Điểm đến

Bên trong nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam, nằm trên đồn điền rộng 7.300ha giá trị đến 2.000 lượng vàng, có căn hầm Bác Hồ từng trú ẩn

Thanh Thanh 13/11/2023 06:43

Trải qua sự tàn phá của bom đạn, nhà máy in tiền xưa đã bị san phẳng, khu nhà hiện nay được phục dựng lại diện mạo cũ và trở thành di tích thu hút du khách thập phương tới tìm hiểu, khám phá.

Nhà máy in tiền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946-1947) toạ lạc ở đồn điền Chi Nê, nay là xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Ngày nay, nơi đây đã được đầu tư sửa sang lại, có nhiều hiện vật, kỷ vật được trưng bày cho du khách tham quan.

Sự ra đời của nhà máy in tiền đầu tiên

nha-may-in-tien-dau-tien-ivivu-1

Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nền tài chính nước ta lâm vào tình trạng kiệt quệ, ngân khố gần như trống rỗng do hậu quả đô hộ bóc lột hàng trăm năm của chế độ thực dân. Cùng với việc thành lập Quỹ Độc lập, phát động Tuần lễ vàng, Chính phủ đã quyết định thành lập Cơ quan ấn loát, tức Nhà máy in bạc thuộc Bộ Tài chính để phát hành tờ bạc Việt Nam độc lập. Khi việc phải khẩn trương in tiền trở nên gấp rút, một vấn đề nan giải đặt ra cho chính quyền cách mạng là sử dụng nhà máy in tiền như thế nào, ở đâu?

Năm 1946, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời, ông Đỗ Đình Thiện, một nhà tư sản yêu nước đã bỏ tiền mua lại toàn bộ nhà in Tô-panh, một trong hai nhà in lớn và hiện đại nhất lúc đó nằm ở khu Cửa Nam (Hà Nội) của chủ người Pháp để hiến tặng cho cách mạng.

Đến tháng 3/1946, trước nguy cơ bị lộ việc in tiền tại nhà in Tô-panh là rất lớn, nhận thấy đồn điền Chi Nê ở Hòa Bình có vị trí chiến lược, có thể di chuyển xuyên tuyến đường 21 vào Thanh Hóa hoặc ngược lên Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Tài chính quyết định sơ tán nhà in lên đồn điền Chi Nê của gia đình ông Đỗ Đình Thiện.

Được biết, đồn điền Chi Nê được xây dựng cuối thế kỷ XIX, rộng hơn 7.300ha. Tại đây, chủ đồn điền là Bô-Ren, một người Pháp đã xây dựng nhiều khu nhà kiên cố, khu chế biến cà phê, chuồng trại trâu bò. Năm 1943, Bô-Ren bán lại đồn điền cho gia đình ông Đỗ Đình Thiện với giá 2.000 lượng vàng.

Thiết kế chưa có tên (1)

Khu vực đồn điền Chi Nê những năm 1946

Lắp đặt xong Nhà máy in tiền, để đảm bảo bí mật, công nhân làm việc từ 4 giờ chiều đến 3 giờ sáng hôm sau. Lúc đó, Nhà máy in tiền còn thô sơ, máy móc chưa hiện đại nên việc in tiền rất khó khăn, phải qua nhiều công đoạn như: In lần lượt từng màu, số sê ri, sau đó mới cắt. Mệnh giá lớn được in ốp sét, mệnh giá nhỏ in bằng máy sốp, ti pô (5 đồng, 2 đồng, 1 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào). Tiền in xong được đóng hòm cho lên xe bò, xe ngựa chuyển lên cất giữ vào "kho bạc" tại gia đình ông Bùi Văn Xin, ở xóm Đồng Thung, xã Cố Nghĩa.

8-2

Mô hình chiếc máy in tiền đầu tiên vẫn được giữ nguyên trạng

Tại Nhà máy in tiền ở đồn điền Chi Nê đã ra đời đồng bạc mệnh giá lớn nhất lúc bấy giờ là 100 đồng Việt Nam, còn được gọi là tờ bạc "con trâu xanh" vì một mặt in ảnh Bác Hồ, mặt còn lại in hình con trâu màu xanh và hai người nông dân khỏe mạnh đang làm ruộng.

