Chọn khu đất rộng hơn 7.300ha trị giá hơn 2.000 lượng vàng, Việt Nam xây nhà máy in tiền đầu tiên gần 80 năm trước, được công nhận là Di tích Quốc gia
Chính tại nơi đây, "tờ bạc trâu xanh" có mệnh giá lớn nhất thời bấy giờ là 100 đồng Việt Nam đã ra đời.
Công việc gian truân trong buổi đầu độc lập
Tháng 9 năm 1945, khi đất nước vừa giành được độc lập nhưng kinh tế tài chính đối mặt vô vàn khó khăn khi chưa phát hành được tiền tệ riêng. Trong bối cảnh đó, quân Tưởng ở miền Bắc đưa vào lưu hành đồng "quan kim" nhằm cạnh tranh với đồng Đông Dương của thực dân Pháp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế mới. Trước tình thế cấp bách, chính quyền cách mạng kêu gọi nhân dân đẩy mạnh sản xuất, ủng hộ các phong trào như "Quỹ Độc lập", "Tuần lễ vàng". Tuy nhiên, nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức in và phát hành giấy bạc Tài chính Việt Nam, một quyết sách chiến lược trong sự nghiệp kháng chiến.
Tháng 10 năm 1945, Trung ương giao đồng chí Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm vụ chỉ đạo toàn diện việc in và phát hành đồng tiền mới. Trước Cách mạng Tháng Tám, Đông Dương chỉ có hai nhà máy in, nhưng cả hai đều nằm trong tay quân Tưởng và thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh đó, nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện đã mua lại Nhà in Tô panh (sau là cửa hàng Bách hóa số 5 Nam Bộ, nay thuộc đường Lê Duẩn, Hà Nội) và hiến tặng toàn bộ cho Chính phủ. Từ đây, Việt Nam Quốc gia Ấn Thư Cục ra đời, trở thành cơ sở in tiền đầu tiên của nước ta.
Ngày 3 tháng 2 năm 1946, đồng tiền Việt Nam đầu tiên được phát hành tại miền Nam Trung Bộ với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trang trọng, trở thành biểu tượng của độc lập và tự do. Tuy nhiên, cơ sở in tại Tô panh nhanh chóng bị lộ. Trước nguy cơ, ông Đỗ Đình Thiện hỗ trợ chuyển nhà máy đến đồn điền Chi Nê (nay thuộc xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình). Đồn điền này, rộng hơn 7.300ha, vốn thuộc sở hữu gia đình ông Thiện từ năm 1943 sau khi ông mua lại với giá 2.000 lượng vàng.
Tại Chi Nê, công nhân làm việc trong điều kiện nghiêm ngặt khi nhà máy chỉ hoạt động từ 4 giờ chiều đến 3 giờ sáng để đảm bảo an toàn. Ngày 31/1/1946, Chính phủ đã ký Sắc lệnh số 18B/SL cho phép phát hành “đồng bạc Giấy Việt Nam” hay còn được gọi là “Giấy bạc Tài chính Việt Nam” đầu tiên ở miền Nam Trung Bộ (từ vĩ tuyến 16 trở vào). Các đồng tiền có mệnh giá là 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng và tiếp đó là loại 200 đồng, 500 đồng.
Đến tháng 4 năm 1947, trước nguy cơ thực dân Pháp tấn công Hòa Bình lần thứ hai, đồn điền Chi Nê bị ném bom, gây thiệt hại lớn. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính di dời nhà máy in lên căn cứ địa Việt Bắc tiếp tục duy trì sản xuất tiền trong giai đoạn kháng chiến.
Dấu ấn về một thời gian khó của dân tộc
Ngày nay, Khu di tích lịch sử cách mạng Nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê vẫn bảo tồn với nhiều hiện vật và biểu trưng, gợi nhắc về một thời kỳ khó khăn nhưng đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam. Chính tại nơi đây, "tờ bạc trâu xanh" có mệnh giá lớn nhất thời bấy giờ là 100 đồng Việt Nam đã ra đời. Nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam không chỉ vực dậy nền tài chính khi đó, mà còn góp phần loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp, đánh dấu bước tiến quan trọng trong cuộc kháng chiến.
Khu di tích cũng lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử đặc biệt, trong đó có hai chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đáng chú ý là vào tối ngày 21/2/1947, trên đường đi công tác Thanh Hóa, Bác Hồ đã nghỉ lại tại đồn điền Chi Nê. Khi đến thăm nhà máy in tiền, Bác căn dặn: "Đây là Nhà máy in tiền của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng và công cuộc kháng chiến cứu quốc". Sau đó, Bác còn ghé thăm một số gia đình đồng bào Mường ở xã Cố Nghĩa, trong đó có gia đình ông Bùi Văn Xin.
Năm 2007, Nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cùng năm đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền, với tổng diện tích 15,5 ha và mức đầu tư hơn 270 tỷ đồng. Dự án được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một có mức đầu tư khoảng 61 tỷ đồng và giai đoạn hai khoảng 210 tỷ đồng.
Hiện tại, kho bạc đồn điền Chi Nê cùng căn hầm nơi Bác từng ở vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Khu vực này đã được đầu tư sửa sang, trưng bày nhiều hiện vật và kỷ vật để phục vụ du khách tham quan. Nhằm tri ân công lao to lớn của nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện, xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy đã đặt tên trường mầm non mang tên ông. Đây là cách để thế hệ trẻ ghi nhớ và trân trọng những đóng góp lớn lao của gia đình ông đối với cách mạng Việt Nam.