Facebook, sàn TMĐT vẫn là “thiên đường” của SIM rác. Nhiều người bán SIM trên mạng đang góp phần tiếp tay đưa SIM rác ra thị trường.
Bộ TT&TT đang có những động thái rất quyết liệt nhằm xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác. Trong vài tháng trở lại đây, Bộ TT&TT và các nhà mạng đã ráo riết chấn chỉnh tình trạng bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn tại các đại lý.
Trong trường hợp phát hiện ra sai phạm, Bộ TT&TT sẵn sàng đình chỉ việc phát triển thuê bao mới của nhà mạng. Chính vì vậy, tình trạng bán SIM rác tại các đại lý SIM thẻ hiện đã giảm hẳn. Tuy nhiên, trên các kênh phân phối online như các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, việc bán SIM rác vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
50% đại lý trên sàn thương mại điện tử bán SIM rác
Trong vai người có nhu cầu mua SIM rác, phóng viên VietNamNet đã tiếp cận với nhiều người bán SIM trên Facebook và các gian hàng tại 2 sàn thương mại điện tử lớn là Shopee, Lazada. Kết quả khảo sát cho thấy, người mua vẫn có thể tìm được SIM rác khi có nhu cầu, phổ biến nhất là SIM rác của các nhà mạng ảo. Tại sàn thương mại điện tử Shopee, 50% số gian hàng khi được hỏi cho biết họ có sẵn SIM rác, có thể lắp vào máy để sử dụng luôn, không cần đăng ký.
“Shop có sẵn SIM Wintel, VNSKY. Nếu muốn SIM dùng luôn, không cần đăng ký cũng được, nhưng chỉ có eSIM. Giá eSIM của Wintel là 39.000 đồng, SIM VNSKY là 29.000 đồng”, chủ gian hàng @win******** trên Shopee cho hay.
Trên sàn thương mại điện tử Lazada, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ gian hàng chấp nhận bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn chiếm khoảng 40%. Tuy vậy, việc bán SIM rác trên Lazada diễn ra kín đáo hơn. Khi được hỏi, chủ gian hàng sẽ hướng dẫn khách liên lạc qua Zalo để thực hiện giao dịch.
Tại một gian hàng khác, người bán cho biết có sẵn “SIM bất tử” của nhà mạng Local với giá 50.000 đồng. Nếu muốn sử dụng ngay, sau khi đặt đơn và nhận SIM, người mua chỉ cần chụp ảnh 2 mặt SIM, sau đó gửi qua số Zalo của chủ shop để được hỗ trợ kích hoạt.
Tuy vẫn còn hiện tượng lén lút giao dịch SIM rác, kết quả khảo sát cũng ghi nhận, nhiều chủ gian hàng đã ý thức hơn trong việc tuân thủ pháp luật, từ chối bán SIM kích hoạt sẵn, chỉ bán SIM chính chủ.
Facebook vẫn là “thiên đường” SIM rác online
So với các sàn thương mại điện tử, việc rao bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn trên Facebook diễn ra ngang nhiên và khó kiểm soát hơn. Chỉ cần tham gia vào một group mua bán SIM bất kỳ, người có nhu cầu sẽ không khó để tìm mua SIM rác.
Khảo sát tại một nhóm mua bán SIM với khoảng 40.000 thành viên, trên cộng đồng này, có không ít bài đăng ngỏ ý cần mua SIM đã kích hoạt sẵn với lý do "không rành việc kích hoạt”. Dưới mỗi bài đăng là hàng chục bình luận từ nhiều người kinh doanh SIM online.
Khi phóng viên thử liên hệ với những người này, dồn dập các báo giá gửi về cho biết cửa hàng có sẵn SIM dùng luôn không cần đăng ký. Trong đó, phổ biến nhất là SIM của nhà mạng ảo Local kèm gói cước với giá 180.000 đồng, SIM trắng của iTel với giá 25.000 đồng và SIM đăng ký sẵn gói SKY59 của nhà mạng VNSKY với giá 150.000 đồng.
“Mình có sẵn SIM Local giá 120.000 đồng nếu lấy trên 10 SIM. Lấy 50 SIM trở lên giá chỉ 100.000 đồng. Tất cả đều kích hoạt sẵn, dùng được luôn không cần đăng ký”, Trần Thanh, một người bán SIM online trên Facebook chia sẻ.
Trong trường hợp đặt mua số lượng lớn, người mua phải đặt cọc trước. Bù lại, cửa hàng sẽ bao ship đến tận nhà. “Giờ làm chặt lắm, ăn phạt như chơi nên mình chỉ có vài mã thôi, không phải mạng nào cũng có. Mấy ông bên Campuchia trước nhập hàng của mình suốt nên bạn cứ yên tâm”, Thanh nhiệt tình giới thiệu.
Theo ghi nhận của phóng viên, trước sự vào cuộc ráo riết của cơ quan chức năng, hiện có tình trạng một số chủ đại lý SIM thẻ đưa SIM kích hoạt sẵn lên Facebook để tiêu thụ.
