Cùng với việc tôn vinh giải pháp dịch vụ công trực tuyến xuất sắc, Bộ TT&TT cũng dự kiến sẽ đánh giá, lựa chọn dịch vụ công trực tuyến phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.
Dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã xác định việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình có chất lượng, được người dân dùng nhiều là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay để phát triển chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT nhiệm vụ “Tổ chức tôn vinh dịch vụ công chất lượng nhất, dịch vụ công thu hút được sự tham gia rộng rãi nhất, cơ quan nhà nước vận hành tối ưu nhất, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội đã giải quyết có kết quả đột phá nhất và cơ quan nhà nước phát triển Chính phủ số tốt nhất”.
Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT, thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ sẽ đánh giá, lựa chọn các dịch vụ công trực tuyến xuất sắc của các bộ, tỉnh cùng những giải pháp cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiêu biểu để tổ chức tôn vinh vào Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 năm nay.
Để chuẩn bị cho việc này, mới đây Bộ TT&TT đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lựa chọn và đề xuất 10 dịch vụ công trực tuyến xuất sắc của năm 2022 và năm 2023, bao gồm 5 dịch vụ công trực tuyến dành cho người dân và 5 dịch vụ công trực tuyến dành cho doanh nghiệp.
Các tiêu chí để các bộ, ngành, địa phương lựa chọn đề xuất những dịch vụ công trực tuyến xuất sắc, theo khuyến nghị của Bộ TT&TT, trong đó trước tiên phải là dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo quy định tại Nghị định 42 năm 2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Cùng với đó, các dịch vụ công trực tuyến được lựa chọn còn phải có hiệu quả sử dụng tốt, đáp ứng một trong các tiêu chí: Được nhiều người sử dụng, thể hiện bằng việc có số lượng hồ sơ trực tuyến cao nhất tính trong các năm 2022 và 2023; được người dân, doanh nghiệp đánh giá mức độ hài lòng cao, từ 90% trở lên; góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian cho người sử dụng dịch vụ và cơ quan nhà nước.
Các bộ, ngành, địa phương cần gửi danh sách đề xuất 10 dịch vụ công trực tuyến xuất sắc của bộ, tỉnh mình về Cục Chuyển đổi số quốc gia trước ngày 31/8. Bộ TT&TT đề nghị các bộ, tỉnh giao cơ quan chuyên trách về CNTT làm đầu mối triển khai việc này.
Trên cơ sở đề xuất các bộ, tỉnh, Bộ TT&TT sẽ tổ chức đánh giá, thẩm định và lựa chọn những dịch vụ công trực tuyến và giải pháp cung cấp dịch vụ công trực tuyến xuất sắc, sẽ được vinh danh trong Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023.
Trong báo cáo tháng 7 về tình hình chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cho biết, thời gian vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số dịch vụ đủ điều kiện đã đạt 90,66%.
Với riêng Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ dichvucong.gov.vn, đến nay cổng đã cung cấp 4.460 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 8,5 triệu tài khoản; hơn 224 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 19,2 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 21,9 triệu hồ sơ trực tuyến từ cổng; hơn 12,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 6,639 nghìn tỷ đồng; hơn 333 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.
Trong trao đổi tại tại họp báo thường kỳ tháng 8 của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh, về phát triển Chính phủ số, một việc đặc biệt quan trọng trong các tháng cuối năm nay là tiếp tục thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
“Hiện nay, tỷ lệ người dân thực sự nộp hồ sơ trực tuyến từ nhà, toàn trình vẫn còn rất thấp. Bộ TT&TT mới đây đã tiếp tục có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về 20 nhiệm vụ trọng tâm, cần được triển khai ngay để nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình”, ông Nguyễn Phú Tiến chia sẻ.
Đẩy mạnh thực hiện giải pháp phòng, chống lãng phí trong ngành Xây dựng
Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu bản sao chứng thực khi làm thủ tục hành chính