấm, giúp đảm bảo tính đầy đủ và chính xác trong việc hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm. Dự thảo cũng cụ thể hóa các quy định liên quan đến sửa chữa, cải tạo công trình trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; quản lý, xử lý di vật, cổ vật; và bổ sung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa để hỗ trợ công tác bảo tồn hiệu quả hơn.
>> Điều luật về hồi hương cổ vật Việt Nam được Quốc hội thông qua
Điều luật về hồi hương cổ vật Việt Nam được Quốc hội thông qua
Bộ TT&TT công bố 5 đầu số điện thoại xưng cơ quan Nhà nước có dấu hiệu lừa đảo