Sự ra đời của những đồng bạc trên đã mang theo sứ mệnh lịch sử vô cùng quan trọng, góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành vũ khí đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta, góp phần quyết định vào việc cung cấp nhu cầu vật chất, lưu thông hàng hoá trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc.

Cho đến tháng 4/1947, thực dân Pháp chuẩn bị tấn công đánh chiếm Hòa Bình lần thứ 2, khu vực Đồn điền Chi Nê bị máy bay Pháp ném bom, tàn phá nghiêm trọng. Vì vậy theo lệnh của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chuyển Nhà máy in tiền và kho bạc lên căn cứ địa Việt Bắc.

Chứng nhân lịch sử một thời huy hoàng

Ngày nay, tại Khu di tích lịch sử cách mạng nhà máy in tiền đồn điền Chi Nê còn lưu giữ rất nhiều những hiện vật, biểu trưng trong một thời gian khó, nhưng đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Khu di tích bao gồm 3 địa điểm: Ngôi nhà trung tâm của đồn điền xưa, nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng và kho để tiền sau khi in.

vnp_nha_may_in_tien_4
Chuyen-it-biet-ve-nha-may-in-tien-dau-tien-cua-Viet-Nam-4-1607574850-217-width660height440

Chiếc máy in thô sơ, được nhập khẩu từ Nhật Bản với hệ thống dây điện chằng chịt.

Mẫu tiền Con trâu xanh do họa sĩ Nguyễn Huyến thể hiện - là tờ tiền có mệnh giá lớn nhất khi đó. Cho đến nay, nếu quy đổi, tờ tiền này có giá lên tới hơn 30 triệu đồng.

de1a683f-3e78-469c-92ae-4d80e96640ac

Để con trâu thật trên tờ tiền sống động, thanh thoát và có thần. Họa sĩ Nguyễn Huyến (ảnh) đã phải chạy ra cánh đồng làng Láng (Hà Nội) để tận thấy một con trâu đang gặm cỏ.

6

Những loại tiền được sử dụng nhiều ở giai đoạn 1945-1976

Ngược lên khoảng 500m trong khuôn viên khu di tích là ngôi nhà của vợ chồng ông Đỗ Đình Thiện. Nơi đây vẫn lưu giữ những kỷ vật của hai vợ chồng ông bà Thiện - Điền trong quá trình sinh sống.

3
4

Nhiều vật dụng của ông Đỗ Đình Thiện vẫn giữ i nguyên

Đặc biệt, đồn điền Chi Nê là nơi dừng chân của nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ hoạt động cách mạng. Cũng chính nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghỉ chân khi Người đi công tác ở tỉnh Thanh Hóa. “Khu di tích lịch sử Nhà máy in tiền đã được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2007 và được đầu tư trùng tu nâng cấp năm 2014 với tổng diện tích trên 15ha”.

Thiết kế chưa có tên

Căn hầm nơi Bác Hồ trú ẩn tại gia đình ông Đỗ Đình Thiện

Mỗi năm, ban quản lý các khu di tích đón tiếp hàng ngàn lượt người đến tới tham quan, dâng hương và nghiên cứu lịch sử.

>> Khu khảo cổ khổng lồ rộng hơn 45.000m2 là nơi khai quật nhiều bảo vật quốc gia, được coi là tài sản vô giá của Việt Nam

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ben-trong-nha-may-in-tien-dau-tien-cua-viet-nam-nam-tren-don-dien-rong-7300ha-gia-tri-den-2000-luong-vang-co-can-ham-bac-ho-tung-tru-an-d111312.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bên trong nhà máy in tiền đầu tiên của Việt Nam, nằm trên đồn điền rộng 7.300ha giá trị đến 2.000 lượng vàng, có căn hầm Bác Hồ từng trú ẩn
    POWERED BY ONECMS & INTECH