Từ một bài đăng bán SIM kích hoạt sẵn trên Facebook, phóng viên đã tiếp cận với chủ một đại lý SIM thẻ tại Sóc Sơn (Hà Nội). Người này cho biết, “Cửa hàng có SIM kích hoạt sẵn không cần đăng ký của nhà mạng Local với giá bán lẻ 100.000 đồng. Ngoài ra còn có SIM VNSKY giá 100.000 đồng, dùng data không giới hạn. Wintel chỉ còn SIM gói cước 1 năm với giá 650.000 đồng, dùng được 14 tháng”.
“Anh cần em sẽ ship bưu điện. Ship về nội thành Hà Nội chỉ khoảng 11.000 đồng, cùng lắm 3 ngày sau sẽ nhận được”, chủ đại lý khẳng định. Liên hệ với một đại lý khác tại Quảng Nam, phóng viên được chủ đại lý cho biết, cửa hàng có bán SIM kích hoạt sẵn của iTel với giá 130.000 đồng. Người mua sẽ có sẵn 4G data mỗi ngày và gọi nội mạng miễn phí dưới 20 phút. Chủ đại lý này cũng sẵn sàng ship hàng khắp cả nước nếu người mua có nhu cầu.
SIM kích hoạt sẵn vẫn tồn tại bởi hiện còn tình trạng nhiều người sẵn sàng đứng hộ tên để đăng ký thuê bao. Điều này dẫn đến một thuê bao có thông tin đăng ký thật, tên tuổi, địa chỉ thật nhưng sau đó lại được bán sang tay người sử dụng khác. Do vậy, chính một bộ phận người dùng đã tiếp tay dẫn đến vấn nạn SIM không chính chủ.
Lỗ hổng từ đăng ký online chưa được kiểm soát chặt chẽ
Một khảo sát tuần trước của VietNamNet với gần 20 đại lý SIM thẻ tại Hà Nội cho thấy, SIM rác của các nhà mạng tuy đã giảm nhiều nhưng vẫn còn khoảng 50% đại lý bán SIM kích hoạt sẵn của tất cả các nhà mạng gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và các nhà mạng ảo. Khảo sát này cho thấy, SIM kích hoạt sẵn của các nhà mạng lớn đã giảm mạnh. Tuy nhiên, số lượng SIM kích hoạt sẵn bán ra nhiều nhất tại các đại lý là của Vietnamobile và các mạng ảo.
Lý giải về vấn đề này, một nhà mạng cho VietNamNet hay, hiện các nhà mạng ảo đang áp dụng chính sách cho đăng ký online nên đây là kẽ hở để các đại lý có thể kích hoạt SIM bán ra thị trường.
“Chúng tôi đã thử thao tác đăng ký online, việc này rất dễ dàng với SIM của các nhà mạng ảo. Chúng ta phải thừa nhận rằng, kênh online là kênh xu hướng tương lai, bởi nó đem lại sự tiện lợi cho cả các nhà mạng và người sử dụng. Tuy nhiên, hiện việc đăng ký SIM online chưa kiểm soát được như hiện nay sẽ bị kẻ xấu lợi dụng. Chúng ta có thể cho phép thử nghiệm đăng ký thông tin cá nhân online, nhưng cần đảm bảo các yếu tố như nhà mạng phải kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với Bộ Công an để kiểm tra căn cước công dân có trùng khớp với người đăng ký hay không. Thêm vào đó, phải dùng Video call để xác thực lại và phải thêm eKYC để đảm bảo người đăng ký là người thật, có định danh”, đại diện nhà mạng này nói.
Theo chia sẻ của một nhà mạng với VietNemNet, việc thiết lập các cửa hàng bán trực tiếp rất tốn kém nên các nhà mạng ảo không thiết lập kênh bán trực tiếp mà bán qua kênh online. Với kênh online, có nhà mạng ảo đã bán số lượng lớn SIM ra thị trường mà không kiểm soát chặt chẽ mức độ chính xác của thông tin cá nhân. Hiện về mặt pháp lý, kênh online vẫn chưa được cho phép đối với việc đăng ký thuê bao mới mà chỉ dành cho khách hàng cập nhật thông tin cá nhân.
Các nhà mạng lớn cho rằng, việc chặn SIM rác cần được áp dụng thống nhất và triệt để. Với những kênh đăng ký chưa đảm bảo cần phải được chấn chỉnh và bổ sung đủ điều kiện. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện quy định pháp lý để tạo điều kiện cho người dân và nhà mạng có để cung cấp dịch vụ trên môi trường số theo xu hướng hiện nay.
Theo khuyến cáo của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, chỉ sử dụng SIM chính chủ. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh số điện thoại đã gắn liền với tài khoản ngân hàng và ứng dụng định danh điện tử (VNeID) của mỗi người. Cục Viễn thông sẽ xử lý nghiêm các đối tượng lấy thông tin cá nhân để đăng ký hộ SIM điện thoại cho người khác.